Chuẩn bị hàng phục vụ tết
Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp và hộ cá thể tập trung chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Theo ngành chức năng nguồn hàng năm nay dự báo sẽ dồi dào, đảm bảo chất lượng và phục vụ kịp thời cho người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa.
Lượng hàng hóa tăng
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - ông Lê Thành Lưu, dự báo nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 sẽ tăng 15 - 20%, việc chuẩn bị hàng tết sẵn sàng với phương án đủ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân là nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương trong thời gian đến. Nguồn hàng dự trữ phục vụ tết năm nay chủ yếu là hàng Việt, chiếm tới 80%. Đối với Quảng Nam, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, chính vì vậy việc duy trì triển khai chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán là hết sức cần thiết.
Tính đến giữa tháng 12.2014, toàn tỉnh đã có 4 doanh nghiệp (DN) và 3 hộ cá thể đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá mua hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp tết. Đó là Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Nam, Công ty TNHH Hoàng Nguyên, HTX Thương mại Điện Thọ và 3 hộ cá thể kinh doanh hàng tạp hóa gồm Trần Thị Lan, Ngô Thị Khương (Thăng Bình), Ngô Thị Tú (Đại Lộc). Đối với hàng bình ổn giá, người tiêu dùng được thụ hưởng ưu đãi về giá bán thấp hơn so với thị trường 5 - 10% trong dịp tết (định giá dựa trên sự so sánh với những sản phẩm cùng loại bên ngoài thị trường, có chất lượng và tiêu chuẩn ngang nhau). Các nhóm hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá như gạo tẻ, gạo nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả… sẽ cung ứng, phục vụ kịp thời trong dịp tết cho người dân ở các vùng sâu vùng xa, hạn chế thấp nhất tình trạng khan hàng, sốt giá thường diễn ra ở những năm trước đây.
Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, những năm qua, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ không đăng ký tham gia hỗ trợ lãi suất chương trình bình ổn của tỉnh nhưng vẫn triển khai bán hàng bình ổn giá. Tết năm nay, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ chuẩn bị sẵn nguồn hàng từ sớm để đảm bảo mức giá không bị đột biến quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Siêu thị đã chủ động lượng hàng hóa dự trữ tăng 20% so với tết năm trước. Trước đó, ngay từ đầu tháng 10.2014, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất về số lượng, giá cả nên sẽ không có biến động. Ngoài ra, siêu thị còn mở các đợt khuyến mãi giảm giá 5 - 50%, tùy mặt hàng, tặng nhiều phần quà hấp dẫn, tặng thẻ ưu đãi, giao hàng miễn phí, mở rộng các điểm bán hàng lưu động, chiết khấu hóa đơn, bốc thăm trúng thưởng..., tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Có đến hơn 3.000 sản phẩm giảm giá 50% vào dịp tết này.
Giám sát chặt chẽ
Theo đề xuất của Sở Công Thương và Sở Tài chính, mới đây UBND tỉnh đã thống nhất hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các hộ cá thể, DN đăng ký kế hoạch vay vốn ngân hàng để mua hàng dự trữ với tổng số vốn vay hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với các hộ cá thể, DN có điểm bán hàng tại các huyện miền núi, hải đảo; các địa bàn còn lại được hỗ trợ 50%. Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thực tế phát sinh tiền vay, nhưng không quá 3 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay cá thể, DN theo hợp đồng tín dụng chuyển tiền mua các hàng thiết yếu dự trữ đến hết ngày 13.2.2015.
Gắn với chương trình bình ổn thị trường, Sở Công Thương chủ động tổ chức các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở miền núi.Ảnh: T.L |
Theo ông Lưu, tiêu chí xét chọn DN tham gia chương trình bình ổn giá là DN phải có trụ sở đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phải có uy tín, quy mô kinh doanh phát triển về cả vốn, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, có kho dự trữ, có năng lực thực hiện và có kinh nghiệm tổ chức nguồn hàng phân phối. Các DN tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Ất Mùi phải đảm bảo đầy đủ số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên thị trường. Hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định. Các DN tham gia phải quản lý tốt và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước tạm ứng để thực hiện tốt chương trình bình ổn giá. Trong suốt thời gian triển khai chương trình, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước...
Các DN tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp tết cho rằng việc giải ngân hỗ trợ lãi suất vay vốn của các ngành chức năng khá chậm. Cụ thể, các DN đã tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 nhưng cho đến giữa tháng 6.2014 mới nhận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất này. Còn đối với các nguồn hàng nông sản, thực phẩm, các DN chủ yếu mua trong dân nên không thể có chứng từ hóa đơn nhưng đến khi quyết toán, các ngành chức năng đòi hỏi hóa đơn, chứng từ nguồn gốc đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và gây khó khăn cho các DN, hộ cá thể tham gia chương trình bình ổn giá. Trong khi đó, đến nay Sở Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các DN, hộ cá thể giải quyết những ách tắc nói trên.
TRUNG LỘ