Sản phẩm lưu niệm du lịch Quảng Nam: Hướng đến thương hiệu chung

VĨNH LỘC 31/10/2013 08:40

Định hình thương hiệu sản phẩm lưu niệm du lịch nhằm hỗ trợ quảng bá các sản phẩm làng nghề, tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế người dân, giúp du khách có những trải nghiệm mới là bước đi đầy hứa hẹn của ngành du lịch Quảng Nam trong thời gian đến.

Các sản phẩm lưu niệm được bày bán ở Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các sản phẩm lưu niệm được bày bán ở Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thiếu sản phẩm

Ngoài những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm tính địa phương như đèn lồng Hội An, gốm Thanh Hà, thổ cẩm Zara..., du lịch Quảng Nam nhiều năm qua vẫn đối diện với sự nghèo nàn và đơn điệu của các sản phẩm lưu niệm. Du khách đến Quảng Nam rất khó chọn được sản phẩm đại diện cho hình ảnh Quảng Nam để mang về làm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp chỉ muốn tận dụng cơ hội thu lợi nhuận mà chưa nghĩ đến việc tạo dựng thương hiệu của riêng mình để làm lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo ông Trần Hưng Nghĩa - Trưởng ban Quản trị Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên), với sự nhập nhằng nhãn hiệu như hiện nay, rất khó để sản phẩm làng nghề cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập do sự chênh lệch giá. “Nếu khăn lụa Mã Châu bán tại làng có giá vài trăm nghìn đồng thì khăn quàng cổ Trung Quốc tại Hội An giá chỉ vài chục nghìn đồng. Du khách nếu thắc mắc sẽ được trả lời lấp lửng là tơ lụa Quảng Nam” - ông Nghĩa nói.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, bước đi tiếp theo sau hội thảo là sẽ hình thành Ban Quản lý thương hiệu với sự tham gia của Sở VH-TT&DL, Sở Công Thương, các nhà sản xuất… để cụ thể hóa việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng thời giúp xây dựng  chiến lược quảng bá sản phẩm làng nghề đến với du khách. “Các sản phẩm lưu niệm đảm bảo tiêu chí phải nộp đơn xin xây dựng thương hiệu. Ban Quản lý thương hiệu sẽ kiểm định, gắn dấu logo thương hiệu như là cách bảo hộ chắc chắn cho sản phẩm mang thương hiệu Trái tim Việt Nam” - ông Cường nói.

Tại Hội An, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gỗ mộc, túi xách, gốm men… có nguồn gốc từ bên ngoài hiện diện tràn lan, khiến du khách không thể phân biệt được đâu là sản phẩm địa phương, đâu là ngoại nhập, do không có nhãn hiệu, logo xác định. “Chỉ có đèn lồng là chưa bị hàng bên ngoài lấn át” -  ông Đỗ Đình Phô - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An nói. Theo ông Phô, hiện nay Hội An đã đăng ký nhãn hiệu cho 5 sản phẩm làng nghề gồm: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tre dừa Cẩm Thanh, lồng đèn Hội An và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. “Đăng ký nhãn hiệu cũng chỉ nhằm mục đích tránh bị làm nhái, làm giả, còn xây dựng thương hiệu như một sản phẩm du lịch thì hơi khó vì đâu phải ai cũng muốn tham gia, mà chất lượng thì mỗi hộ một khác” - ông Phô cho biết.

Xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm du lịch không chỉ giúp ngành du lịch được hưởng lợi mà còn tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân làng nghề, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, đến nay ngành vẫn chưa thể lập danh mục sản phẩm quà tặng du lịch đối với các sản phẩm làng nghề truyền thống. Việc tạo ra một sản phẩm lưu niệm không chỉ đơn thuần mang tính thương mại mà còn chuyển tải được những giá trị văn hóa đại diện cho một cộng đồng hoặc một nghề truyền thống vì vậy cần được làm bài bản trong thời gian tới.

Xây dựng thương hiệu chung

Hội thảo “Xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam”, do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Sở VH-TT&DL và Văn phòng ILO tại Quảng Nam vừa phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đa số ý kiến đều thống nhất sự cần thiết phải xây dựng một thương hiệu chung cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam trong thời gian đến. Bà Phạm Thị Thanh Hường - Đại diện Văn phòng UNESCO cho rằng, xây dựng thương hiệu chung về sản phẩm lưu niệm sẽ giúp tạo lập một điểm đến du lịch chất lượng cao với sự độc đáo của các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm dựa trên những ưu thế nổi bật của các giá trị văn hóa. Điều này còn tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn, làm giàu thêm các tài nguyên văn hóa, xã hội và môi trường…

Quảng Nam đang hướng đến xây dựng một thương hiệu  chung cho các sản lưu niệm.Ảnh: V.LỘC
Quảng Nam đang hướng đến xây dựng một thương hiệu chung cho các sản lưu niệm.Ảnh: V.LỘC

Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Quảng Nam có 5 lợi thế để xây dựng một thương hiệu chung, gồm: con người, lịch sử, truyền thống, môi trường, thương mại. Các yếu tố văn hóa, lịch sử, làng nghề, danh thắng… sẽ là tài sản nổi bật giúp xây dựng một thương hiệu chung về sản phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, do sở hữu quá nhiều tiềm năng, nhiều giá trị văn hóa cùng nhiều biểu tượng và logo khác nhau nên dễ khiến khách hàng cảm thấy bối rối và làm lu mờ đi những thông điệp muốn nói. “Chúng ta cần có một thương hiệu chung thống nhất đại diện cho sản phẩm địa phương để mang lại niềm tự hào và phân biệt với các sản phẩm bên ngoài” - bà Hường góp ý. Bà Hường đề xuất, thương hiệu chung đó sẽ có tên là “Trái tim Việt Nam”; đây là hình tượng hóa hình ảnh của tỉnh Quảng Nam trên bản đồ đồng thời mang ý nghĩa của vùng đất miền Trung nằm ở giữa “trái tim của Việt Nam”.

Dù việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chung mới chỉ là ý tưởng ban đầu nhưng đã nhận được sự quan tâm của các cơ sở, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Chị Alăng Thị Hôn, thôn Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, Đông Giang (một trong 3 làng của tỉnh được ILO chọn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng) không giấu được vui mừng và hy vọng về viễn cảnh sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Cơ Tu thôn mình sẽ có một thương hiệu. Còn theo ông Trần Hưng Nghĩa, khi thương hiệu sản phẩm chung hình thành, Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu sẽ đăng ký gắn logo để khẳng định thương hiệu sản phẩm của riêng mình.

Việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm lưu niệm sẽ củng cố vị thế và tính chân thực của hàng thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống xứ Quảng, tránh lẫn lộn với sản phẩm ngoại nhập. Đồng thời là một trong những cách tốt nhất để vực dậy làng nghề phát triển, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC