Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hầu hết lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều có sai phạm khiến người tiêu dùng bị thiệt hại. Vậy nhưng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lại chưa được coi trọng.
Quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ thỏa đáng trong thời gian qua. |
Nhiều hạn chế
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt ra quân thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại. Kết quả đã cho thấy, rất nhiều sai phạm đã ảnh hưởng xấu trực tiếp đến người tiêu dùng. Tại các huyện Phú Ninh, Quế Sơn, Duy Xuyên, Núi Thành và thị xã Điện Bàn đều có hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Vệ sinh khu vực giết mổ không đảm bảo, ruồi nhặng bám đầy thịt vừa mới được mổ xong, hệ thống xử lý nước thải, khử độc, tiêu độc, khử trùng đều không đảm bảo. Ngành chức năng cho rằng, thịt các loại gia cầm, gia súc được giết mổ trong điều kiện không đảm bảo rồi bày bán tràn lan trên thị trường khiến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Qua test nhanh khi các lực lượng quản lý thị trường của tỉnh kiểm tra cho thấy nhiều vi phạm về chỉ tiêu borat trong nem chả. Qua mua sữa ở một số cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, người tiêu dùng đã phải sử dụng hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Theo Sở Công thương, các đợt kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều phát hiện sai phạm trên hầu khắp lĩnh vực, từ thực phẩm đến vàng bạc, từ quần áo cho đến linh kiện điện tử, từ kinh doanh nhiên liệu cho đến hàng dân dụng thường nhật...
Trong khi người tiêu dùng liên tục phải sử dụng các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại chưa thật sự được coi trọng. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, công tác phối hợp thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn lỏng lẻo, một số cơ quan và doanh nghiệp chưa nhận thức được rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của nhà nước và toàn xã hội. Người dân thường có tâm lý e ngại trong việc sử dụng các quyền lợi của mình, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm hại. Phần lớn thành viên Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đều hoạt động kiêm nhiệm, thường dành hầu hết thời gian tập trung vào công tác chuyên môn tại đơn vị nên ít tham gia công tác chung. “Tại Quảng Nam, rất đông người dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, việc tiếp cận thông tin bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh còn hoạt động nhỏ lẻ nên chưa chú trọng sản xuất sản phẩm, hàng hóa chất lượng cũng như chăm sóc chu đáo người tiêu dùng” - ông Dũng nói.
Đồng bộ các giải pháp
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, hiện mới chỉ có dưới 5% số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, để luật đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật để người tiêu dùng biết, qua đó bảo vệ quyền lợi của chính họ, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn, phối hợp chặt chẽ hơn. “Trong năm 2017, chúng tôi phối hợp với Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam để tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến người dân nắm các luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nhắn nhủ họ chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, phản ánh các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả. Việc này được thực hiện tốt sẽ giải quyết cả 2 vấn đề tồn tại bấy lâu nay là người tiêu dùng không biết quyền lợi được bảo vệ của mình cũng như cơ quản bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thiếu thông tin, thiếu nội dung hoạt động do không nhận được phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng. Khoảng cách này cần phải được khắc phục trong năm 2017 này” - ông Dũng nói.
Ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chưa phổ biến do ý thức của doanh nghiệp, cơ sở, nhà sản xuất chưa cao. Bản thân người tiêu dùng cũng chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Đối với công tác thực thi văn bản về luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn chồng chéo. “Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, hàng hóa nước ngoài vào nước ta ngày càng nhiều hơn đòi hỏi công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải thiết thực hơn. Do vậy, các ngành các cấp, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cộng đồng dân cư, người tiêu dùng cần phối hợp chặt chẽ với ngành công thương để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, các dịch vụ, tư vấn, bảo hành, chăm sóc khách hàng được thường xuyên hơn, đi vào thực chất, qua đó đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của khách hàng. Có được như vậy thì sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh” - ông Lưu kêu gọi.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) kiêm Chủ nhiệm văn phòng Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Nam cho rằng, người tiêu dùng cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc sử dụng quyền lợi bảo vệ chính mình, chủ động phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi khi phát hiện những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường. Người tiêu dùng cần mua, sử dụng các hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi giao dịch cần giữ biên lai, hóa đơn để làm cơ sở cho việc khiếu nại sau này. “Người tiêu dùng mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ theo thói quen, cảm tính vì vậy cần nâng cao nhận thức về các quyền lợi của mình. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng, cũng rất cần cần sự đồng hành của chính các doanh nghiệp, những nhà sản xuất, kinh doanh” - ông Lâm nói.
VIỆT QUANG