Hội chợ nhịp cầu thương mại Quảng Nam 2015: Cần nhịp cầu niềm tin
Hội chợ nhịp cầu thương mại Quảng Nam 2015 đã đi vào ngày cuối cùng sau một tuần diễn ra (từ ngày 6.8 -12.8.2015). Hy vọng giữa lời khen tiếng chê, giữa cái được và chưa được tại hội chợ lần này, ban tổ chức sẽ nhận thấy và rút ra bài học để tổ chức những sự kiện thương mại sau này.
Gian hàng hội chợ kém chất lượng nên người tham gia cũng khá èo uột. Ảnh: C.T.A |
Kênh vận động dùng hàng Việt Nam
Theo lời ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp, hội chợ Nhịp cầu thương mại Quảng Nam 2015 nhằm tạo cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp cả ba miền tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm để mở rộng thị trường tiêu thụ mà các đối tác, doanh nghiệp quan tâm, hợp tác, đầu tư. Ngoài ra, hội chợ cũng là để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của khu vực nói chung và các tỉnh, thành phố khác nói riêng. “Đây cũng là kênh hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bởi, ngoài các hội chợ xuân, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn... được thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thì hội chợ lần này cũng là một kênh thực hiện cuộc vận động nhưng doanh nghiệp tổ chức sự kiện đứng ra tổ chức, tự cân đối thu chi, dĩ nhiên là được sự cấp phép và giám sát của cơ quan chủ quản là Sở Công Thương, trung tâm chúng tôi phối hợp giám sát theo sự phân công của sở”. Được biết, đơn vị đứng ra tổ chức hội chợ lần này là Công ty Tổ chức sự kiện Bắc Hà – vốn là đơn vị thường xuyên nhận tổ chức các sự kiện thương mại, hội chợ tại Quảng Nam trong vài năm qua.
Hội chợ Nhịp cầu thương mại Quảng Nam 2015 có hơn 200 gian hàng của 112 doanh nghiệp, 20 gian hàng của 15 huyện, thành phố. Qua khảo sát của chúng tôi, các sản phẩm được bày bán chủ yếu tại hội chợ vẫn là hàng gia dụng, tiêu dùng, thời trang, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề... Chị Đỗ Thị Hồng (ngã tư Kỳ Lý, TP.Tam Kỳ) sau một vòng dạo quanh hội chợ, nói: “Hội chợ là cơ hội để mẹ con chúng tôi rủ nhau đi dạo, xem ca nhạc, giải tỏa tinh thần trong những ngày cuối hè khi các con chuẩn bị bước vào năm học mới”. Có lẽ nhiều người có cùng lý do như chị Hồng nên số lượng người tham quan, dạo chơi tại hội chợ vào các buổi tối khá đông đúc. Người dạo hội chợ dễ tính thì cho rằng, thì cũng phải ở mức độ nào đó thôi chứ với điều kiện kinh tế của đa số người dân vốn không dư dả nhiều như Quảng Nam mà đòi hỏi hội chợ phải hoành tráng, phong phú mặt hàng, lượng gian hàng cao như những nơi khác là điều khó thực hiện.
Nói đường, làm nẻo
Không riêng nhận xét chủ quan của phóng viên mà những người được hỏi sau một vòng tham gia hội chợ đều có cùng ý kiến: “Không như mong đợi về một hội chợ được tổ chức ngay giữa trung tâm văn hóa thông tin của thành phố tỉnh lỵ, dưới sự cho phép và giám sát của Sở Công Thương”. Có thể nói, hội chợ chỉ được mươi gian của các làng nghề nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình), may tre đan Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), đèn lồng và gốm của TP.Hội An, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ đến từ tỉnh Bình Định, Bình Dương... được đánh giá là tương đối có chất lượng và đúng tiêu chí vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Còn lại, khá nhiều mặt hàng của nhiều gian hàng nhập nhằng, mập mờ về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Chị Trần Thanh Thủy (nhân viên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam), chia sẻ: “Như mặt hàng sữa tắm có giá 35.000 đồng/chai, ba chai giá 100.000 đồng, mà toàn là chai lớn với dung tích chứa cả lít. Trong khi đó, tôi vừa xem chương trình Bảo vệ người tiêu dùng trên kênh VTV1 tuần trước, quay cận cảnh quy trình sản xuất sữa dê tại những lò sản xuất sữa tắm dê, với giá rẻ tương tự. Chính vì vậy làm sao chúng tôi có thể yên tâm mua sử dụng chứ không phải phụ thuộc tâm lý “giá đắt mới chất lượng, rẻ thì không” như nhiều người nghĩ”.
Nhiều người cho rằng, hội chợ được Sở Công Thương cấp phép tổ chức và giám sát thì mặt hàng được bày bán phải tương đối chất lượng, đừng để doanh nghiệp tổ chức sự kiện lo chạy theo số lượng gian hàng để lấy doanh thu mà bỏ qua khâu quan trọng là chất lượng gian hàng. Sở Công Thương là thành viên của Ban vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của tỉnh, nắm trong tay kênh thực hiện cuộc vận động nhưng hình như khá lỏng lẻo trong quản lý. Ngoài một số mặt hàng bày bán tại hội chợ chưa rõ nguồn gốc xuất xứ thì có gian hàng bán công khai sản phẩm có in nhãn mác sản xuất từ Trung Quốc với giá khá rẻ. Ngoài ra, nhiều chủ gian hàng tại hội chợ nhịp cầu thương mại Quảng Nam lần này cho rằng, công ty đã không thực hiện đúng cam kết khi kêu gọi họ về tham gia hội chợ. Ông Nguyễn Văn Lợi (chủ gian hàng cơ sở tiện gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lợi – Nhung (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nói: “Lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ tại Quảng Nam nhưng thất vọng vô cùng vì không như lời giới thiệu ban đầu của công ty tổ chức sự kiện. Không phải hàng bán kém, không chạy vì thực tế nhiều gian hàng cũng trong tình trạng tương tự. Vấn đề ở chỗ, khi mời tham gia, công ty có cam kết là hội chợ được quảng bá, truyền thông rộng rãi nhưng tham dự rồi mới thấy công ty chỉ làm qua loa, lấy lệ để thu tiền gian hàng của chúng tôi mà thôi”.
Rõ ràng, mục đích ban đầu của Ban tổ chức hội chợ đưa ra đã không đạt cho cả người mua lẫn người bán, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đã đến lúc, công tác tổ chức quản lý các hoạt động, sự kiện thương mại cần xem xét lại để tránh đánh mất niềm tin về hàng Việt Nam trong người tiêu dùng tỉnh nhà.
CHIÊU THỤC ANH