Quản lý chặt nguồn vốn vay chính sách
Quản lý chặt vốn vay, cách sử dụng vốn là cách tốt nhất để hạn chế nợ quá hạn. Nhưng nếu một khi không thể thu hồi được nợ vì lý do bất khả kháng thì Chính phủ chắc cũng sẽ xem xét xóa nợ. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quang Dinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam về mục tiêu kiểm soát chất lượng tín dụng của ngân hàng này.
- P.V: Thưa ông, phương thức nào tốt nhất để kiểm soát chất lượng tín dụng?
- Ông Nguyễn Quang Dinh: Đối tượng của Ngân hàng Chính sách xã hội là những người nghèo và đối tượng chính sách khác. Vì thế, Chính phủ thành lập hệ thống ngân hàng này và sử dụng nguồn tài chính do Nhà nước huy động cho vay ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngân hàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà quan tâm tới an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Cho vay, lãi suất, phương thức cho vay đều được Chính phủ quy định cụ thể.
Một trong những phương thức kiểm soát chất lượng tín dụng tốt nhất là ủy thác qua các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội để chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Sự quản lý của ngân hàng chinh sách khác ngân hàng thương mại vì trong quá trình bình xét cho vay hay quản lý vốn đều có cả hệ thống chính trị tham gia với 200 cán bộ, 1.450 tổ vay vốn nên quản lý rất chặt. Việc cho vay lồng ghép các chương trình, hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng vốn nên vốn đã đưa vào sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng thường xuyên phối hợp tập trung kỹ năng quản lý cấp cơ sở và các tổ vay vốn có mặt hầu hết tổ dân cư. Do đó, việc quản lý chặt chẽ và xã hội hóa rất cao. Tổng dư nợ đến ngày 30.4.2017 khoảng 3.773 tỷ đồng. Nợ xấu chỉ chiếm 0,05%. Nói chung là nợ xấu mấy năm qua đã được quản lý khá tốt.
P.V: Hiện ngân hàng vẫn còn những khoản nợ không thể thu hồi, giải quyết chuyện này như thế nào?
- Ông Nguyễn Quang Dinh: Những món vay sinh viên cao nhất đến 870 tỷ đồng, giờ chỉ còn 570 tỷ đồng và năm 2017 thu lãi rất tốt. Thực ra, trong 7 chương trình tín dụng thì chương trình tín dụng sinh viên cũng đáng lo ngại rủi ro vì mức cho vay tương đối cao. Lúc đầu, ngân hàng không thu lãi khi sinh viên còn học, nhưng sau đó sợ để lâu quá thì 4 hay 5 năm sau lãi sẽ cao nên thu hàng tháng. Hiện còn dư nợ 521 tỷ đồng. Trong đó nhiều món vay không hoạt động (không trả lãi). Ngân hàng đang rà soát, các tổ vay vốn kiểm tra và đôn đốc hàng tháng. Chất lượng tín dụng sinh viên đang nằm trong tầm kiểm soát.
Riêng đối với những hộ vay vốn bỏ đi không tìm được địa chỉ hiện dư nợ khoảng 2 tỷ đồng. Ngân hàng đang phối hợp để tìm ra tông tích. Nếu xác định được địa chỉ thì sẽ phối hợp với ngân hàng, địa phương nơi người vay cư trú sẽ quản lý và thu hồi số nợ này. Nếu 2 - 3 năm không tìm được địa chỉ, tông tích thì chỉ còn cách khoanh nợ lại để chờ xử lý. Nếu không tìm được thì chắc Chính phủ cũng sẽ cho xóa nợ, chứ biết làm thế nào!
Hơn 15 năm nay, nhờ mạng lưới phân bổ thông qua các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, bám sát địa bàn và người dân nghèo có ý thức trả nợ rất cao, nên chất lượng tín dụng được đánh giá cao. Việc xử lý nợ quá hạn, nợ xấu thì việc tuyên truyền, vận động vẫn là biện pháp chính.
P.V: Xin cảm ơn ông!
TUY PHONG (thực hiện)