Lo hàng bán tết

CHIÊU THỤC ANH 19/12/2016 12:45

Các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh nhu yếu phẩm, thực phẩn, hàng tiêu dùng… đang chạy nước rút chuẩn bị hàng phục vụ Tết Đinh Dậu 2017.

Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao dịp tết. Ảnh: C.T.A
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao dịp tết. Ảnh: C.T.A

Xoay vốn cược hàng

Đại lý bia Lộc Lan được xem là đại lý bia lớn ở phía tây Tam Kỳ, điều phối bia cho các huyện dọc trục đường ĐT616 gồm các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My. Chính vì lượng hàng cần cung cấp tương đối lớn nên ngay từ những ngày cuối tháng 11 dương lịch, chủ đại lý bia Lộc Lan (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) đã xoay vần, chuẩn bị vốn để đặt hàng, đảm bảo phục vụ mùa tết. “Với mặt hàng mà chúng tôi kinh doanh, việc chuẩn bị vốn và lên phương án buôn bán cụ thể dịp cao điểm này rất quan trọng. Ngay từ sớm đại lý phải dự đoán số lượng hàng đảm bảo tết, đặt cọc tiền, điều phối nguồn hàng hợp lý, nếu không sẽ cập rập nhất là những ngày cuối năm” - chị Ông Thị Thái Hà - chủ đại lý bia Lộc Lan chia sẻ. Việc điều phối hàng hợp lý chính là  đảm bảo không dư hàng chỗ này mà hụt hàng ở địa phương khác. Đó là chưa tính đến vấn đề bia, nước ngọt phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. “Nhu cầu của người tiêu dùng mấy ngày tết rất thất thường, nhiều năm trữ ba chục thùng bia lon mà vẫn không đủ cung ứng hàng nhưng có khi chỉ trữ hơn chục thùng nhưng bán hoài không trôi” - bà Ngô Thị Châu (chủ cửa hàng tạp hóa Châu, Tiên An, huyện Tiên Phước) cho biết thêm.

Theo như tiết lộ của một doanh nghiệp từng nhận vốn hỗ trợ dự trữ hàng tết, lý do công ty không tiếp tục đăng ký nhận hỗ trợ vốn rất nhiều. Trong đó phải kể đến việc phải xuất trình giấy tờ chứng minh hàng hóa thiết yếu mua bán trong mùa tết, thời gian chờ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ tết năm trước đến gần giáp tết năm sau mới được nhận…. Chính vì vậy năm nay, các cơ sở, đại lý nhỏ lẻ cũng không hào hứng và đăng ký nhận trợ vốn như các năm trước. “Cứ đến hẹn lại lên, Phòng lại ra văn bản gửi các phòng kinh tế hạ tầng địa phương ra thông báo, làm tổng hợp đề xuất nhận hỗ trợ vốn. Từ đó, sở mới tổng hợp và trình lên UBND tỉnh tham mưu nguồn vốn. Quy trình như vậy nhưng có nơi trình, có nơi không lại thêm một số vướng mắc trong quá trình nhận vốn nên ảnh hưởng tới kế hoạch dự trữ tết. Sau mùa Tết Đinh Dậu, sở sẽ tính lại phương án để tham mưu với UBND tỉnh có kế hoạch dự trữ tết thiết thực, sát sườn hơn để đảm bảo người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi mà cơ quan quản lý không bị động” - chị Nguyễn Thị Trâm - Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương nói.

Không khí chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đến thời điểm này đã khá nhộn nhịp. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho hay: “Kế hoạch cụ thể, chi tiết về từng loại hàng thì siêu thị vừa mới hoàn thành xong để báo về tổng kho để tổng công ty điều phối, đưa về kịp chuẩn bị cho bà con nhân dân mua sắm tết. Dự báo mùa bán hàng Tết Đinh Dậu 2017, lượng hàng bán ra sẽ tăng khoảng 5 -10%, khoảng 60 - 65 tỷ đồng. Đây là con số dự báo mùa bán trước tết. Riêng trong những ngày tết siêu thị vẫn mở cửa tối đa công suất phục vụ bà con nên nguồn hàng đảm bảo sẽ không thiếu hụt”. Được biết, dù không nhận nguồn vốn hỗ trợ bình ổn giá của UBND tỉnh nhưng siêu thị sẽ tập trung bình ổn giá cho một số mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, cà phê, đồ uống, thời trang và hàng rau, củ quả, gạo trắng thường, gạo trắng thơm, nếp, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…

Cần cơ chế mới hơn

Trong khi các công ty, doanh nghiệp lớn gấp rút chuẩn bị vốn dự trữ hàng hóa thì tiểu thương buôn bán ở các chợ, trung tâm thương mại tương đối trầm lắng ở thời điểm này. “Mùa mua sắm tết qua mỗi năm lại bớt chộn rộn đi một ít, chung quy điều kiện kinh tế của người dân ngày càng nâng lên. Vì vậy, thay vì dồn sức mua vào dịp cuối năm, người tiêu dùng đã chuẩn bị từ trước. Bánh kẹo, nhu yếu phẩm cũng giảm dần vì quan niệm “chơi tết” đã thay cho “ăn tết”. Với các tiểu thương kinh doanh trong chợ thì cận tết mới chộn rộn” - chị Nguyễn Thị Muội (chủ cửa hàng quần áo nam Hoàng Muội, chợ Trung tâm thương mại TP.Tam Kỳ), chia sẻ. Ông Lê Văn Thông - Phó ban Quản lý chợ Nam Phước cũng cho hay, thời gian vừa qua mưa kéo dài, buôn bán chưa sôi động nên hiện tại đa số tiểu thương chưa dám trữ hàng. Nhiều người có tâm lý đợi qua Giáng sinh và Tết Dương lịch, xem xét tình hình rồi mới bung tiền mua hàng tết.

Ông Trần Minh Duy - đại diện Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Trần Hoàng (số 22 Phạm Hồng Thái, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Mùa Tết Đinh Dậu 2017 là lần thứ 2 công ty đăng ký nhận hỗ trợ vốn dự trữ hàng hóa thiết yếu. Hiện tại, hàng hóa công ty vẫn về liên tục kịp phục vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Mặt hàng công ty đăng ký nhận hỗ trợ vốn là đường các loại và dự báo mùa tết năm nay, mặt hàng này sẽ tăng 30%”. Theo Phòng Quản lý thương mại, mùa tết năm nay chỉ có ba doanh nghiệp đăng ký nhận hỗ trợ vốn dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ chương trình bình ổn giá cả, thị trường cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017 với tổng số tiền gần 43 tỷ đồng. Bao gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam, Công ty TNHH Hoàng Nguyên và Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Trần Hoàng.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH