Bán lẻ ở tỉnh lẻ
Năm 2014 chứng kiến sự xâm nhập vào thị trường Quảng Nam của hàng loạt tên tuổi “ông lớn” trong ngành hàng bán lẻ trên lĩnh vực tiêu dùng, tài chính… Điều này chứng tỏ thị trường bán lẻ ở tỉnh lẻ như Quảng Nam là khá tiềm năng.
Những con số không thể bỏ qua
Cũng như các địa phương trong cả nước, chỉ số bán lẻ của Quảng Nam tăng trưởng đều, bất chấp tình hình kinh tế đi qua nhiều giai đoạn khó khăn. Đây thực sự là mảnh đất đầy hứa hẹn cho các nhà bán lẻ…
Thông tin nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rõ ràng với nhiều khuyến mại là yếu tố giúp Co.opMart bán lẻ thành công tại Quảng Nam. Ảnh: THỤC ANH |
Tăng trưởng đều
Theo báo cáo của Sở Công Thương thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 2.2015 ước đạt 2.685,942 tỷ đồng, tăng 0,39% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.361,411 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả năm 2014 đạt 29.400 tỷ đồng, đạt 94,4% so với kế hoạch năm (kế hoạch năm 2014 là 31.140 tỷ đồng) và tăng 11,4% so với năm 2013. Những con số này minh chứng sự gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng của người dân và tăng trưởng bán lẻ của giới kinh doanh là có thật. Bên cạnh đó, tình hình thị trường Quảng Nam hoạt động khá ổn định, các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu du lịch, điểm tham quan tăng lên đáng kể nhờ lượng khách trong và ngoài nước đến Quảng Nam liên tục tăng. “Sự xuất hiện của một số cửa hàng mua sắm có thương hiệu quốc gia trên địa bàn, các chương trình khuyến mãi giảm giá, cạnh tranh đáng kể so với các chợ truyền thống đã góp phần làm tăng sức mua của người dân trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, gas, sữa… liên tục biến động về giá”, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, nói.
Cũng theo thống kê từ Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), mỗi năm có hàng trăm thậm chí cả ngàn lượt đăng ký khuyến mãi của các doanh nghiệp, cửa hàng xin “chạy” chương trình khuyến mãi. Bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho hay, dù kinh tế có khó khăn người tiêu dùng tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu mà các doanh nghiệp bán lẻ giữ quan điểm kinh doanh co mình lại, không dám bung hàng và tìm cách tiếp cận người tiêu dùng thì chắc chắn cái khó nhỏ sẽ dần biến thành cái khó lớn, kinh tế sẽ ì ạch không phát triển. Thế nên, các nhà bán lẻ của Việt Nam cũng như các tập đoàn bán lẻ khác vẫn tìm cách đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phát triển các chương trình khuyến mãi, tiếp thị để gắn kết khách hàng. Có lẽ vì vậy nên doanh số bán hàng của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ vẫn tăng đều 10% qua các năm, thậm chí được Tổng Công ty là Liên hiệp Thương mại hợp tác xã TP.Hồ Chí Minh đánh giá là siêu thị có mức tăng trưởng tốt trong khu vực miền Trung.
“Muốn thắng ở Việt Nam, phải thắng ở nông thôn”
Đó là ý kiến của ông Vaughan Ryan – Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam (Công ty chuyên nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu có trụ sở tại Mỹ và Hà Lan), sau hàng loạt cuộc khảo sát thị trường tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với một thị trường tiêu dùng ở nông thôn quá tiềm năng khi đất nước có 90 triệu dân mà người tiêu dùng ở nông thôn chiếm tới 68% dân số và đóng góp 60% GDP của cả nước. Nông thôn trong đó Quảng Nam không là ngoại lệ là mảnh đất hứa hẹn của ngành bán lẻ với nhiều cơ hội. Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh khá hoành tráng trong năm 2014 với 350 siêu thị (tăng 125 so với 2013), tổng thu dự kiến là 15.800 tỷ đồng. Năm 2015, MWG đặt mục tiêu chiếm lĩnh 40% thị phần điện thoại di động bán ra trên cả nước. Tại Quảng Nam, so với Viễn thông A hay FPT shop thì Thế giới di động có mặt trước tiên và thu được kết quả khả quan. Ông Hoàng Anh Vũ - Quản lý Cửa hàng Thế giới di động tại Tam Kỳ chia sẻ rằng: khi nhận nhiệm vụ về quản lý cửa hàng tại Tam Kỳ, anh khá lo lắng vì sợ không đạt được chỉ tiêu kinh doanh mà cấp trên đưa ra. Thế nhưng, sự thật hoàn toàn ngược lại, kết quả kinh doanh đạt ngoài sức mong đợi của cả bản thân anh lẫn ban giám đốc.
Các doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm về khu vực nông thôn. |
Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế lại cho rằng, khi tiến về nông thôn, các hệ thống bán lẻ phải chú trọng đến hiệu quả kinh doanh vì từ trước đến nay, chuỗi bán lẻ thường bán đúng theo giá đề nghị của công ty đưa ra. Trong khi vẫn phải gồng gánh nhiều chi phí như mặt bằng, vận chuyển, nhân viên… nên có thể sẽ rất khó cạnh tranh về giá so với các sản phẩm được phân phối dưới hình thức trôi nổi trên thị trường. Thêm nữa, kết cấu hạ tầng yếu kém nên việc phát triển các điểm bán hàng một cách quy củ không hề dễ dàng. Thực tế, các năm trước, Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) đã tiến hành hàng loạt cuộc khảo sát để kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng, phát triển hệ thống bán lẻ tại một số huyện, thành phố. Một số doanh nghiệp trước thì hăm hở nhưng sau khi khảo sát xong thì “vẫy tay chào” chưa thấy trở lại. Tuy nhiên, Sở Công Thương cũng đã có những chính sách kêu gọi các hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ tại địa phương tham gia thị trường bán lẻ bằng nhiều hình thức. Và mới đây nhất, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, 3 hộ cá thể kinh doanh hàng tạp hóa trong tỉnh đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ bình ổn giá của UBND tỉnh trong dịp phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Số tiền không lớn nhưng là dấu hiệu đáng mừng cho nỗ lực của cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp trong tỉnh trong việc chiếm lĩnh thị phần thị trường bán lẻ ở các vùng nông thôn.
Thực tế, người tiêu dùng ở nông thôn Quảng Nam vẫn rất mong các nhà bán lẻ đặt chân vào và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho họ. Bởi, “chúng tôi quá ngán phải mua những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc luôn ẩn hiện những hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Dù có cố tránh đi chăng nữa nhưng mức độ tinh vi của hàng Trung Quốc dán mác Made in Việt Nam thì cũng không biết đâu mà lần. Khi các nhà bán lẻ có thương hiệu về nông thôn, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Trước mắt là mua hàng đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng; đồng thời được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc từ các quốc gia Thái Lan, Hàn Quốc… vốn mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng”, chị Hà Hạnh – nhân viên Sacombank Quảng Nam, chia sẻ.
Đất lành cho ngân hàng
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần định vị sự có mặt tại Quảng Nam và liên tiếp đưa ra nhiều dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn.
VP Bank Quảng Nam đưa ra nhiều dịch vụ để phát triển ngành bán lẻ tài chính trên thị trường tỉnh. |
Bán lẻ không của riêng ai
Cách đây khoảng 10 năm, nhắc đến cái tên của ngân hàng nào là biết chính xác 80% đối tượng mà ngân hàng đó phục vụ. Ví như: Ngân hàng Xuất nhập khẩu phục vụ đối tượng là doanh nghiệp, hộ cá thể có các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu; Ngân hàng Công thương phục vụ các đối tượng hoạt động trong ngành công nghiệp và thương mại; Ngân hàng NN&PTNT phục vụ các đối tượng khách hàng có liên quan đến ngành nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên những năm trở lại đây, ngành tài chính phát triển mạnh, nhiều ngân hàng cùng “nhảy vô” chiếm lĩnh thị trường nên ranh giới đối tượng khách hàng gần như bị xóa bỏ. Tất cả ngân hàng đều thấy được tiềm năng khai thác khách hàng lẻ tại thị trường nông thôn nên sẵn sàng phục vụ, thậm chí là “săn đón” khách hàng cá nhân, hộ cá thể… Cũng giống như nhận định của chuyên gia kinh tế trong ngành bán lẻ hàng gia dụng, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tiềm năng của khách hàng lẻ ở nông thôn quá lớn. Ông Kiều Phương Trung – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank, nhận định: Hiện chỉ có khoảng hơn 10 triệu trong 90 triệu dân có tài khoản ngân hàng nên tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là rất lớn. Tại các nước phát triển, tỷ lệ doanh thu từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ là 50% thì tổng doanh thu tại Việt Nam chỉ mới khoảng 12%. Thế nên, thị trường bán lẻ chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển và còn rất rộng cho ngân hàng khi quyết định đặt chân đến nông thôn, đến Quảng Nam.
Và Đông Á là minh chứng cho sự nhạy bén khi là ngân hàng đầu tiên đưa các dịch vụ tài chính đến với khách hàng lẻ là tiểu thương, giáo viên, công chức… ở các huyện miền núi, nông thôn như Tiên Phước, Trà My, Phú Ninh. Đông Á đã ghi điểm mạnh và ấn tượng tại các vùng nông thôn là nhờ chương trình “Phủ sóng 1km”, tiếp cận từng hộ dân, mang đến cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ được phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tài chính như Thẻ đa năng Đông Á, Ngân hàng Đông Á điện tử, Vay 24 phút… Dù thừa nhận các khoản cho vay nhỏ 500 nghìn – 1 triệu đồng từ chương trình này đến những khách hàng thu nhập thấp có thể khó đòi nhưng một lãnh đạo cũ của Ngân hàng Đông Á chi nhánh Quảng Nam từng thừa nhận: “Chưa tính đến hiệu quả kinh doanh thì hiệu quả về mặt thương hiệu là rất lớn. Đó là hiệu quả thâm nhập của thương hiệu vào cuộc sống của người tiêu dùng”. Rõ ràng, đây là cách làm thương hiệu nhắm đến giá trị vô hình khá sâu sắc, có tác động mạnh mẽ của Ngân hàng Đông Á.
Vùng đất tiềm năng
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, Quảng Nam dù còn nghèo nhưng nội lực lại khá lớn. Bởi, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI xếp Quảng Nam là một trong 20 tỉnh có tiềm năng phát triển của cả nước. Chính vì vậy, các ngân hàng đều muốn có mặt để đón đầu sự phát triển trong tương lai gần. Hiện nay, ngoài 14 ngân hàng thương mại cổ phần đã có mặt trong tổng số 20 ngân hàng thì được biết, năm 2015 cũng sẽ đón nhận một vài ngân hàng góp mặt vào thị trường tài chính Quảng Nam. “Quảng Nam đang trong giai đoạn phát triển nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm, cầu cống… khá nhiều. Lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp xây dựng sẽ cần đến sự trợ sức từ phía các ngân hàng nên chúng tôi có mặt để đáp ứng mong muốn đó. Thực tế qua nhiều năm, chỉ có thêm ngân hàng chứ chưa có ngân hàng nào tháo chạy khỏi thị phần tỉnh lẻ đã có thể nói lên nhiều điều” - ông Kiều Phương Trung nói. Cũng theo ông Trung, tài chính cũng như các mặt hàng tiêu dùng, phát triển cũng nhờ vào nguyên nhân là Quảng Nam đang trong giai đoạn dân số vàng. Hầu hết lớp trẻ có khả năng làm ra tiền, có nhu cầu cao trong việc mua đất xây nhà, sắm ô tô… và đa số đều dựa vào dịch vụ vay tiêu dùng của các ngân hàng. Quan niệm đợi đủ tiền rồi mới dám chi dùng đã không còn phù hợp với lớp trẻ, cho vay tiêu dùng có vùng đất màu mỡ để nhiều ngân hàng khai phá. Đây cũng là lý do giải thích sự có mặt của hơn 5 công ty cho thuê tài chính: Homecredit, ACS, Prudential, HD Bank… luôn có mặt tại các điểm mua sắm trên địa bàn tỉnh. Nhân viên các công ty này nắm bắt rất nhanh nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và hỗ trợ tối đa các thủ tục, giải quyết nhanh gọn trong vài giờ đồng hồ.
Thêm một nguyên nhân cho sự phát triển tài chính trong thời gian qua cũng như sắp đến mà không thể không nói đến chính là sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Ông Lê Thế Thạch – Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu ACB chi nhánh Hội An cho hay: “Các huyện trong tỉnh Quảng Nam ít có sự chênh lệch, khoảng cách quá xa (trừ các huyện miền núi cao như Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang…) cũng là lợi thế cho ngân hàng phát triển. Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc… đều có ưu thế riêng, tiềm năng từ lâu. Thậm chí Tiên Phước, Phú Ninh, hay Quế Sơn… cũng có nhiều đối tượng khách hàng phong phú trong dịch vụ cho vay lẫn gửi tiết kiệm. Trong khi đó, đi qua một số tỉnh trong khu vực miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị… thì khoảng cách phát triển giữa các huyện khá chênh lệch”.
Thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng
Nhiều người nghĩ rằng, các “ông lớn” trong ngành hàng tiêu dùng - vốn có thương hiệu quốc gia và khu vực đang khẳng định sự có mặt của mình tại Quảng Nam, là đang chia nhau một chiếc bánh nhỏ. Sự thật, không hẳn vậy!...
Cửa hàng điện máy Đức Lâm khai trương chi nhánh tại Tam Kỳ, tháng 12.2014. |
Tìm cách thay đổi thói quen tiêu dùng
Chỉ trong ba tháng cuối năm 2014, trên trục đường chính của TP.Tam Kỳ, người tiêu dùng chứng kiến sự xuất hiện của các thương hiệu có tên tuổi như cửa hàng điện thoại di động Viễn thông A, FPT shop, xe máy Piaggio Tiến Thu, điện lạnh Đức Lâm, Dũng… Qua ba tháng “chào sân”, hầu hết cửa hàng trưởng đều cho rằng dù chưa sống khỏe nhưng có thể nói, các cửa hàng vẫn sống được, sống tốt. Anh Nguyễn Đình Tứ - Quản lý cửa hàng điện máy Đức Lâm (78-80 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho hay, đây là cửa hàng thứ 5 trong chuỗi cửa hàng của Đức Lâm tại TP.Đà Nẵng. Cũng như những thương hiệu, công ty khác khi quyết định mở cửa hàng tại Tam Kỳ, Công ty Đức Lâm cũng đã có những khảo sát, đánh giá riêng về thị trường hàng điện, điện máy, điện lạnh gia dụng nhằm tránh những tổn thất, thiệt hại không đáng có trong kinh doanh. Thời gian đặt cược vào cửa hàng thứ 5 của Đức Lâm tại thành phố Tam Kỳ là ba năm dù công ty cũng có khá nhiều thuận lợi như được sự hỗ trợ từ các chương trình của thương hiệu điện gia dụng LG, có kho bãi riêng, nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, có khả năng phục vụ khách hàng khó tính.
Cách đây vài năm, người sở hữu một chiếc xe máy Vespa, SH… có giá trị 70 - 80 triệu đồng sinh sống trên địa bàn tỉnh, ngay lập tức được xếp vào “đẳng cấp” giàu có. Số người đi xe máy giá trị lớn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hai năm nay thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Xe Vespa, SH lượn vèo vèo trên đường phố Tam Kỳ, Hội An… thậm chí là các huyện, thị tứ lân cận tỉnh lỵ. Và Tiến Thu đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi mở ra hàng loạt cửa hàng cung cấp xe máy có thương hiệu thế giới. Điều đáng nói, ngay tại cửa ngõ của Quảng Nam là thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn) cũng có cửa hàng lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng ở khu vực này vốn có thói quen ra Đà Nẵng mua hàng để có giá hấp dẫn.
Cửa hàng Thế giới di động tại Tam Kỳ. |
Chờ đợi câu trả lời
Cách đây vài năm, một vài thương hiệu thời trang Ninomax, Việt Thy… có mặt và chiếm không gian khá hoành tráng tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ nhưng cuối cùng đã phải rời sân chơi sau ba năm có mặt. Hay trước đó là sự có mặt của hàng loạt cửa hàng xe máy Trung Quốc, từng một thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng Quảng Nam khi chuyển từ giai đoạn xe đạp qua xe máy vì hợp túi tiền. Vào ồ ạt nhưng rồi lại ra đi trong im lặng. Những chiếc xe máy Tàu dần được thay thế trong xu thế đi lên của nền kinh tế và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng khi xe máy không còn là phương tiện mà là “biểu tượng thời trang”. Thế nên, ông Lê Nhật Minh – Trưởng phòng Marketing của Công ty TNHH Tiến Thu (179 Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng) cho biết: “Từ những phân tích dựa trên số liệu thực tế của công ty về sự phát triển tại Quảng Nam đối với thị phần xe máy cũng như dựa trên tình hình phát triển xã hội tại thị trường Quảng Nam, Tiến Thu đã định hướng tập trung phát triển mạnh tại thị trường Quảng Nam trong năm 2014 và sau này. Qua gần nửa năm mở liên tiếp 3 cửa hàng mới tại Quảng Nam với kết quả kinh doanh rất tốt đã khẳng định việc phát mở thêm nhiều cửa hàng xe máy tại Quảng Nam là định hướng hoàn toàn đúng từ Ban lãnh đạo công ty”. Được biết, chiến lược sắp đến của Tiến Thu tại thị trường Quảng Nam là vẫn sẽ xem Quảng Nam là thị trường trọng tâm và nhiều tiềm năng.
Rõ ràng, với người ngoại đạo về kinh tế thì cho rằng các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng đang chia nhau thị phần của một cái bánh nhỏ nhưng người trong cuộc đã đánh giá được tiềm năng thực tế của thị trường này. Sự có mặt của những thương hiệu lớn càng góp phần hỗ trợ tối đa các dịch vụ cho người tiêu dùng. Các quản lý cửa hàng của ngành hàng điện thoại di động như Thế giới di động, FPT shop, Viễn thông A… đều chia sẻ rằng việc triển khai mở các cửa hàng là có định hướng kinh doanh chiến lược của các công ty.
Thực hiện chuyên đề: VƯƠNG HẰNG SA