Gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng

TÙY PHONG 01/06/2016 08:43

Đây là vấn đề được đem ra luận bàn tại phiên họp đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội Quảng Nam vừa tổ chức 30.5. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, chỉ còn cách tạo điều kiện tối đa giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải ngân hết vốn đầu tư thì mới có thể nhìn thấy được sự tăng trưởng cụ thể của Quảng Nam.

Thị trường lao động Quảng Nam ngày càng được mở rộng.  Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ).Ảnh: TÙY PHONG
Thị trường lao động Quảng Nam ngày càng được mở rộng. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ).Ảnh: TÙY PHONG

Tăng trưởng đáng kể

Đã có dấu hiệu đảo chiều, trồi sụt của nhiều chỉ số sản xuất, tiêu thụ các ngành công nghiệp, thương mại, tín dụng, đầu tư trong vòng 5 tháng qua. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo và cung cấp nước có mức tăng trưởng khá cao (52,81% và 25,32%). Tăng nhiều nhất chủ yếu ở nhóm sản xuất có động cơ (hơn 68%), sản xuất đồ uống tăng gần 39%, sản xuất giày da tăng gần 14%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng gần 34%. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 11% và tăng mạnh so với tháng trước đến 84%. Hầu hết ngành hàng hóa bán lẻ đều gia tăng. Một sự khác biệt khá lớn là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,71% so với tháng trước. Nguyên nhân được tính đến là giá xăng tăng, dầu tiếp tục điều chỉnh tăng, giá bán gas tăng, giá nhà ở thuê tăng và giá cả một số mặt hàng thực phẩm tăng mạnh do tâm lý người tiêu dùng thay thế các sản phẩm cá biển bằng nguồn thực phẩm khác. Dấu hiệu tốt là thu ngân sách nhà nước 5 tháng qua hơn 6.972 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ năm trước và bằng 50% dự toán năm. Thu nội địa vượt trội với 4.696 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, bằng 53% dự toán năm. Mạnh nhất vẫn thu từ khu vực công thương ngoài quốc doanh với 3.423 tỷ đồng, tăng 44%, bằng 55% dự toán, thu xuất nhập khẩu 2.149 tỷ đồng, bằng 41% dự toán năm và tăng 21%.

Theo phân tích của Cục trưởng Cục Thống kê - ông Đinh Văn Đào, các chỉ số này so với cả nước (kể cả nông nghiệp dù giảm hơn 19.000 tấn lương thực cây có hạt) cũng đều vượt trội. Nếu chỉ số công nghiệp cả nước tháng 5 chỉ tăng 7,5% thì Quảng Nam đã tăng đến 37%. Đồ uống 2 năm liền giảm lại tăng dù chưa có khối lượng lớn. Xuất khẩu 4 tháng liên tục âm đã bắt đầu có chiều hướng gia tăng. May mặc, giày da, gỗ xuất khẩu vượt qua khó khăn dù chỉ tăng 2% nhưng được cho là đã có sự cải thiện khi phải chịu cảnh âm liên tục nhiều tháng qua. Một điều dễ nhận thấy, với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ và số doanh nghiệp giải thể ngày càng ít đi và nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu tiếp cận cơ hội gia nhập thị trường (tăng 443 doanh nghiệp), có thể nhận định nền kinh tế Quảng Nam đã bắt đầu khởi sắc.

Thay đổi quan niệm công vụ

Theo ông Đào, chưa bàn đến chất lượng thì sự gia tăng về số lượng tăng trưởng hiện tại của Quảng Nam là dấu hiệu khá tốt. Ngay như hai ngành chế biến gỗ, sản phẩm giấy liên tục bị âm nhiều năm qua cũng đã trở lại tăng trưởng. Nếu tiếp tục phát triển và không có đột biến gì nhiều về tín hiệu thị trường thì không có gì đáng lo ngại cho tăng trưởng cả năm 2016. Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn đang phải đối mặt với khó khăn lớn khi sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị nhiễm mặn, hạn hán và các ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, điện, điện tử, bàn ghế... vốn là thế mạnh của Quảng Nam nhiều năm qua đã bị giảm sút từ 10% trở lên. Điều này chứng tỏ thị trường không ổn định và xuất khẩu đạt mục tiêu rất thấp. Thực sự, điều đáng lo ngại, không phải từ năng lực nội sinh nền kinh tế Quảng Nam không diễn ra theo chiều thuận mà chính là những trở ngại, rắc rối từ sự vụ cải cách hành chính chưa thật sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương. Những điều này đã trở thành lực cản khi đến ngày 24.5.2016, toàn Quảng Nam mới chỉ giải ngân hơn 1.213 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2016. Ông Đào cho rằng hầu hết báo cáo, thông tin về đầu tư rất yếu. Sở KH&ĐT, Sở Tài chính dù phân bổ, cấp vốn, nhưng các ngành, địa phương không thực hiện, nên không thể kiểm soát hay biết được tốc độ giải ngân. Vì vậy, cần một đánh giá sâu về chế độ báo cáo, hiệu quả đầu tư, không thể để tình hình rối rắm, tù mù như hiện tại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng khả năng 6 tháng tới sẽ gặp không ít khó khăn. Cơ quan quản lý cần một đánh giá cụ thể về hiệu lực của thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe ô tô có biến động gì không để có cách phòng ngừa rủi ro cho ngân sách. Quan trọng nhất hiện tại vẫn là việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các dự án đầu tư trọng điểm. Một số dự án đang gặp khó khăn. Nhìn tổng thể thì tốt nhưng đi vào các dự án cụ thể thì bị vướng cơ chế chính sách. Tại sao tới bây giờ vẫn chưa kiểm kê hoàn tất, không có giá đền bù thì làm sao có mặt bằng sạch? Đây là hạn chế lớn cần khắc phục. Sự cố này xuất phát từ chính việc cải cách hành chính, thái độ và trách nhiệm công vụ của cơ quan nhà nước không đến nơi đến chốn. Doanh nghiệp không thể cứ chờ các cơ quan công quyền đổ trách nhiệm qua lại. Cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp và triển khai các dự án đầu tư. “Lẽ ra tỷ lệ giải ngân vốn đến hiện tại phải là 70%, nhưng chỉ có 28% là quá thấp. Tại sao có tiền không tiêu được? Vướng gì mà chủ đầu tư không chịu trách nhiệm là sao? Dự án giao, đã nhận mà tiền thì cứ để trong tài khoản. Không lẽ các chủ đầu tư cứ mãi một điệp khúc là dự án không triển khai được là do vướng đền bù giải phóng mặt bằng mà không có cách gì thay đổi. Chính quyền sẽ rà soát, có chế tài từng chủ đầu tư. Kiên quyết không thể để tình trạng lở dở này tồn tại nhiều năm mà không một ai chịu trách nhiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

TÙY PHONG

TÙY PHONG