Hàng thủ công mỹ nghệ Hội An: Thiếu kiểm tra, sa sút chất lượng

ĐỖ HUẤN 11/09/2014 12:54

Hầu hết hàng thủ công mỹ nghệ ở Hội An đều được sản xuất tại chỗ. Do thiếu quản lý kiểm tra, mặt hàng này có biểu hiện sa sút về chất lượng khiến nhiều khách du lịch không hài lòng.

Du khách xem thao tác làm lồng đèn trước khi chọn mua sản phẩm.Ảnh: D.H
Du khách xem thao tác làm lồng đèn trước khi chọn mua sản phẩm.Ảnh: D.H

Trong nửa đầu năm 2014, giá trị sản xuất của khối kinh tế Hội An đạt hơn 101 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), chiếm 92,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho biết: “Công nghiệp ở Hội An không có gì lớn mà chủ yếu là dệt - da - may, phụ thuộc vào du lịch rất nhiều và chiếm 40% tỷ trọng của cả ngành và xây dựng. Bởi vậy, nếu du lịch thất bát thì ngành này cũng thất bát theo. Hàng của các ngành nghề này xuất khẩu ra nước ngoài thì ít mà xuất khẩu tại chỗ rất lớn. Chúng tôi thấy giá trị và lợi nhuận đem lại rất cao vì chi phí ít hơn”.

Toàn thành phố hiện có hơn 400 hộ bán vải kèm theo dịch vụ “may nóng”, hơn 460 hộ bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, túi xách, đèn lồng và đồ lưu niệm. Các shop này đảm nhận việc cung ứng các mặt hàng lưu niệm cho du khách khi đến tham quan và mua sắm tại di sản phố cổ. Hàng mỹ nghệ tập trung chủ yếu ở các tuyến đường chính trong phố như: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi và khu vực lân cận với mật độ dày đặc.  

Hàng may mặc, đèn lồng, giày da, túi xách ở Hội An là các mặt hàng tinh xảo và đẹp mắt, được rất nhiều du khách ưa thích, từng làm nên thương hiệu mua sắm trong nhiều năm qua. Thế nhưng do lơ là quản lý, thiếu kiểm tra nên gần đây đã xảy ra tình trạng làm ăn cẩu thả, gian dối, không đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT thành phố phản ánh: “Thông tin chúng tôi nắm được có nhiều bất cập. Ví dụ lồng đèn bị suy giảm chất lượng do vải dỏm, tre bị mọt, dễ gãy. May mặc nhanh - một sản phẩm nổi tiếng của Hội An cũng bị than phiền vì bị lỗi đường chỉ may, cắt... Rồi hàng da cũng xuất hiện nhiều vấn đề đáng quan ngại do kiểu làm nhanh lấy liền. Để đóng một đôi giày đúng quy định thì tích cực lắm cũng phải mất một ngày, từ công đo, cắt da đến làm đế, dán keo... Còn bây giờ, tối đa là 2 giờ đồng hồ nên chất lượng không đảm bảo, bị nhiều du khách phản ánh là làm ăn dối trá”.

Đã có không ít trường hợp du khách cãi vã với chủ shop, chủ hiệu sản xuất về cách làm theo kiểu “nói một đường làm một nẻo” hoặc khiếu kiện với ngành chức năng về chất lượng sản phẩm không đảm bảo, khiến họ “tiền mất tật mang”. Theo nhận định của lãnh đạo thành phố, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng, gặp khó khăn về đầu ra, sản lượng và giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh thì các nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống với các mặt hàng xuất khẩu tại chỗ tuy đã có cải tiến về hình thức, mẫu mã nhưng sức cạnh tranh còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch của địa phương. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói: “Làm xuất khẩu tại chỗ là tốt. Nhưng chính điều này dẫn đến tư tưởng chủ quan, thỏa mãn. Một lô hàng xuất đi nước ngoài phải được kiểm định kỹ càng, không đảm bảo xem như mất trắng. Còn xuất khẩu tại chỗ ở Hội An thời gian qua không qua kiểm định đã tạo ra tâm lý, tư tưởng “ăn xổi ở thì”, làm ẩu”. Ông Sự chỉ rõ nguyên nhân: “Muốn tạo ra thị trường trong nước, xuất khẩu tại chỗ thì chất lượng phải tốt. Mình chưa làm được điều này, chỉ mới hô khẩu hiệu, chỉ mới xử lý được vài ba “ông” mà mình biết được do khách phản ánh thôi. Như vậy, việc quản lý và kiểm soát của chúng ta có vấn đề!”.

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN