Quản lý khách du lịch nước ngoài: Mở cửa nhưng phải "xây rào"

16/07/2016 06:14

LTS: Mục tiêu mở rộng cửa đón du khách để phát triển ngành du lịch, giao lưu văn hóa và cải thiện thu nhập đã đạt được những kết quả khả quan nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy. Đặc biệt thời gian gần đây lượng khách nước ngoài đến nước ta gia tăng, nhất là khách Trung Quốc đã gây không ít phiền toái, trong khi đó việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Mở cửa đón khách nhưng cần phải xây “hàng rào” quản lý như thế nào để khách đến thăm cảm thấy thoải mái và không vượt qua những khuổn khổ về pháp lý, lịch sử văn hóa… trở thành câu chuyện đáng quan tâm.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

CẦN LINH ĐỘNG ỨNG PHÓ

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của khách nước ngoài trên địa bàn, thành lập đội phản ứng nhanh về du lịch, kiến nghị sửa đổi Luật Du lịch… là những giải pháp mà các chuyên gia, những nhà quản lý du lịch kiến nghị với Bộ VH-TT&DL nhằm ứng phó trước tình hình gia tăng khách Trung Quốc hiện nay và những năm đến.  

Vượt tầm kiểm soát

Thống kê của Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây lượng khách Trung Quốc luôn đứng đầu trong tốp 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng và gia tăng liên tục qua mỗi năm. Nếu năm 2014, có gần 153 nghìn lượt khách Trung Quốc du lịch Đà Nẵng (chiếm tỷ lệ 16%) thì đến năm 2015 con số này đã gia tăng lên hơn 300 nghìn lượt, chiếm 24%, đứng vị trí thứ nhất trong tổng cơ cấu khách nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 211 nghìn lượt khách Trung Quốc tham quan du lịch Đà Nẵng, chiếm tỷ lệ 26,5%, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ khách Trung Quốc gia tăng, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng cũng khá lớn, chỉ xếp sau khách Trung Quốc và tăng trưởng nhanh theo từng năm (năm 2014 có 107 nghìn lượt, năm 2015 hơn 218 nghìn lượt và 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt gần 208 nghìn lượt). Hiện đã có 12 đường bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng, trong đó có 4 đường bay thường kỳ với 32 chuyến/tuần và 8 đường bay thuê tuyến với 22 chuyến/tuần. Riêng với thị trường Hàn Quốc hiện cũng đã có 2 chuyến bay thường kỳ từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng với 55 chuyến/tuần.

Việc quản lý du khách Trung Quốc vượt kiểm soát của nhiều địa phương như Đà Nẵng.Ảnh: VĨNH LỘC
Việc quản lý du khách Trung Quốc vượt kiểm soát của nhiều địa phương như Đà Nẵng.Ảnh: VĨNH LỘC

Sự tăng trưởng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng giúp có thêm nguồn thu nhưng cũng làm phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết như tình trạng người Trung Quốc hành nghề lữ hành và hướng dẫn viên (HDV) trái phép gia tăng, đặc biệt là thái độ hành xử thiếu tôn trọng văn hóa, lịch sử Việt Nam của một bộ phận khách Trung Quốc đã khiến dư luận bất bình. Trong buổi làm việc giữa Bộ VH-TT&DL với ngành du lịch 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tại Đà Nẵng mới đây, một số ý kiến cho rằng,  nguyên nhân của tình trạng này là tăng trưởng nóng ở 2 thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi cách ứng phó và công tác quản lý của địa phương vẫn chưa theo kịp, dẫn đến xuất hiện những hiện tượng như vừa qua.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng cao là đúng theo định hướng về thị trường Đông Bắc Á của ngành. Tuy vậy, do việc tăng trưởng quá nhanh, quá mạnh của thị trường khách này đã dẫn đến một tình trạng là năng lực quản lý của ngành chưa đáp ứng và thích ứng được, nhất là trong quản lý lữ hành và phát triển số lượng, chất lượng HDV. Ngoài việc thiếu HDV tiếng Trung, tiếng Hàn hoặc chất lượng HDV không đảm bảo... thì sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng lữ hành Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như giữa các hãng lữ hành Việt Nam cũng đã góp phần làm giảm chất lượng tour. “Theo luật thì các hãng lữ hành nước ngoài phải liên kết liên doanh với các đối tác trong nước mới đưa khách vào được nên đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa các hãng lữ hành trong nước nhằm giành giật khách. Từ sự cạnh tranh này đã làm giảm giá thành, giảm giá bán khi đưa ra một giá tour không có lãi và ép giá các dịch vụ cũng như không chi thù lao đủ cho HDV” - ông Siêu cho biết.

Triển khai giải pháp đồng bộ

Theo ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cái khó nhất hiện tại vẫn là giải quyết vấn đề HDV do những quy định về bằng cấp (phải có bằng đại học, trong khi đào tạo chuyên ngành nghiệp vụ du lịch chỉ có trường cao đẳng, trung cấp). Vì vậy, Tổng cục Du lịch và Bộ VH-TT&DL sớm cho ý kiến để khắc phục tình trạng thiếu HDV như hiện nay. Dự kiến, năm 2016 cả nước sẽ đón hơn 2 triệu khách Trung Quốc trong khi đâu cũng thiếu HDV (Quảng Nam chỉ có 5 HDV tiếng Trung) và chất lượng cũng chỉ đảm bảo 50 - 60%. Hiện tại, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã đề xuất thành phố thành lập tổ phản ứng nhanh để giải quyết những vấn đề nóng vì thanh tra sở du lịch quá mỏng. “Chúng tôi đã mời các công ty lữ hành khai thác thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc lên ký cam kết không tiếp tay cho những hành vi sai trái. Đề nghị các khu điểm du lịch, các nhà hàng lớn gắn camera để dễ kiểm soát. Phổ biến bộ quy tắc ứng xử du lịch, du khách đến Đà Nẵng được làm gì và không nên làm gì, hành xử văn minh, chấp hành luật pháp Việt Nam” - ông Vinh nói.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, tuy tình hình hoạt động du lịch của khách Trung Quốc trên địa bàn tỉnh không nóng như các nơi khác nhưng cũng phải có những giải pháp ứng phó. Trước mắt, Tổng cục Du lịch, cơ quan cấp phép cho các công ty lữ hành quốc tế phải rà soát lại các đơn vị nào hoạt động “chui” hay không sử dụng HDV Việt Nam để có biện pháp xử lý vì cái gốc chính là các công ty lữ hành. “Khách nước ngoài hiện nay đến Việt Nam chỉ 7 - 8 triệu lượt mà ta đã lúng túng rồi nên phải tính phương án lâu dài. Tôi nghĩ cần điều chỉnh lại các quy định về HDV, xây dựng lại quy chế quản lý HDV theo địa bàn, có sát hạch chứ không thể thả như hiện nay. Họ đến đăng ký làm thẻ sau đó họ làm việc ở đâu mình cũng không biết, không có một hướng xử lý nào cả, nên đã dẫn đến tình trạng khách Trung Quốc thuê HDV người Việt ngồi đó chỉ để đối phó còn lại họ tự thuyết minh hết” - ông Hài nói.

Có thể nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến những lộn xộn thời gian qua là khách du lịch một số thị trường quá đông so với dự kiến ban đầu, trong khi  sức đón tiếp và sự chuẩn bị của địa phương chưa được chu đáo. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, quan điểm của bộ là phát triển du lịch bền vững có chất lượng cao và điểm đến phải hấp dẫn, an toàn, thân thiện và hoạt động đúng pháp luật. Đặc biệt, trước tình hình liên quan đến khách Trung Quốc phải hết sức bình tĩnh, có giải pháp hành xử sao cho hợp lý, không nên tẩy chay du lịch đông người, không phân biệt thị trường này, thị trường kia... “Qua những sự việc này chúng ta nhận thấy công tác dự báo thị trường khách rất quan trọng. Do vậy, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phải nghiên cứu thị trường khách một cách căn cơ và thực tế hơn để thông tin cho các địa phương, phải dự báo được tình hình du lịch trong ngắn hạn, dài hạn. Xung quanh việc xuất nhập cảnh, quan điểm của Chính phủ là từ nay đến cuối năm hoặc đầu năm tới giao cho Bộ Công an phải hoàn thành đề án quản lý xuất nhập cảnh điện tử để quản lý chặt hơn; Chính phủ cũng đang đánh giá lại việc miễn thị thực nhập cảnh cho một số nước để có giải pháp điểu chỉnh…” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết. (VĨNH LỘC)

Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Lo thiếu HDV tiếng Trung

Luật quy định tiêu chuẩn HDV phải là đại học, trong khi có đại học ngành khác chứ đâu có đại học du lịch chuyên ngành. Hiện nay HDV tiếng Trung thiếu rất nhiều. Tôi đề nghị Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch quan tâm, sớm có giải pháp và cho ý kiến chỉ đạo các cấp, địa phương tháo gỡ chứ không thể chờ luật được. Vì luật ra đời lúc thị trường khách ít, nay tình hình khác, nếu không sửa đổi chẳng biết bao giờ chúng ta xử lý được vấn đề. Tôi đã gặp một số người Hàn Quốc và Trung Quốc, kể các công ty lữ hành của Trung Quốc, họ nói là HDV hiện nay chỉ đáp ứng được 50%. Tuy vậy, chất lượng cũng thấp, nếu như có 100 HDV tiếng Trung thì chúng tôi cũng chỉ sử dụng được khoảng 50%. Bởi vì, thứ nhất là ngoại ngữ chưa thông thạo, thứ hai là tập quán từng nước, tâm lý từng loại khách mà chỉ có người nước đó mới hiểu được nhanh nhất…, nhưng chúng ta vẫn chưa đào tạo được đội ngũ HDV chuyên sâu về các thị trường này.

Để giải quyết tình trạng này, theo tôi có thể tăng cường bồi dưỡng, bổ túc các sinh viên năm thứ ba, thứ tư tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc trong giai đoạn cao điểm này. Thứ hai, yêu cầu các công ty lữ hành và các công ty lớn phía Trung Quốc, Hàn Quốc đưa khách sang cũng phải đóng một khoản tiền phí để góp phần vào quỹ để đào tạo thêm HDV. Tôi biết hiện nay một số HDV phía Bắc đến Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang làm việc được các công ty lữ hành trả lương rất thấp nên họ không vô. Trong khi ở đây lại thiếu HDV nên phải làm việc với đối tác để cùng chia sẻ. Một giải pháp khác là các đoàn khách phải có một HDV Việt Nam dẫn đoàn đi nhưng cho HDV người Hàn Quốc và Trung Quốc đi theo để cái gì không rõ thì họ trợ giúp, đây cũng là một giải pháp quá độ và họ cũng đã kiến nghị với chúng ta là nên có một giải pháp như vậy để dần tiến tới đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: Du lịch Việt Nam thiếu người nhạc trưởng

Theo tôi, không chỉ riêng khách Trung Quốc mà mọi khách đến Việt Nam, chúng ta phải có cách quản lý chặt chẽ. Bây giờ mới khách Trung Quốc, nếu mai đây khách các nước khác cũng có thái độ hành xử như vừa qua thì chúng ta quản lý kiểu gì? Tôi cảm giác hiện nay chúng ta đang đối phó bị động mà không có bài bản, không căn cơ và thiếu tính bền vững. Do đó, phải nhìn nhận lại sự yếu kém của mình. Vừa rồi, dư luận phản ứng với các hành động của khách Trung Quốc nhưng đừng biến nó thành trào lưu bài xích một cách quá cực đoan. Đôi lúc khách Trung Quốc được dạy như vậy nên chính đơn vị tổ chức du lịch, những HDV phải có trách nhiệm làm cho người ta hiểu rõ lịch sử đất nước.

Tôi cũng có đi nước ngoài, qua một số nước, việc đầu tiên của HDV là thông báo những quy định của đất nước đó, được làm cái gì và không được làm cái gì. Người ta cũng thuyết minh sơ bộ về địa phương đang đến, về lịch sử đất nước đó để cho mình hiểu. Tại sao chúng ta không làm điều này? Thậm chí, có HDV và đơn vị tổ chức đồng tình tiếp tay cho những hành động và phát triển cái sai trái đó. Điều đó chứng tỏ công tác tổ chức cho du lịch còn quá yếu, mạnh ai nấy làm nên khi xảy ra chúng ta đối phó một cách lúng túng, mỗi địa phương có một biện pháp khác nhau, có cách thức khác nhau để giải quyết vấn đề này, như vậy là bất ổn. Thật ra, việc này không phải mới bắt đầu nhưng do không phổ biến, chính xác là chúng ta không để ý nên bây giờ phải xem lại hành lang pháp lý vì ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi cách ứng xử với nó cũng với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp, chưa kể đây còn là vấn đề đối ngoại.

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL: Rà soát lại hoạt động của các công ty lữ hành

Bộ VH-TT&DL phải thống nhất với Bộ Nội vụ ưu tiên cho các địa phương du lịch trọng điểm bố trí đội ngũ thanh tra, kiểm tra đủ sức để đảm bảo nhiệm vụ này. Đồng thời Bộ VH-TT&DL cũng có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị giúp giao cho một số cơ quan của công an có chức năng như là cảnh sát du lịch để tham gia quản lý trên các thị trường trọng điểm, những nơi trọng điểm, tiến tới nghiên cứu thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Đặc biệt, chúng ta phải thống nhất quan điểm là không phải vì khách nhiều mà ta làm cho bớt đi mà phải hiểu là mình làm cho nó tốt hơn nên phải rất bình tĩnh xử lý trong tình hình hiện nay.

Theo tôi, thứ nhất chúng ta rà soát lại toàn bộ các công ty lữ hành quốc tế, nếu đơn vị nào không đủ các điều kiện và vi phạm thì phải kiên quyết xử lý. Nhưng có thực tế là một công ty lữ hành có đến 2 - 3 công ty con vì thành lập doanh nghiệp quá dễ nên tước giấy phép công ty này thì họ chuyển qua hoạt động công ty khác. Do đó, cái gốc vẫn là các công ty lữ hành. Thứ hai, tiếp tục thanh tra, kiểm tra các cá nhân người nước ngoài nghi vấn đang hoạt động lữ hành, HDV tại lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, khách sạn, HDV tiếp tay cho các hành động như vừa rồi. Bây giờ ta mới đón hơn 2 triệu lượt khách Trung Quốc mà đã như vậy, giả sử sang năm khách lên 4 triệu thì chúng ta xử lý thế nào nên  phải có giải pháp tổng thể lâu dài. V.LỘC (ghi)

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ KHÁCH TRUNG QUỐC

Dù thị trường khách du lịch Trung Quốc tại Hội An không phức tạp như Đà Nẵng hay những nơi khác nhưng trước xu hướng gia tăng khách Trung Quốc, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường nhằm đảm bảo môi trường du lịch Hội An an toàn và văn minh.

Không mặn mà

Đã có nhiều câu chuyện liên quan đến khách Trung Quốc được các chủ nhà hàng, khách sạn tại Hội An truyền miệng như đi lại ồn ào, dùng khăn tắm khách sạn lau giày dính bùn đất hay mang cả giày tất đi mưa về nằm ngủ trên giường… Các nhà hàng Cù Lao Chàm hiện vẫn còn truyền câu chuyện cười ra nước mắt liên quan đến sự ăn uống của khách Trung Quốc. Số là có một đoàn khách Trung Quốc gồm 20 người đặt ăn trưa tại một nhà hàng, đến bữa nhà hàng dọn ra 20 suất ăn chờ sẵn trong lúc 20 du khách này tắm biển. Tuy nhiên, một nhóm 6 khách trong đoàn tắm xong lên đã ngồi vào ăn trước, khi 14 khách còn lại lên bờ thì đã không còn gì, 6 vị khách trên đã vô tư “chén” sạch hết 20 suất của đoàn, báo hại nhà hàng phải đôn đáo nấu thêm 14 suất dọn lên. Sự ăn uống của khách Trung Quốc “ám ảnh” đến nỗi sau này nếu có đoàn khách Trung Quốc đặt cơm, nhà hàng này chỉ dọn lên trước cơm trắng nước mắm, chờ đến khi đếm đủ số lượng khách ngồi vào bàn mới dám mang thức ăn ra. Hay một câu chuyện khác về ăn buffet sáng ở một khách sạn, quy định giờ ăn của khách sạn là từ 6 đến 9 giờ 30 phút nhưng đoàn khách Trung Quốc đúng 9 giờ 15 phút mới xuống nhà hàng và ăn mãi đến 11 giờ, xem như đỡ bữa trưa...

Khách Trung Quốc đến Hội An đang có chiều hướng gia tăng.Ảnh: K.L
Khách Trung Quốc đến Hội An đang có chiều hướng gia tăng.Ảnh: K.L

Chính vì vậy, nhiều cơ sở lưu trú tại Hội An thường tỏ ra khá e ngại khi đón khách Trung Quốc vì cách “ứng xử” này. Thậm chí, không ít khách sạn đã từ chối khéo đoàn khách Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến những khách khác, nhất là khách châu Âu. Riêng tại Cù Lao Chàm, dù chưa xuất hiện tình trạng khách Trung Quốc quậy phá nhưng để “phòng ngừa” nên hầu hết khách Trung Quốc đều được đưa đến Bãi Hương tham quan và ăn uống tại Bãi Chồng, sau đó đi về trong ngày. Theo ông Trần Tấn Dũng - Bí thư xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), việc quản lý hoạt động tham quan của khách Trung Quốc trên đảo luôn được kiểm soát chặt chẽ; các đơn vị lữ hành đưa khách ra Cù Lao Chàm thường xuyên được thông báo những quy định bắt buộc, nếu vi phạm sẽ mời cả đoàn vào lại đất liền. Do vậy, dù thời gian qua khách Trung Quốc ra rất đông nhưng chưa bao giờ có sự việc nào quá đáng xảy ra. “Khách Trung Quốc chỉ khu biệt trong những vùng cho phép, những nơi cấm thì không được đi tới, khi khách đi ra khỏi phạm vi quy định thì hướng dẫn viên (HDV), người dẫn đoàn phải chịu trách nhiệm” - ông Dũng nói.

Quản lý chặt

Tuy số lượng khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ không cao trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Hội An nhưng cũng đã đặt ra cho thành phố nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 6.2016, số khách Trung Quốc đến tham quan lưu trú tại Hội An  đạt gần 100 nghìn lượt, chiếm hơn 11% trong tổng số khách quốc tế (gần 50 nghìn lượt khách lưu trú, chiếm 9,58%). Ba điểm khách Trung Quốc ưa thích nhất là phố cổ, Cù Lao Chàm và rừng dừa nước Cẩm Thanh. Để quản lý hoạt động tham quan của khách cũng như tình trạng HDV Trung Quốc hành nghề “chui”, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm tra thì một số biện pháp mang tính ngắn hạn và lâu dài cũng đã được triển khai như làm việc với đơn vị lữ hành nhắc nhở khách không ồn ào, huyên náo như đua thúng, thổi kèn… tại Cẩm Thanh, ai vi phạm thì xử lý tất cả đoàn. Riêng với Cù Lao Chàm, khách Trung Quốc ra đảo phải có HDV Việt Nam, nếu không có dứt khoát không cho ra đảo. Đặc biệt, với khu vực phố cổ, ngoài tăng cường các thuyết minh viên tiếng Trung đứng điểm, Sở VH-TT&DL cũng đã thống nhất tăng cường 2 thanh tra túc trực thường xuyên tại Hội An để phối hợp cùng đội quy tắc xử lý các hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, việc tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch là công việc thường xuyên lâu nay chứ không riêng gì với khách Trung Quốc nhằm quản lý việc khách mua vé tham quan phố cổ cũng như kịp thời chấn chỉnh những vi phạm của khách. Tuy nhiên, đối với thị trường khách Trung Quốc gia tăng như thời gian qua cùng những dư luận không tốt về đối tượng khách này thì công tác thanh tra, kiểm soát càng được tăng cường. “Tôi đã làm việc với Giám đốc Sở VH-TT&DL thống nhất sắp đến Hội An chỉ nên tập trung khai thác khách châu Âu, hạn chế khách Trung Quốc bằng cách nâng giá vé tham quan, vận động các khách sạn nâng giá dịch vụ lưu trú… chứ mình dùng các biện pháp hành chính là không được vì còn liên quan đến vấn đề đối ngoại nữa” - ông Sơn nói. Ông Sơn cho rằng, việc nâng giá là hợp lý vì khách Trung Quốc không chi tiêu nhiều cho các hoạt động dịch vụ như khách châu Âu. Ngoài ra, nếu đoàn khách Trung Quốc nào không có HDV Việt Nam thì dứt khoát sẽ không cho vào các điểm di tích.

Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cần phải thực hiện nghiêm quy định khách đến tham quan di tích phải có HDV người địa phương thuyết minh để không sai sự thật. Đặc biệt, phải thông báo cho các đoàn khách Trung Quốc đến Hội An biết là nên và không nên làm gì, nếu vi phạm sẵn sàng mời khách ra khỏi, nếu họ có phát ngôn không đúng mực mình từ chối cả đoàn khách. Thậm chí thông báo với đơn vị lữ hành sẽ từ chối các đoàn khách đơn vị đưa vào sau này. “Hội An phát triển du lịch cần du khách đến nhiều nhưng phải trong tầm kiểm soát. Chúng ta không đánh đổi các giá trị văn hóa, không đánh đổi giá trị lịch sử, quê hương để lấy tiền” - ông Sự nói. (KHÁNH LINH)