Khôi phục nghề rèn ở vùng cao

TRUNG LỘ 30/11/2014 13:18

Nghề rèn của đồng bào vùng cao Tây Giang có từ lâu đời nhưng đến nay sản phẩm làm ra chưa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm hướng khôi phục nghề rèn truyền thống để góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong hành trình xây dựng nông thôn mới. 

Đã ngoài 60 tuổi, thợ rèn Hôih Clep luôn gắn bó với nghề.Ảnh: T.L
Đã ngoài 60 tuổi, thợ rèn Hôih Clep luôn gắn bó với nghề.Ảnh: T.L

Kỳ công nghề rèn

Giữa trưa, khắp làng A Rầng 1 (xã A Nông, Tây Giang) vang tiếng đe, tiếng búa nện. Những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn tung tóe. Hai vợ chồng Hôih Clep người khò người đập, mồ hôi ướt đẫm áo. Nghề rèn đã gắn bó với Hôih Clep từ nhỏ. Tròn 15 tuổi, ông đã theo cha vào rừng tìm củi đốt than để về rèn. Đến bây giờ đã ngoài 60, Hôih Clep không còn nhớ nổi mình đã rèn bao nhiêu dụng cụ như dao, liềm, rìu, đồ chọc tỉa... phục vụ bà con trong bản. Tuy vẫn còn  khá thủ công nhưng lò rèn của Hôih Clep bây giờ đã được cải tiến cơ bản. Từ một chiếc khung vành xe đạp cũ, ông tự sáng chế kết hợp với một số vật liệu sắt, thép khác để cho ra kiểu bếp lò kéo bằng tay khá đơn giản nhưng tiện dụng.

Nghề rèn truyền thống của đồng bào Cơ Tu chủ yếu đỏ lửa lúc nông nhàn hay dịp đầu năm để chuẩn bị cho mùa nương, khai hoang lúa rẫy mới. Trước đây, các sản phẩm làm ra chỉ để trao đổi lương thực, thực phẩm và giúp bà con, anh em, họ hàng trong làng có vật dụng làm rẫy, đi rừng. Nguyên liệu chủ yếu để đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang rèn thành những dụng cụ bền, sắc là từ những mảnh đạn, mảnh bom còn sót lại trong núi  rừng, lòng sông, dưới suối. Tất cả công đoạn đối với nghề rèn của đồng bào Cơ Tu chủ yếu dựa vào sức người là chính. Kỹ thuật rèn của người Cơ Tu không được ghi chép bài bản, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau.

Gần 60 năm sống với nghề, ông Cooh Tám (thôn Voòng, xã Tr’Hy, Tây Giang) là một trong những số ít người Cơ Tu còn bám trụ với nghề rèn truyền thống. Cooh Tám theo học nghề rèn từ lúc lên 10, đến khi 15 tuổi ông đã là một thợ rèn giỏi. Theo ông Cooh Tám, để có một sản phẩm ưng ý trước hết phải tìm cho được sắt thép tốt, từ cách chọn than cho đến đặt bếp cũng phải có kỹ thuật. Cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp. Mỗi lần đập búa bao giờ cũng một tiếng nặng, một tiếng nhẹ để tạo nên sự chính xác nơi nện búa. Các sản phẩm làm ra, với những vật dụng tưởng chừng đơn giản như con dao, cái cuốc, cái thuổng... song lại chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Cơ Tu. Nếu như không có con dao, cái cuốc, cái cày tốt thì người Cơ Tu không thể canh tác được ở những sườn núi đồi cằn cỗi. Ngoài ra, sự kiên trì, sáng tạo, cần mẫn của người làm nghề rèn đã cho ra lò những sản phẩm tinh xảo, không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.

Hướng mở cho làng nghề

Theo ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, dù cuộc sống hiện đại có thay đổi đến mấy, song “cái gốc” những làng nghề truyền thống luôn phải được giữ gìn và phát triển. Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề rèn ở vùng cao Tây Giang thực sự là một việc làm cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào. Từ trước đến nay, đồng bào Cơ Tu luôn coi trọng nghề rèn truyền thống. Tuy nhiên, nghề này đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền bởi lớp trẻ Cơ Tu hiện nay không mấy quan tâm đến nghề rèn.

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng bào Cơ Tu đã thay đổi cách làm, cách nghĩ trong sản xuất nông nghiệp. Trồng lúa nước không còn xa lạ với đồng bào Cơ Tu. Theo Chủ tịch UBND xã A Nông - ông A Lăng Bao, hiện nay A Nông là xã điểm của huyện Tây Giang triển khai xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn ưu tiên khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, nếu duy trì cách làm nghề rèn truyền thống trước đây thì khó tồn tại được bởi quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào lao động thủ công nên năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu. Muốn khôi phục và phát triển nghề rèn truyền thống của đồng bào Cơ Tu thì phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất và trước hết là phải có nguồn vốn đầu tư trang thiết bị.

Mới đây, từ nguồn vốn khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công & tư vấn công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tây Giang đã tiến hành nghiên cứu triển khai mô hình trình diễn sản xuất nông cụ cầm tay tại huyện Tây Giang. Ông Lê Đình Đối - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & tư vấn công nghiệp Quảng Nam cho biết, ngoài trực tiếp mở lớp đào tạo, chuyển giao thiết bị nghề rèn cho bà con, đề án đã hỗ trợ cho 2 tổ hợp tác sản xuất cơ khí nông cụ ở thôn A Rầng 1 và thôn Ganil (xã A Nông) trang bị hoàn chỉnh phục vụ cho nghề rèn và sản xuất cơ khí như xây dựng lò nung, bễ trui nước; đe búa, giũa các loại; máy cắt, máy hàn, kéo cắt, kèm kẹp phôi, máy mài đá... Đây là cơ hội cho các tổ hợp tác cơ khí nông cụ mở rộng quy mô sản xuất và sửa chữa các nông cụ cầm tay ở địa phương, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

TRUNG LỘ

TRUNG LỘ