Quảng Nam - Quảng Ngãi: Liên kết không gian phát triển
Quảng Nam - Quảng Ngãi có nhiều nét tương đồng để hỗ trợ liên kết phát triển kinh tế, trong đó 2 địa phương được sử dụng chung hạ tầng giao thông, đều nằm ở cửa ngõ biển...
|
Quảng Nam - Quảng Ngãi có thể sử dụng chung hạ tầng để phát triển kinh tế cảng biển. TRONG ẢNH: Các container tập kết ở cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: TRẦN HỮU |
“Mắt xích” từ sân bay
Nhiều năm nay, “bầu sữa” cho ngân sách Quảng Nam là từ nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, còn phía Quảng Ngãi là nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất của Quảng Ngãi nằm kề nhau, có nhiều đặc điểm về không gian kinh tế tương đồng. Rõ nhất là tuyến ven biển nối 2 KKT này với khoảng cách hơn 10km. Lợi thế của 2 địa phương là giao thông đường biển, đường sắt và đường hàng không. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang thi công sắp hoàn thành sẽ là cung đường hiện đại đầu tiên của các tỉnh duyên hải Trung Bộ, giúp liên kết nhiều địa phương lân cận, nhưng 2 địa phương sẽ trực tiếp hưởng lợi. Từ đây hàng hóa thông qua cảng biển, nhất là cảng nước sâu của Quảng Ngãi sẽ phát huy hết công suất hoạt động. Điểm khác biệt lớn nhất của Quảng Nam là có sân bay Chu Lai, trong khi Quảng Ngãi thì không. Ngược lại địa phương này sở hữu cảng nước sâu sầm uất nhất khu vực. Hai tỉnh đã nương tựa vào nhau, biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh và liên kết phát triển. Các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất, không chỉ dựa vào cơ chế thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng đồng bộ ở đây mà còn xem xét bao trùm cả không gian phát triển KKT mở Chu Lai. Với các nhà làm quy hoạch, khi mở rộng hay điều chỉnh diện tích đều đặt yếu tố cộng sinh lên trên hết, khu này sẽ dựa vào khu kia để phát triển, khai thác lợi thế hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của hai bên.
Theo UBND tỉnh, sân bay Chu Lai có thể phát triển thành cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn của ICAO. Dự kiến đến năm 2020 đạt công suất 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của tỉnh về phương án sử dụng đất hàng không dân dụng trong việc đầu tư, mở rộng hệ thống đường giao thông kết nối từ quốc lộ 1 vào đến đường nội cảng tại sân bay. |
Sân bay Chu Lai của Quảng Nam có tổng diện tích 3.400ha, nhưng thực tế phục vụ phần lớn cho hành khách của tỉnh Quảng Ngãi. Từ Quảng Ngãi đến sân bay Chu Lai tầm 40,6km và sân bay Chu Lai cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ 34km. Doanh nghiệp vào làm ăn ở Quảng Ngãi, chọn sân bay Chu Lai bởi rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại so với các sân bay khác. Trong định hướng phát triển, Quảng Nam sẽ mở rộng cảng hàng không, xem đó như là lợi thế so sánh cạnh tranh. Đã từng có các nhà đầu tư muốn mở rộng sân bay Chu Lai. Theo Tập đoàn Thiên Tân, nếu dự án được Chính phủ đồng ý sẽ mở rộng sân bay 1.500ha về phía nam thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Ở tầm vóc quốc gia, sân bay Chu Lai được Chính phủ quy hoạch phát triển thành sân bay quốc tế, đây là cơ hội lớn để liên kết chặt chẽ vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Nối dài cánh tay
Sự hiện diện của hàng chục doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở KKT mở Chu Lai đã biến vùng kinh tế phía nam của tỉnh phát triển năng động. Điều này đã kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa lẫn xuất khẩu tăng đột biến. Quốc lộ 1 qua Dốc Sỏi - vùng giáp ranh giữa Quảng Nam - Quảng Ngãi vốn là cung đường đông đúc phương tiện qua lại. Tại Quảng Ngãi, các nhà máy gần như hút hết nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến. Ngược lại cảng Kỳ Hà là đối tác truyền thống vận chuyển mặt hàng dăm gỗ của các nhà máy ở Quảng Ngãi. Tại KKT mở Chu Lai, các nhà máy sử dụng gần 80% nguồn nhân lực, lao động của Quảng Nam, còn 20% đến từ Quảng Ngãi. Ngược lại, tại KKT Dung Quất, các chuyên gia, kỹ sư, nguồn lao động qua đào tạo bài bản cũng được huy động từ Quảng Nam.
Liên kết vùng là xu thế tất yếu để 2 địa phương phát triển toàn diện, khai thác triệt để ưu thế của hạ tầng giao thông, tiềm năng của mỗi vùng. Theo ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý KKT mở Chu Lai, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rất có tiềm năng phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu. “Muốn kinh tế biển của cả vùng phát triển, không con đường nào khác là chính quyền phải liên kết lại, bổ sung cho nhau. Nếu vì lợi ích cục bộ địa phương thì sẽ khó kéo cả vùng đi lên” - ông Diện nói. Còn TS.Trần Du Lịch, Phó Trưởng nhóm tư vấn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đề xuất, cần doanh nghiệp đẳng cấp để làm đầu tàu. Tại KKT mở Chu Lai cần xây dựng một khu công nghiệp hỗ trợ về cơ khí ô tô và nhiều lĩnh vực khác. Dung Quất phát triển thành tổ hợp hóa dầu quốc gia. Điều quan trọng, động lực cho cả vùng đi lên là chính quyền phối hợp xây dựng các dự án hạ tầng chung cho các KKT nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Ngoài bổ sung cho nhau trong vận chuyển, trung chuyển hàng hóa qua cảng biển, giữa Quảng Nam - Quảng Ngãi đã bắt đầu hợp tác để quảng bá thương hiệu địa phương, đặc biệt là các sản phẩm du lịch. Khách trong và ngoài nước đến Quảng Ngãi nếu đi bằng đường hàng không phải đáp xuống sân bay Đà Nẵng hoặc sân bay Chu Lai. Điều này mở ra cơ hội cho Núi Thành, TP.Tam Kỳ phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch tại Cù Lao Chàm cũng đã tiếp cận, khảo sát thiết lập tuyến tham quan đường biển kết nối Hội An với đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trong khi đó, giữa 2 KKT đều được hưởng lợi các cơ chế ưu đãi vượt trội của Chính phủ, dồi dào nguồn nhân lực và đất đai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi cần liên kết chặt chẽ để phát triển. Hợp tác giữa 2 địa phương sẽ mang tính sống còn. Phát triển KKT mở Chu Lai có tính toán, dự báo về trục xoay kinh tế vùng, trong đó có KKT Dung Quất của Quảng Ngãi. Trong bối cảnh hội nhập, tăng sức cạnh tranh thì liên kết phát triển vùng là chìa khóa mở ra thành công. Vì vậy, với kết cấu hạ tầng dọc ngang như hiện nay, 2 địa phương sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, nguyên liệu gỗ...
HỮU PHÚC