Cơ hội từ hội chợ
Quảng bá mạnh mẽ thương hiệu sản phẩm cộng với tăng nguồn doanh thu sau mỗi lần tham gia mới có thể khiến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh mặn mà hơn với các hội chợ.
Các sản phẩm truyền thống của huyện Đông Giang gần đây thường xuyên tham dự hội chợ và thu được kết quả tích cực. Ảnh: Q.T |
CÁC hội chợ diễn ra nhằm tạo cơ hội kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm nên từ lâu đã được các doanh nghiệp trên cả nước nắm bắt để phát triển kinh doanh. Vài năm gần đây, nhờ mật độ các hội chợ diễn ra đều đặn và chất lượng hơn trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhất là Đà Nẵng nên một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Quảng Nam bắt đầu chú trọng đến việc tham dự hội chợ. Ngoài ra, với một số sản phẩm đặc sản như tiêu, trầm hương… đã mạnh dạn đến với các hội chợ tầm cỡ lớn trên toàn quốc tại Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Vừa qua, tại hội chợ “Hàng Việt Đà Nẵng 2016” diễn ra từ ngày 9 đến 14.12, có khoảng 10 mặt hàng đến từ Quảng Nam đăng ký tham dự. Trong đó đáng chú ý có gian hàng sản phẩm làng nghề do Trung tâm xúc tiến thương mại của Sở Công Thương thành lập với các sản phẩm như tiêu, chổi đót, rượu ba kích… thu hút khách hàng. Ông Lê Đình Đối - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết, thời gian gần đây đơn vị đã chủ động sàng lọc các hội chợ chất lượng để thành lập gian hàng sản phẩm làng nghề và hầu hết mặt hàng tham dự đều thu được kết quả khả quan.
Thực tế, các mặt hàng sản phẩm làng nghề đều bán rất chạy bởi một lượng lớn khách hàng ưa chuộng. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ - chủ cơ sở sản xuất chổi đót Nhất Tuấn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên), cơ sở của bà có khi tiêu thụ được đến vài nghìn cây chổi ở mỗi đợt tham dự hội chợ cùng đơn đặt hàng với số lượng lớn. Hay cơ sở sản xuất rượu ba kích Chính Châu của anh Bùi Nam Chính (thị trấn P’rao, Đông Giang) đạt doanh thu khoảng hơn 100 triệu đồng qua mỗi lần dự hội chợ. Thậm chí sản phẩm chè dây Ra zéh của Hợp tác xã chè dây Ra Zéh (Đông Giang) đã “cháy hàng” khi hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam 2016” ở Đà Nẵng còn 3 ngày mới kết thúc.
Dù mang lại lợi ích thiết thực nhưng lượng doanh nghiệp Quảng Nam tìm đến các hội chợ ở ngoài tỉnh vẫn còn khá hạn chế. Đơn cử như tại hội nghị kết nối cung cầu miền Trung - Tây Nguyên 2016 được tổ chức vào tháng 10.2016 tại TP.Đà Nẵng, chỉ có khoảng 10 đơn vị đến từ Quảng Nam trong khoảng gần 500 đơn vị có mặt tại hội chợ. Hiện nay, phần lớn các hội chợ đều có những cơ chế, ưu đãi khuyến khích nhất là đối với các mặt hàng đặc sản, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của anh Lê Văn Lương - chủ cơ sở sản xuất cà phê Phương Thảo (xã Duy Hải, Duy Xuyên), việc tham dự hội chợ có hiệu quả hay không còn tùy vào địa điểm như tham gia ở Công viên 29/3 dễ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hơn là ở Trung tâm hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Một vài doanh nghiệp khác lại trăn trở về yếu tố thời tiết bởi mùa mưa khu vực miền Trung thường xuyên hứng chịu những đợt mưa, lạnh kéo dài khiến hội chợ dễ ế ẩm nếu tổ chức vào đúng thời điểm này. Theo ông Lê Đình Đối, muốn sản phẩm của mình vươn xa phải tích cực quảng bá, các đơn vị cần mạnh dạn tham dự bởi gian hàng sản phẩm làng nghề của trung tâm xúc tiến thương mại tại hội chợ thường được hỗ trợ phí thuê gian hàng.
QUỐC TUẤN