Bánh kẹo Việt vẫn chiếm ưu thế
Dù thông tin bánh kẹo ngoại nhập từ các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc đang được ưa chuộng nhưng thực tế, trên kệ siêu thị, quầy tạp hóa bánh kẹo Việt Nam vẫn chiếm ưu thế…
Bánh kẹo sản xuất trong nước vẫn được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.Ảnh: THỤC ANH |
Chiếm ưu thế
Qua khảo sát tại một số cửa hàng tạp hóa, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho thấy, bánh kẹo do các công ty trong nước sản xuất vẫn chiếm ưu thế. Bà Nguyễn Thị Trang - chủ cửa hàng “mini mart” trên đường Trưng Nữ Vương (TP.Tam Kỳ) cho biết, cửa hàng của bà bán đa dạng các loại bánh kẹo, trong nước và ngoại nhập. Tuy nhiên, bánh kẹo trong nước vẫn hút hàng hơn. Theo những chủ cửa hàng bán tạp hóa nhận xét, nói bánh kẹo Việt đang chịu áp lực cạnh tranh của bánh kẹo nước ngoài là không đúng. Bởi hiện nay, bánh kẹo trong nước không những đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, được chia làm ba phân khúc: hàng cao cấp, hàng trung bình và giá rẻ. Bên cạnh việc phong phú và đa dạng về mùi vị, màu sắc, hình thức bao bì của các hãng, nhãn hàng bánh kẹo cũng khá đẹp mắt. Những thương hiệu bánh kẹo lớn đang được người tiêu dùng chọn mua nhiều hiện nay là: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên, Hữu Nghị, Vinamit…
Chị Trần Thị Thảo Ly (nhân viên chi nhánh Viettel Quảng Nam) cho biết: “Nói gì thì nói, bánh kẹo Việt Nam vẫn có hương vị gần gũi và trẻ con vẫn thích hơn so với kẹo ngoại nhập phần lớn có nhiều sôcôla”. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Ngoan - chủ cửa hàng bánh kẹo, tạp hóa Ngoan gần Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, cho rằng: “Cửa hàng tôi chuyên phục vụ cho đối tượng là công nhân trong khu công nghiệp. Bánh kẹo bán khá chạy, tôi hầu như bán bánh kẹo sản xuất trong nước là chính. Bibica, Kinh Đô chiếm 80%, 20% còn lại là các thương hiệu bánh kẹo khác”. Theo bà Ngoan, trước đây, bà cũng bán một số loại bánh kẹo được cân theo ký, lấy của bạn hàng nên không biết nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đối tượng khách hàng của bà cũng đã thay đổi ý thức tiêu dùng, chú ý đến nhãn hàng, thời hạn sử dụng, nơi sản xuất nên bà Ngoan gần như tập trung vào các loại bánh kẹo có thương hiệu nhưng giá cả bình dân.
Khó thâu tóm
Được biết, hiện nay ở Việt Nam có 30 doanh nghiệp sản xuất có quy mô, 1.000 cơ sở sản xuất và một số công ty nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa. Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thì ưu thế về giá cả, chất lượng, minh bạch về thông tin nguồn gốc là những yếu tố giúp bánh kẹo nội đang chiếm ưu thế trong việc nắm giữ thị phần tại thị trường trong nước. “Trang thiết bị sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam đã được đầu tư mạnh, cải tiến theo hướng hiện đại, khép kín. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối được đẩy mạnh đầu tư giúp các doanh nghiệp trong nước phủ sóng sản phẩm của mình. Theo báo cáo mới nhất của công ty khảo sát thị trường Business Monitor International (BMI), trong quý 2.2014, tăng trưởng của ngành bánh kẹo là 9,95%, thấp hơn so với mức 11,44% năm 2012 và 22,2% của năm 2011. Tuy nhiên, thị trường bánh kẹo Việt Nam vẫn đang được đánh giá là hấp dẫn hơn khi so với mức tăng trưởng trung bình 3% của khu vực Đông Nam Á và 1,5% của thế giới”.
Đó là chưa kể, một lượng bánh kẹo sản xuất thủ công có thương hiệu đang được khá nhiều đối tượng khách hàng ưa chuộng. Không kể đâu xa, thương hiệu bánh kẹo Thái Bình (Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) hay bánh đậu xanh Hội An… đang rất được lòng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Theo ý kiến chúng tôi thu thập được, tất cả những người quen, bạn bè khi sử dụng bánh kẹo truyền thống Thái Bình, bánh đậu xanh Hội An đều không ngớt lời khen ngợi. Theo chị Tôn Nữ Hoàng Hạnh, chủ một gian hàng lưu niệm trong sân bay quốc tế Đà Nẵng, chính chị khá bất ngờ khi lần đầu tiên đưa bánh kẹo thương hiệu Thái Bình vào phục vụ tại cửa hàng. Số lượng bán mỗi ngày khá nhiều và nhanh, chủ yếu làm quà đi nước ngoài. Ngoài ra, cứ đến kỳ trung thu, lượng bánh trung thu phục vụ mùa cao điểm đều đi ra từ các thương hiệu Việt lớn như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… Tại Quảng Nam là các thương hiệu truyền thống Thái Bình, Quang Phát… Thế nên với thị phần đã ổn định và tiềm năng, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cần giữ uy tín và nâng cao chất lượng để không dễ dàng bị thâu tóm bởi các đại gia bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài.
CHIÊU THỤC ANH