Tìm lối ra cho nghề thủ công mỹ nghệ

THÂN VĨNH LỘC 15/11/2015 09:51

Sản xuất thủ công mỹ nghệ được đánh giá là hoạt động có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhất là các mặt hàng trang trí nội thất và quà tặng. Tuy nhiên, sản xuất thủ công mỹ nghệ Quảng Nam luôn đối mặt với nhiều trở ngại khiến ngành nghề này khó có những đột phá như mong muốn.

Xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thủ công tập trung nhằm làm nơi quảng bá cho sản phẩm thủ công làng nghề.
Xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thủ công tập trung nhằm làm nơi quảng bá cho sản phẩm thủ công làng nghề.

Nhiều khó khăn

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 90 làng nghề thủ công truyền thống với hàng trăm cơ sở sản xuất. Nhiều nhất có thể kể đến sản xuất đèn lồng Hội An (trên 50 cơ sở), trầm hương Nông Sơn (50 cơ sở); gốm Thanh Hà (20 cơ sở); Đúc đồng Phước Kiều (18 cơ sở)… Tuy vậy, hầu hết cơ sở này đều có quy mô khiêm tốn chủ yếu là hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ. Điển hình như tại làng đúc đồng Phước Kiều, gần 100% cơ sở hoạt động dưới dạng hộ gia đình nên quy mô vốn và lao động tương đối nhỏ. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sản xuất và cạnh tranh với thị trường. Một cuộc khảo sát mới đây đã được chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế  xã hội Đà Nẵng tổ chức tại một số làng nghề tiêu biểu bắc Quảng Nam. Đó là các làng chiếu (Duy Xuyên), đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), đèn lồng, gốm (Hội An), trầm hương (Nông Sơn)… với trên 120 cơ sở cho thấy, khoảng 68% cơ sở có quy mô lao động dưới 10 người; số cơ sở có tổng nguồn vốn sản xuất 1 – 1,5 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 8,3% chủ yếu tập trung ở nghề đúc đồng, phần lớn còn lại có số vốn dưới 500 triệu đồng. Tuy vậy, khả năng tiếp cận vốn từ các ngân hàng thường khó khăn do yêu cầu thế chấp và những thủ tục rối rắm nên hầu như rất ít cơ sở mạnh dạn đi vay vốn.

Phát triển nghề thủ công gắn với hoạt động du lịch.
Phát triển nghề thủ công gắn với hoạt động du lịch.

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng gặp nhiều khó khăn khi các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ phải thu mua nguyên vật liệu từ nơi khác. Đơn cử gốm Thanh Hà, nếu trước đây nguồn nguyên liệu được khai thác trực tiếp tại địa phương thì nay các cơ sở sản xuất phải mua đất sét ở các địa phương lân cận. Thậm chí, nguyên liệu đúc đồng Phước Kiều cũng phải thu gom khắp nơi mới đủ sản xuất. Riêng nguyên liệu trầm hương Nông Sơn phải nhập từ Huế, Quảng Bình, Đắc Lắc, một số cơ sở còn nhập khẩu nguyên liệu từ Malaysia, Lào, Indonesia… Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất của phần lớn làng nghề thủ công mỹ nghệ khá lạc hậu, mang tính thủ công là chính; mẫu mã sản phẩm chủ yếu dựa trên các mẫu mã truyền thống và theo đơn đặt hàng, rất ít cơ sở có thiết kế riêng. Bà Trần Như Quỳnh – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, người trực tiếp thực hiện khảo sát cho rằng, phần lớn cơ sở thủ công rất ngại thay đổi. “Khi được hỏi về nhu cầu thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường thì gần như 84% cơ sở cho biết họ chỉ muốn bổ sung và thay đổi chút ít so với các sản phẩm truyền thống và 16% cơ sở (phần lớn là gốm) có nhu cầu thiết kế mẫu mã mới hoàn toàn, còn lại gần như không có trường hợp nào thuê thiết kế hoặc mua lại thiết kế người khác. Nguyên nhân chính khiến cho các cơ sở ngại thay đổi mẫu mã là vì họ không nắm bắt được nhu cầu thị trường, không có lao động tay nghề cao. Với những cơ sở nào mạnh dạn đầu tư đưa ra những thiết kế mới thì bị ăn cắp mẫu thiết kế từ các cơ sở lân cận” - bà Quỳnh nói.

Mở hướng cho làng nghề

Có thể khẳng định, phát triển sản xuất thủ công mỹ nghệ đã góp phần tích cực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở các khu vực nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Dù nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương đã khẳng định được thương hiệu và uy tín đối với khách hàng trong và ngoài nước. Tuy vậy, không phủ nhận vấn đề thường gặp nhất hiện nay của các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ chính là phương thức sản xuất theo kiểu phong trào, chưa có quy hoạch cụ thể, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề lao động không đồng đều. Đặc biệt, các cơ sở vẫn chưa chú trọng đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình, do đó gây ra hiện tượng hàng nhái, hàng không đảm bảo, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đa số các cơ sở thủ công đều có quy mô nhỏ.
Đa số các cơ sở thủ công đều có quy mô nhỏ.

Theo ông Trương Ngọc Vũ - Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nông Sơn, những năm trước nghề trầm dó làng Trung Phước, Quế Trung mang lại giá trị kinh tế rất lớn, giải quyết công ăn việc làm cho khá nhiều nông dân nơi đây. Không ít doanh nghiệp, cơ sở đã đưa hàng tham gia các hội chợ quốc tế ở Hồng Kông, Đài Loan, Côn Minh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản)… Tuy nhiên thời gian gần đây, lượng sản phẩm bán ra sụt giảm lớn do cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của một số người. “Sản phẩm mỹ nghệ trầm hương Nông Sơn hầu hết được xuất ngoại theo con đường tiểu ngạch và tham gia các hội chợ thương mại do Trung Quốc tổ chức. Một số doanh nghiệp có thực lực khi bán không hết hàng họ có thể thuê nhà kho lưu trữ lại để bán tại hội chợ lần sau hoặc trưng bày tại các cửa hàng do doanh nghiệp thuê. Ngược lại, những cơ sở nhỏ hơn khi bán không hết hàng thường bán rẻ hoặc bỏ lại hội chợ làm cho sản phẩm mỹ nghệ trầm hương mất giá trong mắt người tiêu dùng nên đã dẫn đến kết cục như ngày hôm nay. Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Nông Sơn chỉ sản xuất cầm chừng hoặc chuyển đổi nghề” - ông Vũ cho biết.    

Ông Dương Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều (Điện Bàn) cho rằng, khó khăn nhất của doanh nghiệp chính là nguồn vốn. Để chủ động sản xuất, thời gian qua công ty đã huy động vốn theo cách thức cổ phần vào doanh nghiệp với lợi tức chia hàng năm khoảng 15%. Điều này không chỉ giúp nguồn vốn công ty ổn định mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của người lao động. Ngoài ra, đơn vị cũng tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến công của Nhà nước để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình. Chính điều này đã tạo điều kiện để công ty không ngừng phát triển lớn mạnh với tổng doanh thu hàng năm 7 – 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động. Theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, để doanh nghiệp phát triển ổn định, các chương trình khuyến công đóng vai trò rất quan trọng, với Điện Bàn mỗi năm số tiền dành cho các chương trình khuyến công khoảng 600 – 800 triệu đồng chủ yếu là hỗ trợ đào tạo nghề và cung cấp trang thiết bị. Riêng năm 2015 phòng đã hỗ trợ 2 máy tiện đồng và uốn mây tre cho 2 cơ sở đúc đồng ở Phước Kiều (Điện Phương) và mây tre ở Điện Phước. Bên cạnh đó,  chương trình cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện quảng bá, in tờ rơi phân phát tại các điểm du lịch nhằm tăng cường giới thiệu đến du khách. “Do đa số cơ sở thủ công mỹ nghệ có quy mô nhỏ nên theo tôi cần phải xây dựng điểm tập trung để trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến du khách, gắn phát triển làng nghề với hoạt động du lịch. Đặc biệt, cần tập trung duy trì thường xuyên các chương trình khuyến công như đào tạo kỹ năng, cải tiến mẫu mã cũng như hỗ trợ máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất mới có thể cạnh tranh phát triển tốt được” - ông Chơi phân tích.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC