Thấu tình đạt lý

TRỊNH DŨNG 06/05/2015 08:40

Tất cả kiến nghị của 4 doanh nghiệp tham dự cuộc tiếp xúc định kỳ hàng tháng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng chủ trì sáng ngày 5.5.2015 đã được giải đáp thấu tình, đạt lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng chủ trì cuộc tiếp doanh nghiệp sáng ngày 5.5.2015. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng chủ trì cuộc tiếp doanh nghiệp sáng ngày 5.5.2015. Ảnh: T.D

Doanh nghiệp bức xúc

Tiếp cận đất đai khó khăn và sự “bất bình đẳng” trong các hợp đồng mua bán điện là những vấn đề nóng nhất được xới lên tại cuộc gặp gỡ thường kỳ tháng 5.2015. Công ty TNHH Hải Đăng, là doanh nghiệp đầu tiên đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư nhà máy chế biến bột cá vào CCN An Lưu (Điện Nam Đông, Điện Bàn) từ năm 2005, nhưng hơn 10 năm sản xuất, kinh doanh, công ty này không hề được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không có “giấy tờ có giá”, doanh nghiệp này đã mất đi nhiều cơ hội vay vốn ngân hàng và các thủ tục đầu tư, mở rộng sản xuất khác. Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp chỉ nhận lại cái lắc đầu của chính quyền thị xã với một lý do doanh nghiệp nằm trong kế hoạch vận động di dời vì ô nhiễm môi trường, mặc dù đại diện thị xã Điện Bàn thừa nhận là trong các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường hay các cuộc kiểm tra, khảo sát định kỳ doanh nghiệp đều ở mức an toàn. Bà Trần Thị Trổi - Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng cho hay doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận “công ty sạch”, nhưng xin cấp giấy sử dụng đất thì chính quyền không cho, lại vận động di dời nhà máy. Nhưng dời tới đâu và hỗ trợ như thế nào thỏa đáng cho doanh nghiệp thì không bàn tới. Công ty TNHH Hiền Trang (Tam Kỳ) đặt vấn đề xin miễn, giảm tiền thuê đất, xác định lại số tiền thuê đất phù hợp với diện tích sử dụng thực tế và hoàn trả số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho 8.258,2 m2 đất công ty đã trả lại cho thành phố. Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Hiền Trang nói theo quy định thì công ty sẽ phải nộp đủ tiền thuê đất, nhưng yêu cầu địa phương hoàn trả số tiền đã bỏ ra để đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp diện tích đất đã thu hồi trong ba năm qua. Bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty TNHH May Phú Mỹ Kim Anh (Phú Ninh) nói về sự bất bình đẳng của các hợp đồng mua bán điện. Công ty này đã hợp đồng với Điện lực Quảng Nam xin hạ thế trạm biến áp 250kVA cho công suất thiết kế ban đầu 8 chuyền may (450 công nhân). Mặc dù, đã ký quỹ tài khoản ngân hàng, nhưng Điện lực Quảng Nam không lắp đặt biến áp, buộc dùng chung trạm biến áp của công ty khác trên địa bàn. Cái khó của công ty là không thể tuyển dụng được nhân công, nên chỉ có thể hoạt động 4 chuyền may, không thực hiện hết công suất ban đầu nên đã bị Điện lực Quảng Nam phạt tiền!

Giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp

Câu chuyện đất đai của Hải Đăng và Hiền Trang đã nhận khá nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý. Đại diện thị xã Điện Bàn vin lý do về quy hoạch, ô nhiễm, doanh nghiệp nằm trong diện sắp xếp di dời nên không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp dù không biết tìm đâu tiền hỗ trợ di dời và địa chỉ cụ thể để giải quyết cho doanh nghiệp. Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế và đại diện Sở TN-MT Quảng Nam không đồng ý với những lời biện bạch của đại diện thị xã Điện Bàn. Ông Bốn nói di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là quy định của Thủ tướng Chính phủ, đã có thông tư liên bộ. Nguồn hỗ trợ thỏa đáng cho doanh nghiệp di dời sẽ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, chứ không phải là sự vận động! Nếu chưa thể di dời được thì chính quyền buộc phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, không thể trì hoãn hay lần lữa. Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nói một doanh nghiệp đầu tư đã 10 năm nay mà không cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho họ là điều khó có thể chấp nhận được. Riêng chuyện của Hiền Trang, ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho hay ngành thuế chỉ làm đúng theo luật. Có hợp đồng thuê đất thì phải nộp thuế vì cơ quan thuế không có quyền cho miễn hay giảm!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng đã giải tỏa nỗi lo lắng, chờ đợi của doanh nghiệp bằng một kết luận mà theo hầu hết doanh nghiệp tham gia cuộc họp này cho là thấu tình, đạt lý. Ông Tùng cho hay về lâu dài phát triển thì khó chấp nhận sự tồn tại một nhà máy chế biến bột cá trong lòng đô thị. Nhưng di dời là việc vô cùng khó khăn. Nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp cần phải được giải quyết. Chậm nhất đến cuối tháng 5.2015, phải hoàn tất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. “Sống phải có trước, có sau. Trước mời gọi, nay thế này, thế khác là không được. Không thể lấy quy định hay kế hoạch hiện tại để áp dụng cho lịch sử đầu tư. Cơ quan quản lý phải tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp, nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một loại giấy tờ có giá để doanh nghiệp tính chuyện làm ăn!”- ông Tùng nói. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, không thể trả đúng số tiền mà Hiền Trang phải nộp thuế, không thể miễn, dãn thuế, nhưng cơ quan quản lý cần linh hoạt, vận dụng các quy định để giảm bớt tiền thuê đất cho doanh nghiệp hoặc hỗ trợ cho công san lấp mặt bằng, giải tỏa đền bù cho doanh nghiệp. Riêng kiến nghị của Phú Mỹ Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng yêu cầu Điện lực Quảng Nam cần nhanh chóng xem xét, điều chỉnh lại hợp đồng mua bán điện phù hợp với thực tế, cộng đồng trách nhiệm với doanh nghiệp. Cần trao đổi với khách hàng chứ không phải cứ im lặng, chờ tới ngày, tới tháng mà phạt!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG