Sản xuất bánh tráng lề bằng công nghệ mới
Từ khi áp dụng công nghệ làm bánh tráng lề với lò sấy mới nhờ tài trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), Tổ hợp tác Hương Huệ (Bình Trị, Thăng Bình) đã có năng suất hoạt động cao hơn.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản (JICA) tham quan máy sấy bánh tráng. Ảnh: L.Đ.H.M |
Đây là mô hình thứ hai sau huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) lắp đặt hệ thống máy sấy cho việc sản xuất bánh tráng lề, nằm trong hợp phần của dự án “Phát triển kinh tế địa phương nhờ sự phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ lấy trọng tâm và trạm dừng nghỉ đường bộ Bình An”. Theo bà Đặng Thị Hương - chủ Tổ hợp tác Hương Huệ, trước đây khi chưa có máy sấy, bánh chỉ được làm trong mùa nắng nhưng hàng lại không bán đủ, từ khi có máy rồi thì cả mùa mưa lẫn nắng đều sản xuất liên tục, thời điểm cận tết, hàng sản xuất lại càng nhiều. “Trung bình mỗi ngày cơ sở chúng tôi sản xuất 500kg trở lên, mùa nắng bánh làm ra rất tốt nhưng tiêu thụ chậm, nhưng mùa này làm không ra mà tiêu thụ rất mạnh, ngày có thể bán cả tấn cũng được” - Bà Hương cho biết. Hiện nay Tổ hợp tác này đã mở thêm cơ sở 2 ở tỉnh Bình Thuận, mỗi ngày cơ sở tại Bình Thuận chuyển thêm về Quảng Nam 200kg nữa để tiêu thụ trong dịp tết. Ông Mineyoshi Ueki (đại điện tổ chức JICA) nhận xét: “Bên Nhật đã nhận được báo cáo đầy đủ phía Việt Nam các thiết bị sấy đã được đầu tư lắp đặt đầy đủ và năng suất tăng lên gấp bội, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến công trình tại đây chúng tôi rất ngạc nhiên, điều này đã khích lệ rất lớn đối với đơn vị tài trợ và bà con nhân dân địa phương có được thiết bị công nghệ cao để sản xuất lâu dài”.
Ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Quảng Nam, Phó ban Thường trực Ban quản lý dự án cho hay, dự án được triển khai trong 3 năm (2013-2016) và là dự án đầu tiên mà Nhật Bản thực hiện tại Quảng Nam. Trong năm đầu đã hoàn thiện nhà máy bánh tráng lề của Bình Trị, máy sấy nông sản tại Bình Sa, khai trương cửa hàng bán rau sạch của Hợp tác xã Mỹ Hưng (Bình Triều) và hình thành góc văn hóa quảng bá giới thiệu văn hóa du lịch tại “cửa hàng nông dân” bên trong Trạm dừng nghỉ Bình An (Thăng Bình) và hỗ trợ thiết bị sản xuất hương trầm tại Tiên Phước. Năm 2014, các chuyên gia Nhật Bản sẽ tổ chức cho bà con nông dân trong tỉnh khảo sát thực tế học tập mô hình “nhất thôn nhất phẩm tại Thái Lan”. Riêng công nghệ sấy bánh tráng lề là hợp phần khá thành công được các chuyên gia của tổ chức tài trợ đánh giá khá cao, bởi lẽ bánh tráng lề là một mặt hàng có sức hút trên thị trường. “Rõ ràng, việc kết hợp công nghệ sấy bánh tráng tiến bộ hơn bên cạnh các kỹ thuật truyền thống đã giúp người dân tăng năng suất lao động, lợi nhuận sản phẩm cao hơn và giải quyết được bài toán lao động của địa phương” - Ông Sinh nói.
LỮ ĐINH HÀ MY