Xúc tiến đầu tư, thương mại: Nhiều cơ hội, ít sản phẩm
Những diễn đàn, hội nghị đầu tư, hội chợ mở liên vùng quốc nội hay quốc ngoại mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Nhưng kết quả thu hút đầu tư hay chào bán được “hàng” vẫn còn quá ít so với nhu cầu của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) Quảng Nam.
Sản phẩm mỹ nghệ và nông sản quế, trầm, hồi Quảng Nam được xem là niềm hy vọng của Quảng Nam trong việc xây dựng thương hiệu riêng của vùng miền. |
Cơ hội hợp tác
Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc Quảng Nam được các đối tác biết đến khá nhiều sau một hợp tác kinh doanh đã được ký kết với Công ty CP Sản xuất & kinh doanh Mộc Phú (TP.Hồ Chí Minh). Sao Mộc Quảng Nam lo nguồn nguyên liệu, thành phẩm từ gỗ keo lá tràm và Mộc Phú thiết kế, tiêu thụ sản phẩm. Công ty TNHH Quế Quảng Nam cũng đã nhận được đơn hàng sản phẩm mỹ nghệ quế Trà My từ Công ty TNHH Đông and Kê tại quận 12 (TP.Hồ Chí Minh). Số lượng lớn bộ tách trà, lọ đựng tăm từ quế Quảng Nam đã có thể gia nhập vào “gia đình” xuất khẩu Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn. Ngoài 2 công ty “may mắn” ấy, một số công ty sản xuất đồ gỗ Quảng Nam cũng đã được Công ty Kishwood Industry và TNHH Mky Sankyo tại Fuehou - Shi (Tokyo, Nhật Bản) đặt hàng cung cấp mẫu sản phẩm cửa gỗ, nội thất các loại để phục vụ dự án của hai công ty này. Một doanh nghiệp khác là TNHH Hương Trầm cũng tìm được đường “vượt biên giới”, kinh doanh rất hiệu quả tại thị trường Trung Quốc sau khi mở một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm “đặc hiệu” Quảng Nam tại Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Theo các DN, cơ hội sáng sủa này mở ra từ nỗ lực kiên trì chào hàng tại các hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ Lifestyle tại TP.Hồ Chí Minh, hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh (Trung Quốc) và hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2013.
Không có một thống kê cụ thể, nhưng số lượng hội chợ được mở tại các vùng kinh tế Việt Nam hay ASEAN mỗi năm càng nhiều hơn. Ông Võ Văn Hùng - Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư & hỗ trợ DN Quảng Nam cho biết, thông qua các hội chợ này, nhiều DN đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh và ký kết hợp đồng xuất khẩu. Không còn mang tâm thế “trải thảm đỏ”, chờ nhà đầu tư tới, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh đã “dọn sẵn món” cho nhà đầu tư bằng những dự án cơ hội cụ thể và chủ động “săn nhà đầu tư” tại các diễn đàn, hội nghị đầu tư liên vùng hay quốc ngoại được mở trong một vài năm gần đây. Thành công nhất phải kể đến là 10 dự án trọng điểm được đem ra giới thiệu tại diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung hồi cuối tháng 3.2013 và 16 dự án tăng trưởng xanh được giới thiệu đến các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế hồi tháng 6.2013 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới thương nhân. Một giấy phép đầu tư mở rộng quốc lộ 1 cho Cienco 5, một thỏa thuận hợp tác đầu tư với Tập đoàn Dệt may Việt Nam hay 6 biên bản ghi nhớ thư quan tâm của tổ chức quốc tế… sẽ là động lực quan trọng đối với các cơ hội phát triển cho Quảng Nam.
Chào hàng, bán được tới đâu?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã từng tuyên bố tại các diễn đàn, hội nghị đầu tư rằng kế hoạch hoạch định cho tương lai Quảng Nam đang được đặt ra theo một lộ trình nghiêm ngặt là hình thành các cơ hội đầu tư cụ thể và huy động nguồn lực hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sống người dân. Cam kết ấy thể hiện chính quyền quyết tâm theo đuổi tăng trưởng xanh. Vì thế, dù để thực hiện các cơ hội đầu tư này vẫn là chuyện đầy khó khăn khi các nguồn lực đầu tư đều khan hiếm vẫn cho thấy đó là lựa chọn dứt khoát, hướng về chất lượng hơn là số lượng dự án đầu tư.
Có thể dễ dàng hiểu được kết quả thu hút đầu tư hiện tại còn hạn chế dù đã có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội, bởi những dự án lớn cần nhiều thời gian để các nhà đầu tư nghiên cứu và toan tính trước khi quyết định làm ăn lâu dài thì những hội chợ mở ra tại địa phương lại không mấy làm “hài lòng” cho cả DN và cơ quan quản lý. Kể từ lễ hội Hành trình di sản Quảng Nam được mở từ năm 2003, không biết bao nhiêu hội chợ mở theo và những phiên chợ tết, phiên chợ hàng Việt về nông thôn hàng năm vẫn chưa thể hiện được “vóc dáng” của hàng Quảng Nam. Tại những phiên chợ ấy, có những hội trình diễn nghề truyền thống thì quanh đi quẩn lại cũng vẫn là mộc Kim Bồng, chiêng Phước Kiều, lồng đèn Hội An và một ít “thương hiệu” vừa chớm nở như mỹ nghệ Âu Lạc, quế Trà My, Tiên Phước… Không thể phủ nhận một điều là nhờ vào những cuộc “trình diễn” ấy, hàng mỹ nghệ Quảng Nam, thậm chí thổ cẩm Cơ Tu cũng đã được các tổ chức quốc tế chọn để giúp thiết kế mẫu mã, bao bì để trở thành sản phẩm đặc trưng du lịch, nhưng để tiếp cận đến người tiêu dùng vẫn đang ở từng bước nhỏ trên hành trình vạn dặm. Nhiều người như có cảm giác sản phẩm Quảng Nam tham dự hội chợ chỉ để mua vui, khi rất nhiều hàng hóa “không xuất xứ” hay chất lượng “thường thường bậc trung”, không thể cạnh tranh ở thị trường đâu đó lại “dạt” về hội chợ Quảng Nam. Đỏ mắt, người tiêu dùng cũng khó tìm thấy nhiều sản phẩm Quảng Nam đóng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông Thiều Việt Dũng - Trưởng phòng Xúc tiến thương mại (Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh) cho biết đã có nhiều đối tác lớn xúc tiến đặt hàng cho DN Quảng Nam sản xuất, nhưng khả năng tài chính, thương hiệu yếu, thiếu định hướng kinh doanh nên cơ hội quay lưng với nhiều DN.
Năm 2015, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, thị trường gần như mở toang cửa, nhưng chưa chắc DN Quảng Nam nhập cuộc được một khi thị trường mới với những khác biệt về văn hóa tiêu dùng không chấp nhận những sản phẩm thiếu đầu tư. Có thể tự hào được không trên vùng đất đã từng nổi tiếng với những thương hội, nhà buôn lớn và sản phẩm đặc hiệu từng được thương nhân nước ngoài ưa chuộng khi giờ vắng bóng trên thị trường và không có một thương hiệu, nhãn hiệu nào của Quảng Nam đứng trong danh sách những thương hiệu lớn của quốc gia hay vươn tầm thế giới?
TÙY PHONG