Người làm thương hiệu rượu ba kích, đẳng sâm

XUÂN KHÁNH 05/08/2015 09:10

Ở Tây Giang, anh Bùi Nam Chính (thôn Agrồng, xã A Tiêng) được xem là người đầu tiên, cũng là người duy nhất ở thời điểm hiện tại, làm thương hiệu rượu từ cây bản địa là ba kích tím và đẳng sâm.

Anh Chính giới thiệu hộp sản phẩm gồm cả rượu ba kích và đẳng sâm. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Anh Chính giới thiệu hộp sản phẩm gồm cả rượu ba kích và đẳng sâm. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Nắm bắt cơ hội

Những ngày đầu năm 2013, khi cây ba kích và đẳng sâm có dấu hiệu “hút hàng”, anh Chính đã bắt tay vào ngâm rượu để bán, đồng thời nuôi ý tưởng làm thương hiệu với 2 loại cây đặc sản của Tây Giang. Một thời gian sau, Tây Giang được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) và Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) phối hợp giúp huyện phát triển 4 nghề là chế biến rượu, chuối sấy khô, đan lát và chăn nuôi, nắm bắt cơ hội, anh Chính nộp hồ sơ ở nghề rượu, cụ thể là làm rượu ba kích và đẳng sâm. Sau khi khảo sát về tiềm lực kinh tế, mặt bằng... của các nhóm hộ đăng ký, 2 tổ chức trên đã chọn nhóm hộ của anh Chính. “Nhóm hộ chúng tôi có 3 thành viên, 1 hộ nấu rượu, 1 hộ đi thu mua ba kích và đẳng sâm. Tuy là nhóm hộ, nhưng làm độc lập, rượu và 2 loại cây để ngâm rượu phải đạt chất lượng tôi mới thu mua, có cam kết hẳn hoi” - anh Chính cho hay.

Anh Chính được tổ chức Malteser International và VIRI hỗ trợ tư vấn về hệ thống các máy móc cần thiết, cũng như kỹ thuật sử dụng trong làm rượu. Huyện Tây Giang hỗ trợ về máy lọc rượu, máy đóng nút chai, máy ghi ngày sản xuất… với tổng tiền 70 triệu đồng. Sau đó anh đầu tư mua thêm máy rửa đẳng sâm, ba kích, máy hút chân không… với hơn 30 triệu đồng nữa. Và để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn mặt bằng, anh Chính vay ngân hàng 100 triệu đồng để mở rộng, trang bị thêm một số hạng mục. Tính luôn cả việc đăng ký thương hiệu, đăng ký kinh doanh và một số chai, vỏ, chum vại lúc ban đầu, chi phí đầu tư của anh khoảng 250 triệu đồng.

Theo một tài liệu, ba kích, nhất là ba kích tím được xem là bài thuốc tráng dương, bổ thận, liệt tinh, đau lưng, mỏi gối, kinh nguyệt chậm, bế kinh... Trong khi đó, đẳng sâm cũng có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe như bổ máu, chống suy nhược, rong huyết… Phải ngâm rượu ít nhất 6 tháng thì khi uống mới có hiệu quả cao.

Sau nhiều tháng khẩn trương, đầu tháng 2.2015, sản phẩm thương hiệu “Rượu ba kích - đẳng sâm Chính Châu” được ra mắt với nhiều mẫu mã để khách hàng dễ lựa chọn; thậm chí, rượu được đóng hộp riêng lẻ hoặc gộp cả ba kích và đẳng sâm. Tại gian hàng ở cơ sở sản xuất rượu Chính Châu, ngoài trưng bày các sản phẩm đã đóng chai, người sản xuất còn bày cả đẳng sâm và ba kích cùng hệ thống làm rượu. Do đó, khách hàng có thể lấy sản phẩm đã hoàn thành, hoặc tự mình chọn lựa ba kích, đẳng sâm rồi sau đó được quan sát các công đoạn làm rượu. Anh Chính chia sẻ: “Đã làm kinh doanh thì phải chấp nhận cực khổ và cả rủi ro. Nhưng tôi may mắn được chính quyền địa phương giúp đỡ rất nhiều, nhất là tư vấn các thủ tục giấy tờ. Do đó thấy mình có thêm động lực, và hy vọng rằng sản phẩm rượu này sẽ nằm trong túi quà của du khách khi rời Tây Giang”.

 Chỗ dựa cho người trồng nguyên liệu

Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, sự ra đời của cơ sở rượu Chính Châu làm cho người dân tự tin trồng cây ba kích và đẳng sâm ở địa phương. Hai loại cây này vốn là cây bản địa, ban đầu người dân chỉ biết ngâm rượu uống chứ ít quan tâm đến mặt kinh tế. Đến khi nở rộ việc tìm mua thì ba kích, đẳng sâm bị khai thác vô tội vạ. Sau đó, qua các chương trình, đề án, huyện Tây Giang mới tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng để phát triển kinh tế. “Tuy nhiên, khi chưa có anh Chính làm thương hiệu rượu, việc bán ba kích và đẳng sâm của bà con gặp khó, nhiều bấp bênh, nhất là luôn bị tư thương từ nơi khác lên ép giá. Khi địa phương có người làm rượu thương hiệu, bà con có thị trường ổn định để bán, giá cả lại được hơn trước” - ông Phú cho hay.

Người viết từng gặp ông Bhling Bríu (72 tuổi, thôn Zơ Rượt), được mệnh danh là “vua” đẳng sâm ở xã Ch’Ơm. Ông Bríu có nói rằng vào khoảng hơn 1 năm trước, giá bán đẳng sâm tại vườn của bà con khá thấp, chỉ khoảng 50 -70 nghìn đồng/kg. Từ khi có cơ sở sản xuất rượu Chính Châu thu mua, giá cao và ổn định hơn, khoảng từ 120 - 220 nghìn đồng/kg, tùy lớn nhỏ. Ông Bríu cho biết thêm: “Nhờ vậy mà chúng tôi đỡ bớt cảnh bị tư thương ép giá, việc bán cũng đỡ khổ vì họ vào tận nơi. Họ còn khuyên bà con là không nên bán còn non, đồng thời phân tích cho bà con phải để củ sâm đạt chất lượng, như thế bán mới được giá và có thu nhập cao hơn”.

Trong khi đó, anh Chính cho biết luôn quán triệt với người đi mua ba kích và sâm, rằng chỉ giao dịch loại đạt chất lượng. Khoảng một năm trở lại đây, cũng có nhiều trường hợp người dân mang ba kích, đẳng sâm đến tại cơ sở anh để bán nhưng cây sâm chưa đạt chất lượng. Tội nhất là nhiều học sinh, sinh viên đang học ở dưới đồng bằng, mỗi lần về thăm nhà xuống trường là chở theo 5 - 10kg ba kích hoặc đẳng sâm để bán lấy tiền trang trải cho việc học nhưng củ sâm không đạt yêu cầu. Những trường hợp này, anh luôn nhắc họ là phải nhổ những củ đã đạt chất lượng, tránh nhổ cây non vì rất lãng phí.

Qua hơn 5 tháng hoạt động, vẫn còn đang ở giai đoạn khởi động, nhưng anh Chính tin tưởng rằng sản phẩm đặc trưng của Tây Giang sẽ còn vươn xa. Bởi thực tế, đã có nhiều khách hàng gọi mua sản phẩm sau khi được dùng từ người thân mang về. “Hiện chúng tôi xúc tiến mở đại lý ở một số nơi, đặc biệt là Tam Kỳ, Hội An và Đà Nẵng. Hôm trước có người ở Sài Gòn điện đặt vấn đề, hiện chúng tôi thương thảo. Ở địa phương, chúng tôi cũng đặt trưng bày ở khu du lịch sinh thái Đỉnh Quế” - anh Chính nói.

XUÂN KHÁNH

XUÂN KHÁNH