Thu hồi mỹ phẩm chứa dẫn chất paraben: Người tiêu dùng mập mờ

CHIÊU THỤC ANH 27/08/2015 09:40

Tròn một tháng từ khi quyết định của Bộ Y tế có hiệu lực về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc hơn 2.000 sản phẩm có chứa 5 dẫn chất paraben (gồm pentylparaben, benzylparaben, phenylparaben, isobutylparaben, isopropylparaben). Thế nhưng, cả người mua lẫn người bán vẫn bình thản...

Cả người mua lẫn người bán đều không rõ thông tin của Bộ Y tế. Ảnh: C.T.A
Cả người mua lẫn người bán đều không rõ thông tin của Bộ Y tế. Ảnh: C.T.A

Không hay biết

Chúng tôi tiến hành một vòng khảo sát tại các cửa hàng mỹ phẩm trên đường Phan Châu Trinh, chợ Tam Kỳ, chợ Vĩnh Điện, chợ Tiên Phước... để tìm hiểu thông tin về mỹ phẩm có chứa dẫn chất paraben. Chỉ trừ một vài quầy hàng có người của Công ty Tharakao đến thu hồi một vài sản phẩm của công ty, còn lại đa số đều dường như không hay biết chuyện gì đang xảy ra. “Tuần trước cũng có người của công ty mỹ phẩm trong nước đến thu hồi một vài sản phẩm dưỡng da của Thorakao, nói là quyết định của công ty để làm gì đấy chứ mình cũng không rõ và các bạn đó cũng không nói là do sản phẩm có chứa chất gây ung thư. Thực sự giờ tôi mới nghe đến” - chị Nguyễn Thị Thảo (chủ cửa hàng mỹ phẩm Thảo, chợ Tam Kỳ), cho hay. Không riêng chị Thảo là người trực tiếp bán mỹ phẩm với phong phú mặt hàng, số lượng tương đối đầy đủ còn mập mờ về thông tin mỹ phẩm bị thu hồi mà các cửa hàng lớn, nhỏ khác cũng trong tình trạng thông tin tương tự. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết - chuyên bán các mặt hàng mỹ phẩm từ bình dân đến cao cấp trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ), trong đó có bán cả sản phẩm dưỡng da của các hãng nổi tiếng thế giới như Lancome, Dior, Victoria Secret (một số nhãn hàng của các thương hiệu này cũng có trong danh sách bị thu hồi của Bộ Y tế vì có chứa dẫn chất paraben) ban đầu cũng tỏ ra ngạc nhiên vì thông tin thu hồi. Sau một lúc, chị nói: “À nhớ ra rồi, hôm bữa có đọc thông tin trên internet nhưng không chú ý kỹ lắm. Với sản phẩm của mình nhập toàn hàng chất lượng hết mà, nên không có đâu. Cũng không nghe ai nói gì cả”.

Tương tự, ki-ốt của chị Thu Loan (đường Cửa Đại, TP.Hội An) còn bày bán một vài sản phẩm của nhà sản xuất trong nước nằm trong danh mục thu hồi. Khi chúng tôi thông tin, chị liền nói: “Ồ thế sao, mình hoàn toàn không hay biết. Rứa để tôi cất riêng khi nào nhân viên của hãng đến thì tôi đưa lại chứ bán cho khách thêm phiền. Họ cũng mù mờ như mình thì không nói làm gì, người mua mà biết họ đem trả lại, nói tới nói lui thêm phiền. Cũng không tốn kém hay mất mát chi của mình đâu. Rủi cơ quan chức năng đi kiểm tra mà thấy thì mới mất tiền mà rầy rà to”. Rõ ràng, hầu hết người bán lẫn người mua trên địa bàn tỉnh dường như không lưu tâm hay chú ý gì đến thông tin thu hồi hơn 2.000 sản phẩm trong danh mục của Bộ Y tế.

Đang kiểm tra

Hiện nay, hình thức nhập hàng chủ yếu của các tiểu thương vẫn là qua các đại lý hay trực tiếp từ nhà sản xuất thông qua các nhân viên đến tại chợ. “Thông thường, tiểu thương chúng tôi mua bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu, trả tiền xong thì họ đi chứ ít ai chịu trách nhiệm cho mình đổi trả. Cũng may là bán lẻ, nhìn hàng trên kệ có vẻ phong phú vậy thôi nhưng thực ra mỗi loại có 3 - 4 chai, hết hàng mới lấy thêm vào. Bởi, tôi sợ không kiểm soát hàng hết hạn sử dụng hoặc có trục trặc thu hồi sản phẩm”. Trong khi sản phẩm có tiếp tục được lưu hành hay không phụ thuộc vào thông tin, ý thức của người bán thì người mua lại càng mù mờ hơn nữa. Chị Thùy An lựa mua sản phẩm dưỡng trắng da sữa dê của Thorakao (có chứa chất isobutylparaben) tại quần mỹ phẩm N. Á (chợ Tiên Phước) khi được hỏi có biết sản phẩm đang mua bị cấm lưu hành từ ngày 31.7 hay không thì chị tỏ ra ngạc nhiên, không hay biết.

Trong khi đó, chị Hoàng Ngân (nhân viên Viettel chi nhánh Quảng Nam) chuyên mua mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài có biết thông tin về mỹ phẩm paraben lại cho ý kiến rằng: “Mình tìm hiểu thì thấy nước Úc là nước khắt khe trong tiêu dùng mà vẫn cho phép dùng các loại paraben mà Việt Nam thu hồi. Các nước khác trong khu vực thì chưa có phản ứng gì mà Việt Nam đã có quyết định thu hồi”. Trao đổi ý kiến với ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) về tình hình thu hồi sản phẩm có chứa dẫn chất Bộ Y tế đình chỉ, ông cho rằng: “Các đội QLTT huyện, thành phố đã và đang tiến hành kiểm tra và không phát hiện số lượng nhiều. Có quầy được công ty thu hồi, có quầy chỉ 1 - 2 chai. Hơn nữa, với số lượng hơn 2.000 sản phẩm trong danh sách thì cũng khó để quán xuyến hết”. Trong khi đó, thông tin từ phòng thanh tra của Sở Y tế thì sở đang kết hợp với cơ quan chức năng liên quan để tiến hành kiểm tra. Vì vậy chưa có báo cáo hay kết quả chính xác để trả lời.  

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho rằng, chất paraben vẫn được phép lưu hành và sử dụng làm chất bảo quản trong các loại mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm với mục đích chống nấm mốc phát triển và vi sinh vật có hại cho con người.  Tại Việt Nam, tháng 4.2015, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra thời hạn ngưng lưu hành các sản phẩm có chứa 5 dẫn xuất paraben (đã nói ở trên) và theo công văn số 13884/QLD-MP ngày 28.7.2015, quyết định số 421/QĐ-QLD ngày 28.7.2015 về việc thu hồi phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm với số lượng 2.019 sản phẩm của 231 tổ chức, cá nhân.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH