Tìm hướng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Là tỉnh có thế mạnh về du lịch, vậy nhưng sức sống của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ “made in Quảng Nam” hướng đến khách du lịch không được khai thác đa dạng, kéo theo việc tiếp cận với thị trường xuất khẩu của mặt hàng này còn bỏ ngỏ.
Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam chỉ loay hoay ở “thị trường địa phương” Ảnh: N.L |
Quảng Nam hiện có 61 làng nghề truyền thống, thu hút hàng chục nghìn lao động ở nông thôn. Trong số các làng nghề truyền thống đang hoạt động, có 24 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu. Tuy nhiên phần lớn các sản phẩm từ các làng nghề chưa thật sự có chỗ đứng trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Chưa kể, thế mạnh của Quảng Nam là sở hữu nhiều làng nghề truyền thống độc đáo như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đèn lồng Hội An, mộc Văn Hà, lụa Mã Châu… từng một thời vang bóng. Nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, thời gian gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư khôi phục. Nhưng, đến được với thị trường đã khó, đến với thị trường xuất khẩu thông qua khách du lịch lại càng khó hơn. Bởi thực tế, sự tồn tại của các sản phẩm thủ công ở các làng nghề chỉ dừng lại ở việc sản xuất và tiêu thụ như thế nào; trong khi sản phẩm lại thiếu sự chú tâm đến yếu tố công năng, tính thẩm mỹ và chiều sâu… Bà Hamada Haruko - Viện trưởng, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản chia sẻ: “Lợi thế của Quảng Nam là sở hữu nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, mang dấu ấn về bản sắc văn hóa truyền thống địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công hướng tới du khách nước ngoài thì cần nhiều hơn thế. Các yếu tố như độ tinh xảo, mỗi sản phẩm là một câu chuyện, ý tưởng làng nghề, cũng như sự gọn nhẹ, giá thành phù hợp với khả năng tiêu dùng của du khách… thì chưa được các làng nghề ở đây quan tâm. Và chính điều này đã làm hạn chế sự tiếp cận của sản phẩm…”.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản công bố mới đây cho thấy, phần lớn các sản phẩm làng nghề ở Quảng Nam chưa chú trọng tâm lý khách hàng, vì vậy khi cần đưa ra lựa chọn, những sản phẩm này dễ dàng bị loại. Công năng và kỹ thuật sản xuất sản phẩm là hai yếu tố dễ dàng thuyết phục tâm lý khách hàng, thì gần như bị các cơ sở sản xuất và làng nghề ở Quảng Nam bỏ ngỏ ; trong khi đây lại là điều kiện cần để sản phẩm đến được với người mua… Thực tế, phần lớn sản phẩm tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh chỉ đơn thuần là hàng lưu niệm, thiếu những “câu chuyện” về sản phẩm - điều mà thay vì chỉ có thể bán 1 sản phẩm, thì khi thuyết phục được khách hàng bằng câu chuyện, người ta có thể bán cùng lúc 5 - 7 hay hàng chục sản phẩm cùng chủng loại… Ngoài ra, để chạy theo số lượng, nhiều làng nghề có xu hướng đưa máy móc vào một số khâu sản xuất. Điều này đã làm hạn chế sự tinh xảo, chiều sâu, cũng như độ thú vị của sản phẩm; có nguy cơ tự “giết chết” sản phẩm trước khi nó đến được với thị trường…
Đó là chưa kể, cùng với ý tưởng, thiết kế, bất kỳ sản phẩm nào khi ra thị trường cũng cần có thông tin, cần được thuyết minh, quảng bá để thu hút sự quan tâm của khách hàng, đặc biệt với khách hàng là khách du lịch nước ngoài. Đây chính là điều mà nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề cần có sự nhìn nhận đúng để thay đổi chiến lược sản xuất… Phải thừa nhận, hàng thủ công mỹ nghệ Quảng Nam đến với thị trường xuất khẩu thông qua du lịch là một “con đường” gần. Bởi ngoài lợi thế về làng nghề, Quảng Nam còn là một điểm đến quy tụ đầy đủ các yếu tố: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thiên nhiên, lịch sử và văn hóa của một vùng đất… Vấn đề còn lại là con người - những nghệ nhân làng nghề và thế hệ tiếp cận, họ sẽ làm gì trước cơ hội phát triển và đưa sản phẩm của mình “vượt” ra ngoài biên giới lãnh thổ… Ông Nguyễn Văn Tiếp - chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Điện Bàn) chia sẻ: “Khó khăn của các cơ sở sản xuất hàng thủ công chủ yếu là ý tưởng thiết kế mẫu mã cho sản phẩm. Chúng tôi đã nhận ra nhiều vấn đề cần thay đổi trong sản xuất, đó là sự gọn nhẹ và giá thành sản phẩm phù hợp với điều kiện di chuyển của du khách…”.
Thực hiện chủ trương phát triển làng nghề gắn với du lịch, thời gian qua, nhiều làng nghề trong tỉnh đã bắt đầu tiếp cận và phát triển với mô hình “hai trong một” này. Tuy nhiên, để thật sự “sống”, thật sự phát triển như một làng nghề du lịch - nơi mà du khách có thể thích thú khi đặt chân đến; mong muốn được tìm hiểu, được “thử” tài nghệ của mình tại chỗ, thì ngoài việc sản phẩm phải “cho” họ một cảm nhận nào đó, mỗi làng nghề hay cơ sở sản xuất hàng thủ công phải thật sự là một “bảo tàng sống”.
NGUYỄN LÊ