Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước

TRỊNH DŨNG 29/04/2016 20:37

(QNO) - Sáng 29.4, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” với sự tham dự của các thành viên Chính phủ và sự có mặt của 1.000 doanh nghiệp, đại diện cho khoảng ½ triệu doanh nghiệp trên cả nước. 

Hội nghị đã mở rộng trực tuyến đến 63 tỉnh, thành cả nước. Tại đầu cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì với sự tham dự của các thành viên UBND tỉnh, các sở ban, ngành liên quan và doanh nghiệp đầu tư tại Quảng Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp.

Gỡ bỏ rào cản, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân

Gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, thống nhất ý chí phát triển đất nước là điểm chủ đạo toát lên từ hội nghị này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn còn tồn tại không ít rào cản cho lực lượng kinh tế này phát triển.

Chính phủ luôn bảo vệ tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo niềm tự hào cho thương hiệu Việt Nam. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Kết quả hội nghị là phải tạo niềm tin mới cho doanh nghiệp, xã hội, góp sức phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để DN phải chờ đợi.

Có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề. Chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn. Cổ phần hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, thiếu khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI. Tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp và việc triển khai thực tế các cải cách chưa đạt mục tiêu đề ra...

Đa số ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội…, đều cho rằng vẫn còn nhiều rào cản, trở ngại với doanh nghiệp dù môi trường đầu tư, kinh doanh đã ít nhiều khởi sắc. Họ cho rằng việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không đúng thời hạn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và chi phí vốn, lãi suất vẫn ở mức cao, còn tồn tại nhiều khoản thuế, phí và nhiều giấy phép con…

Doanh nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ giảm lãi suất, miễn, giảm, hoãn một số khoản thuế, phí, tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, doanh nghiệp phải được xem như đối tượng được phục vụ, không phải là đối tượng quản lý.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trực tiếp giải đáp, làm rõ những vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Các bộ trưởng cam kết sẽ tập trung, gia tăng năng lực hơn nữa để tham mưu Chính phủ kiến tạo những bước đột phá cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa ra các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch, méo mó thị trường. Nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho cơ quan chuyên môn của địa phương, của các bộ quản lý công trình chuyên ngành trong việc thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép quy hoạch xây dựng…Tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”. Tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để bảo đảm công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới và hệ thống ngân hàng cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất

Sẽ có nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh xã hội Việt Nam đã có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Đảng, Nhà nước đã tập trung làm thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nhìn chung là tốt, tạo điều kiện hơn trước rất nhiều, với nhiều quy định tiến bộ để phục vụ doanh nghiệp phát triển. Chính vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần phát triển đất nước như ngày nay. 

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, với tư cách một Đảng lãnh đạo, một Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, chúng ta cần nhìn nhận thực chất bức tranh hiện tại là chúng ta đã nỗ lực nhiều, hành động nhiều, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại của chúng ta vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. 

Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số DN an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”. Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình.

Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá được để tuân thủ. Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần “Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm doanh nghiệp này phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước “coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế”.

Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý, bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua... Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thủ tướng nói rõ là sẽ giảm 1% lãi suất trung, dài hạn, trong một số lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, còn yêu cầu cầu Bộ KH&CN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, xem xét có gói hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Mỗi địa phương phải công khai đường dây nóng, website, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tăng cường chống tham nhũng, quan liêu. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Thủ tướng ký ban hành (ngày 28.4.2016).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nghiệp nêu cao tinh thần dân tộc, không gian lận, trốn lậu thuế, kinh doanh trái phép, làm ăn bất chính, vô cảm với đồng bào. Doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược, văn hóa doanh nhân, liêm chính trong phát triển, chủ động, sáng tạo “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Vai trò báo chí, truyền thông là phải đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt Nam, phải đóng vai trò tôn vinh doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp lớn mạnh thì đất nước hùng cường. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói việc Hà Nội, TP HCM và VCCI ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là hình mẫu cho tất cả địa phương trong cả nước đều phải ký cam kết như hai thành phố trên. 

Đây là những nội dung thiết thực và Chính phủ sẽ kiểm tra. Chiều ngày 29.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời tại hội nghị. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG