Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn: "Cần sự đồng thuận của toàn xã hội"
Cơ quan thuế đã nỗ lực hết mình trong 20 năm qua để góp sức vào việc tăng thu ngân sách và cải cách các thủ tục hành chính, hỗ trợ, đồng hành với người nộp thuế. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế cho biết, cơ quan thuế rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội để những cải cách thực sự hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển và thu ngân sách ngày càng gia tăng.
- PV: Thưa ông, thành công nổi bật của ngành thuế Quảng Nam trong vòng 20 năm qua được thể hiện rõ ở mặt nào?
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế. |
- Ông Ngô Bốn: Kết quả thu tăng trưởng vượt bậc với con số thu gấp hơn 67 lần so với năm 1997, có thể nói là cao nhất so với nhóm các tỉnh, thành chia tách sau 20 năm. Ngành thuế cũng có công giúp trực tiếp cho Quảng Nam tạo môi trường đầu tư, kinh doanh. Khi nhà đầu tư đến, trong tính toán của họ là muốn biết ưu đãi gì trên đất Quảng Nam, thì chính sách tài khóa và chính sách thuế là quan trọng trực tiếp. Cơ quan thuế đã thông tin, hướng dẫn một cách tích cực và đầy đủ cho nhà đầu tư các ưu đãi, để họ quyết định đi hay ở. Cơ quan thuế đã triển khai tốt pháp luật nhà nước về quản lý thuế, chuyển đổi một cách căn bản từ quản lý buộc người ta nộp thuế sang cơ chế hướng dẫn để người ta tự kê khai, tự nộp và mình hậu kiểm. Sai thì xử lý. Tốt thì tuyên dương. Chuyển từ quản lý sang hỗ trợ, đồng hành, nhất là tạo ra môi trường kinh doanh của doanh nghiệp không bị ức chế.
Không chỉ vậy, Quảng Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong chống thất thu, quản lý bao quát nguồn thu trong vài năm gần đây thực sự có chiều sâu. Ngành thuế đã phát hiện những vụ việc tương đối lớn, đưa vào quản lý, không bỏ sót nguồn thu và truy thu. Cụ thể như thất thu lĩnh vực khoáng sản về mặt sản lượng hay thu thuế vãng lai… Nhiều người biết và không ai dám nói thì cơ quan thuế đã tổng hợp, đối chiếu số liệu, tham mưu và có cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra, đấu tranh từng doanh nghiệp cụ thể để truy thu hàng chục tỷ đồng. Ngay cả việc thuế nhà thầu, thu nhập cá nhân, hoạt động thương mại dịch vụ, quảng cáo, tiếp thị, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, môi giới của người nước ngoài vốn là công việc khó trong quản lý thuế cũng đã được phát hiện và truy thu.
- PV: Cơ quan thuế được lợi gì từ những nỗ lực trong việc tăng thu cho ngân sách nhà nước?
- Ông Ngô Bốn: Không nghĩ nhiều về việc sẽ được lợi ích gì mà chỉ nghĩ đến trách nhiệm. Đảng, Nhà nước đã giao thì phải làm, mà làm thì hết sức, hết trách nhiệm. Khi thấy đúng, sẽ quyết tâm làm đến nơi, đến chốn. Tỉnh cũng quan tâm ít nhiều, nhưng chủ yếu về mặt tinh thần. Nhưng chúng tôi không mong đợi hay đòi hỏi về chuyện được cái gì. Nhiều lúc cũng không được vui lắm vì lời khen cho vượt thu ít mà hụt thu sẽ bị chê bai khá nhiều. Một huyện nào đó bị hụt thu cũng bị chê la, phiền trách. Nhưng, như đã nói, trách nhiệm là trên hết. Có đụng chạm cũng sẽ thực hiện theo pháp luật nếu thấy đúng. Làm đến nơi đến chốn. Có làm hết trách nhiệm thì mới có thể vui và thỏa mãn với chức trách của người thu thuế.
- PV: Áp lực lớn nhất ngành thuế phải đối mặt là gì?
- Ông Ngô Bốn: Khó khăn trước mắt của ngành thuế chính là yêu cầu phải đi đầu trong cải cách. Ba năm qua, khi nói đến Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh…, thuế và hải quan được nhắc đến trực tiếp, nhưng thực tế năng lực cán bộ chưa đồng đều và cơ cấu bộ máy chưa hoàn thiện. Quảng Nam có đến 9 huyện miền núi, mặt bằng dân trí không cao, năng lực cán bộ công chức có hạn, nên khi áp dụng hiện đại hóa công tác thuế bị ảnh hưởng. Hiện đại hóa cần sự đồng thuận từ doanh nghiệp, người nộp thuế phải đồng bộ, nhưng thực tế doanh nghiệp Quảng Nam phần lớn nhỏ, siêu nhỏ. Số doanh nghiệp có số thu lớn không nhiều, nên họ cũng chưa có yêu cầu hiện đại trong quản lý.
Nhiệm vụ thu thuế ngày càng gia tăng cũng là chuyện khó. Nhưng ngành thuế sẽ tiếp tục nỗ lực, vừa cùng các ngành hiến kế phát triển kinh tế, tăng nhà đầu tư, doanh nghiệp cả về quy mô và số lượng. Để tăng thu thuế, không còn cách nào khác là tăng số lượng doanh nghiệp, tăng quy mô và hiệu quả ở các doanh nghiệp đang hoạt động, ngành thuế không bao giờ nghĩ doanh nghiệp đang trốn thuế đâu đó để tăng cường thanh tra, kiểm tra, truy thu. Quan trọng nhất là hướng dẫn người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp, thực hiện đúng chính sách.
- PV: Ông nghĩ gì khi có không ít người tỏ ra thiếu thiện cảm với ngành thuế, làm gì để “hóa giải” điều này?
- Ông Ngô Bốn: Cái thời mà thuế phải đi la ré, hò hét, chặn xe, chặn đường, lùng sục… để thu thuế đã qua lâu lắm rồi. Bây giờ, cơ quan thuế chủ yếu hướng dẫn tuyên truyền pháp luật để người kinh doanh, người nộp thuế biết và tuân thủ, không tuân thủ thì cơ quan thuế kiểm tra, chấn chỉnh, có phạt. Tất cả đều dựa trên các quy định pháp luật. Có hai lý do để sự “hiểu lầm” này tồn tại. Thực tế vẫn có một số rất ít cán bộ thuế thiếu trách nhiệm làm cho người ta không hài lòng. Ngoài ra, cũng có không ít cán bộ, công chức thuế thiếu năng lực trong việc thuyết phục, giải thích. Xử lý là đúng luật, nhưng cần giải thích cho người ta hiểu, phục, thông cảm. Ngoài việc thanh tra, kiểm tra, cán bộ, công chức thuế còn phải chuyển tải việc tuân thủ pháp luật thuế đến cho người nộp thuế một cách đầy đủ để sau này họ không sai nữa. Cán bộ, công chức thuế làm không đầy đủ thành ra người nộp thuế không vừa ý. Nếu không có những cuộc thanh tra, kiểm tra thì làm sao có thể phát hiện cái sai của doanh nghiệp và thu hồi thuế về cho ngân sách nhà nước? Còn họ than phiền hay phản ứng chính là mình đã chạm vào lợi ích của họ mà thôi!
Những năm gần đây, ngành thuế đã chấn chỉnh quyết liệt bằng việc mỗi cán bộ công chức thuế có thông tin hay dấu hiệu gì thì chúng tôi thay đổi vị trí. Đặc biệt những anh có quan hệ làm việc với doanh nghiệp và người nộp thuế, nếu có thông tin thì đổi qua những bộ phận gián tiếp. Mỗi năm 20% cán bộ công chức, kể cả lãnh đạo đã được thay đổi vị trí công tác (150 người). Đó là một trong những biện pháp bên cạnh giáo dục tư tưởng và kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở bằng văn bản.
- PV: Xin cảm ơn ông!
TÙY PHONG