An toàn từ nơi sản xuất đến bàn ăn

VĂN HÀO 10/10/2016 09:14

Hôm qua 9.10, Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam khai trương chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại chợ Hà Lam (Thăng Bình).

Cửa hàng thực phẩm an toàn Quảng Nam ở chợ Hà Lam, Thăng Bình. Ảnh: VĂN HÀO
Cửa hàng thực phẩm an toàn Quảng Nam ở chợ Hà Lam, Thăng Bình. Ảnh: VĂN HÀO

Sau khoảng thời gian dài xúc tiến, chuẩn bị, Sở NN&PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, UBND huyện Thăng Bình và Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam đã phối hợp cho ra mắt mô hình cung ứng thực phẩm an toàn, đặc biệt là thịt heo, đảm bảo các quy trình, tiêu chí về cung cấp thực phẩm sạch. Trong ngày khai trương, rất đông người tiêu dùng hưởng ứng, chọn mua sản phẩm sạch tại Cửa hàng thực phẩm an toàn Quảng Nam của công ty. Nhân viên cửa hàng cho biết, chỉ vài giờ sau khi khai trương, hàng chục ký thịt heo đã được bán ra. Để phục vụ nhu cầu trong ngày đầu tiên, công ty mổ thịt 2 con heo, mỗi con 70kg. Ngoài ra, tại cửa hàng còn bày bán các sản phẩm rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) và một số sản phẩm rau củ quả nhập từ Đà Lạt đã qua kiểm định đảm bảo an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng hưởng ứng

Lựa chọn các mặt hàng cần mua tại cửa hàng, bà Nguyễn Thị Sương (trú xã Bình Quý, Thăng Bình) chia sẻ: “Nhiều lần xem thời sự trên ti vi, thấy phản ánh thông tin thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường nên tôi rất bất an khi mỗi lần xách giỏ đi chợ. Bây giờ, địa phương có địa điểm được chứng nhận thịt sạch, rau sạch nên các bà nội trợ chúng tôi cũng yên tâm”. Cũng tham quan, mua thực phẩm tại cửa hàng, bà Trần Thị Khanh (thị trấn Hà Lam) nói, Cửa hàng thực phẩm an toàn Quảng Nam giống như một siêu thị mini, rau sạch, thịt sạch đều có nên việc chuẩn bị mỗi bữa ăn cho gia đình không còn canh cánh nỗi lo như trước.

Bà Trà Lê Hồng Đức - Kế toán trưởng Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam cho biết, đơn vị mở cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch nhằm tạo dấu ấn cho ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó hướng đến tạo dựng được thương hiệu thịt heo sạch trên địa bàn Quảng Nam. “Chúng tôi mua heo về giết mổ từ các hộ đăng ký tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thịt heo sạch với giá cao hơn ngoài thị trường. Thời gian đầu, chúng tôi chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí là lỗ vốn. Điều quan trọng là xây dựng thói quen sử dụng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Công ty cũng đã có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng nữa trên địa bàn tỉnh” - bà Hồng Đức nói.

Mở cửa hàng thực phẩm sạch, Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam triển khai xây dựng thí điểm chuỗi sản xuất thịt heo an toàn từ nơi sản xuất đến nơi bán hàng, và đã có 17 hộ thuộc 3 xã Bình Phú, Bình Định Nam, Bình Chánh của Thăng Bình cam kết tham gia cung cấp heo thịt. Hiện nay, tổng đàn thường xuyên của 17 hộ này luôn có 87 heo nái, 700 heo thịt; về xuất bán thì mỗi hộ luôn có 3 lứa gối đầu; mỗi tháng sẽ bán 10 con heo/hộ (trọng lượng mỗi con phải đạt 70kg). Trong quá trình chăn nuôi của các hộ, công ty phối hợp với ngành chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, xét nghiệm mẫu nước, cơ sở chuồng trại…

Cụ thể hóa quyết tâm của tỉnh

Những năm qua, việc sản xuất chế biến thịt và sản phẩm từ thịt trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về quy mô sản xuất và sản lượng. Tuy nhiên việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng và hình thành chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm sạch tại chợ Hà Lam bước đầu giải tỏa những bức bách về chất lượng thực phẩm. Người sản xuất, kinh doanh thịt sẽ bị ràng buộc bởi những quy định, tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản sẽ xác định được các khâu chủ yếu để thanh tra, kiểm tra, giám sát…, từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản an toàn của tỉnh. Tuy nhiên, ngành chức năng nhận định, khó khăn hiện nay là làm sao để chuyển đổi được nhận thức người tiêu dùng, khi những mặt hàng trôi nổi luôn có giá bán thấp hơn sản phẩm sạch đã được kiểm định.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình nói, việc xây dựng được một chuỗi cung ứng sản phẩm sạch đã khó, càng khó hơn để giữ chuỗi sản phẩm đó được tồn tại và phát triển. “Chúng tôi đang có kế hoạch tham mưu cho UBND huyện các chương trình, biện pháp cụ thể để triển khai thành công, giữ được chuỗi cung ứng thực phẩm sạch trong thời gian đến. Sau đó sẽ huy động thêm nhiều hộ dân tham gia cung ứng sản phẩm cho chuỗi này. Đối với sản phẩm thịt heo sạch, kế hoạch đến năm 2017 sẽ có 50% số xã tham gia, đến năm 2018 có 100% số xã tham gia” - ông Vũ nói.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết tâm xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn gồm: thịt heo, thịt gà, rau củ quả, tôm, nước mắm, trứng gà. Việc khai trương cửa hàng cung ứng chuỗi thực phẩm sạch tại chợ Hà Lam là cụ thể hóa những quyết tâm của tỉnh, ngành nông nghiệp, các địa phương để phát triển mô hình cung ứng thực phẩm nông  - lâm - thủy sản an toàn từ nơi sản xuất đến bàn ăn. “Chúng tôi phối hợp với các ngành y tế, công thương tăng cường quá trình kiểm soát, kiểm tra, tuân thủ yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền để người dân trở thành “người tiêu dùng thông minh” mỗi lần đến chợ. Từ mô hình thí điểm này sẽ tạo tiền đề để tiếp tục ra mắt nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm sạch trong tương lai” - ông Tấn nói.

VĂN HÀO

VĂN HÀO