Phát triển homestay ở Hội An: Chưa thực sự bền vững
Sau khi UBND TP.Hội An ban hành kế hoạch điều chỉnh định hướng và đề án phát triển, loại hình lưu trú cùng dân (homestay) ở Hội An phát triển nhanh chóng nhưng thực tế cho thấy còn mang tính tự phát, chưa thực sự bền vững.
Năm 2013, sau khi ban hành Kế hoạch điều chỉnh định hướng phát triển cơ sở lưu trú và đề án Phát triển lưu trú trong dân trên địa bàn thành phố đến năm 2015, UBND TP.Hội An đã tiếp nhận và thống nhất cho phép 119 cơ sở homestay có đủ điều kiện đi vào hoạt động cùng với 14 khách sạn và 38 biệt thự du lịch khác. Điều đó cho thấy, bên cạnh những khách sạn đạt chuẩn, xếp hạng sao, biệt thự du lịch có số vốn đầu tư hàng tỷ đồng thì lãnh đạo thành phố đã tạo điều kiện để người dân hưởng lợi trực tiếp từ du lịch thông qua việc cho phép mô hình lưu trú cùng dân bằng cách cải thiện và đưa vào sử dụng chính ngôi nhà của mình, khai thác cơ sở vật chất, tiện nghi có sẵn. Sự gia tăng đáng kể số lượng homestay cũng phản ánh chủ trương của lãnh đạo thành phố là đúng đắn, góp phần khai phóng mạnh mẽ nguồn lực trong dân. Ông Lương Sơn – Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu cho biết, người dân địa phương rất phấn khởi khi đón nhận chủ trương này của thành phố và chỉ trong một thời gian ngắn đã đầu tư vốn cải tạo, nâng cấp ngôi nhà của mình để nhanh chóng đăng ký và được cấp phép đi vào hoạt động, kịp đón những vị khách trong mùa du lịch cuối năm. Cẩm Châu đã có 35 cơ sở đủ điều kiện cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, số cơ sở homestay mới mở ở Hội An cũng chỉ tập trung chủ yếu ở Cẩm Châu, Tân An (16 cơ sở), Cẩm Phô (12 cơ sở), Sơn Phong (11 cơ sở), còn ở các địa phương khác như Cẩm Hà, Thanh Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh vẫn còn quá ít, chỉ vài ba cơ sở, có nơi hoàn toàn vắng bóng. Trong khi đó, đề án của thành phố đến năm 2015 xác định: “Ưu tiên phát triển mô hình lưu trú homestay ở các khu vực vùng ven đô thị, vùng nông thôn, kiệt, hẻm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương”. Cũng theo định hướng phát triển, homestay ở Hội An, ngoài chức năng lưu trú đảm bảo các tiêu chuẩn (theo quy định TCVN 7800:2009), trong những năm tới phải nâng tầm thành sản phẩm du lịch văn hóa. “Hồn” của sản phẩm này chính là sức hút văn hóa thẩm thấu qua cuộc sống thường nhật của người dân. Khách du lịch chọn loại hình homestay là bởi họ muốn được khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa truyền thống của cư dân bản địa qua hình thức cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và làm việc... Thế nhưng, hiện nay mô hình homestay của người dân ở các địa phương khá đơn điệu, thiếu sinh động. Các hộ chưa chủ động, thiếu tổ chức thường xuyên các chương trình sinh hoạt, giao lưu với du khách, dịch vụ còn hạn chế, chủ yếu là phục vụ lưu trú.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế có không ít cơ sở homestay ở Hội An mới mở, nhìn rất đẹp, rất tiện nghi, kiến trúc phù hợp với cảnh quan xung quanh, nằm ở vị thế khá thuận lợi nhưng không đón được khách hoặc có cũng rất ít vì chủ hộ chỉ coi đó là cơ sở lưu trú chứ không nghĩ đến việc tổ chức hoạt động để du khách cùng tham gia, thậm chí có cơ sở chủ nhà đi ở nơi khác, khóa cửa im ỉm chờ có khách đến thuê mới mở”.
Lưu trú homestay là một trong những yếu tố chính để phát triển du lịch cộng đồng ở Hội An hiện nay. Thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần kịp thời soát xét và đánh giá cụ thể để phát triển loại hình lưu trú này thực sự bền vững, đúng định hướng, tạo thành sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa ở vùng đất di sản Hội An.
ĐỖ HUẤN