Con dấu xác thực cho làng nghề truyền thống

GIA KHANG - CHÂU VIÊN 25/03/2016 06:28

Du lịch phát triển kéo theo nhu cầu tìm mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất ngay tại địa phương làm quà lưu niệm. Nhiều làng nghề trên địa bàn cũng đã bắt kịp và khá thành công với mô hình phát triển làng nghề gắn với du lịch. Và sự ra đời của con dấu xác thực thúc đẩy các làng nghề hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, sản phẩm vừa có tính đặc thù, vừa khẳng định thương hiệu không thể lẫn với những sản phẩm nhái mẫu trôi nổi trên thị trường. Hiện, Sở VH-TT&DL tích cực hợp tác với các đơn vị truyền thông trong nước, quốc tế và thông qua các công ty, hãng lữ hành du lịch quảng bá về con dấu xác thực làng nghề truyền thống của Quảng Nam.

Sản phẩm đã có thương hiệu như làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng có cần tham gia đăng ký con dấu xác thực?
Sản phẩm đã có thương hiệu như làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng có cần tham gia đăng ký con dấu xác thực?

Theo lý giải của những người quản lý thì con dấu xác thực sẽ xây dựng cho sản phẩm thủ công truyền thống của Quảng Nam một thương hiệu; điều này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của hộ sản xuất, làng nghề, cũng như các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công trên địa bàn; đồng thời giúp du khách chọn lựa đúng các sản phẩm thủ công mang đặc trưng văn hóa điểm đến. Thông qua con dấu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam còn được giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước, tạo cơ hội phát triển cho sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương… Con dấu xác thực vẫn trong giai đoạn đầu áp dụng, vừa hoạt động, vừa điều chỉnh. Và cho đến khi con dấu xác thực chính thức được công bố, thì vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc khách sạn Phú Thịnh, Hội An:
Việc ban hành con dấu xác thực là rất tốt nhưng vấn đề là khi áp dụng khả thi đến đâu vì đa số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Quảng Nam nhỏ lẻ, giá cả nhân công lại cao nên để tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận họ thường nhập hàng từ bên ngoài về bán. Ngoài ra, tâm lý khách đôi khi chỉ thấy đẹp là mua chứ cũng không quan tâm đến xuất xứ sản phẩm. Nói chung đây là câu chuyện dài nên phải có sự chung tay hợp tác từ nhiều phía bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, nhất là sự tự giác của các cơ sở sản xuất vì điều này còn thể hiện trách nhiệm, uy tín cũng như thương hiệu của mặt hàng thủ công mỹ nghệ Quảng Nam.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty Du lịch Hội An:
Tôi thấy việc có con dấu xác thực cũng hay vì nó giúp giữ được thương quyền của mình. Nếu sản phẩm đó tốt, uy tín thì du khách sẽ tìm đến, giúp nâng tầm sản phẩm đó lên. Nhưng nếu chất lượng sản phẩm không đảm bảo, giá cao thì sẽ phản tác dụng. Vậy nên, yếu tố mấu chốt phải là nâng cao chất lượng sản phẩm lên để xác lập uy tín dựa trên thương hiệu đó.

Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng):
Dán con dấu xác thực lên sản phẩm thủ công địa phương tất nhiên là tốt rồi, nhưng tôi không rõ việc đó có làm phát sinh chi phí tính vào sản phẩm không. Tôi cũng hoài nghi là liệu có chuyện một số cơ sở sản xuất bỏ tiền ra chạy con dấu hoặc in dấu giả để dán lên sản phẩm kém chất lượng vì làm điều này không khó. Thậm chí, người ta có thể mua hàng bên ngoài về rồi dán tem lên như một sản phẩm nội địa… và ai sẽ là người kiểm soát việc này? Chưa kể, nếu có người muốn thực tâm tham gia để được đóng dán tem xác thực thì bị gây nhũng nhiễu khó khăn trong quá trình kiểm định… Nói thật, việc dán tem này không có giá trị gì với khách nước ngoài, kể cả khách Việt Nam. Vì tâm lý khách chỉ cần thấy thích là mua bất kể nó là sản phẩm gì. Nói chung, khách chỉ quan tâm nơi họ vô mua hàng có uy tín chất lượng và thương hiệu không? Chứ anh dán cái tem đó đâu hẳn là sản phẩm của anh tốt mà khách cũng không biết cái đó là gì đâu. Tùy quan điểm mỗi người nhưng theo tôi thấy không cần thiết.

Nghệ nhân Huỳnh Sướng - Làng mộc Kim Bồng:
 Ra đời con dấu xác thực cũng tốt thôi nhưng nó cũng có 2 mặt. Nếu nó tốt thì thương hiệu phát triển còn không tốt thì nó làm giảm đi thương hiệu sản phẩm địa phương. Vì vậy, vai trò ban kiểm tra thẩm định chất lượng hàng hóa để cấp con dấu xác thực rất quan trọng. Thứ hai, đối với những làng nghề hay những cơ sở đã có thương hiệu rồi thì liệu việc dán con dấu xác thực đó có thừa, có đồng nhất hay không. Ví dụ, mộc Kim Bồng đã có thương hiệu, cơ sở mộc của tôi cũng đã có thương hiệu, nghĩa là sản phẩm tôi vừa có thương hiệu riêng vừa có thương hiệu chung của làng nghề, bây giờ lại gắn thêm một cái logo thương hiệu của Quảng Nam vào nữa thành ra trên một sản phẩm lưu niệm có quá nhiều thương hiệu liệu có hợp lý không. Quan điểm của tôi, nếu như cơ sở tôi có thương hiệu tốt rồi thì có quyền không tham gia vì tôi muốn bảo vệ thương hiệu riêng của mình. Còn những cơ sở, làng nghề chưa có thương hiệu thì nên sử dụng thương hiệu này. Và, nếu mộc Kim Bồng tham gia thì cũng phải thiết kế lại tên sản phẩm như thế nào cho phù hợp để gắn cái con dấu này, chứ không lẽ trên một sản phẩm gắn 3, 4 nhãn mác sẽ trông rất khó coi.

Khách du lịch tìm mua sản phẩm tại Hội An. Ảnh: V.L
Khách du lịch tìm mua sản phẩm tại Hội An. Ảnh: V.L

Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL:
Việc ra đời con dấu xác thực đã mang đến nhiều kỳ vọng. Trước nhất là với các nghệ nhân, họ sẽ có nơi, có cơ hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời tạo cho du khách biết rằng lần đầu tiên trong cả nước Quảng Nam có con dấu xác thực và được công nhận bởi chính quyền cao nhất của tỉnh, và khi công nhận như vậy độ tin cậy của khách du lịch đối với các sản phẩm nâng lên. Nhất là khi du khách hiểu được để dán con dấu xác thực, sản phẩm đó phải đáp ứng một số quy định bắt buộc như có ít nhất 50% chi phí lao động bằng thủ công và 50% lao động là công nhân Quảng Nam hoặc có ít nhất 50% chi phí mua nguyên liệu sản xuất được thanh toán cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất tại Quảng Nam… thì điều này hết sức ý nghĩa đối với khách quốc tế. Từ đó kích thích sản phẩm phát triển, mang lại lợi ích cho nghệ nhân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Một mong đợi nữa là sau khi dán con dấu xác thực, đầu ra của sản phẩm sẽ được khai thông và có thị trường tiêu thụ, giúp tăng thu nhập cho người lao động, nâng được giá trị làng nghề, bảo vệ làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương:
Hiện nay, rất nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống thủ công mỹ nghệ chưa biết về con dấu xác thưc này. Vì vậy công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Vì con dấu xác thực có ý nghĩa lớn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, do khách du lịch mong muốn được mua sản phẩm của chính nghệ nhân xứ Quảng chứ không phải bất kỳ nơi nào khác mang đến, cũng từ đây làng nghề có điều kiện phát triển sản phẩm, thương hiệu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam:
Khi dán nhãn con dấu xác thực thì các doanh nghiệp sẽ có lợi, như tăng thêm sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nghệ nhân làng nghề sẽ sáng tạo sản phẩm mới hơn, đa dạng sản phẩm du lịch tăng doanh thu cho đơn vị kinh doanh du lịch và cả người thợ, và gián tiếp bảo vệ nghề truyền thống địa phương. Hiệp hội Du lịch sẽ tăng cường quảng bá, tuyên truyền, vận động các đơn vị du lịch đưa tất cả thông tin liên quan đến con dấu lên các website, chương trình tour để làm thế nào con dấu xác thực đến với khách hàng nhiều hơn.

GIA KHANG - CHÂU VIÊN

GIA KHANG - CHÂU VIÊN