Đầu tư du lịch tại Hội An: Tín hiệu mới

QUỐC HẢI 16/10/2013 13:28

Thời gian gần đây làn sóng đầu tư mới vào du lịch tại Hội An đang tiếp diễn với nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng rất cần một cơ chế thoáng để tạo đà.

Du lịch biển đảo đang thu hút làn sóng đầu tư mới.
Du lịch biển đảo đang thu hút làn sóng đầu tư mới.

Phát triển du lịch cộng đồng

Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, TP.Hội An đã cấp phép cho 81 dự án phát triển mạng lưới dịch vụ lưu trú, trong đó có 10 khách sạn và 71 cơ sở lưu trú homestay. Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An cho biết: “Hiện có thêm 39 cơ sở lưu trú homestay và 19 biệt thự du lịch mới cấp phép đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là kết quả bước đầu của việc triển khai định hướng điều chỉnh phát triển mạnh du lịch cộng đồng tại địa phương”.

Trên thực tế, lượng khách đến tham quan Hội An chỉ trong 9 tháng qua đã xấp xỉ lượng khách cả năm 2012. Điều này cho thấy sức hút du lịch của địa phương ngày càng mạnh mẽ và những chủ trương, biện pháp đầu tư, quản lý về du lịch đã tạo đòn bẩy để du lịch phát triển một cách vượt bậc. Là nhà đầu tư và khai thác trên lĩnh vực lữ hành, ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - du lịch Hoa Hồng nhận định: “Năm nay, thành phố có chủ trương quy hoạch, định hướng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay. Đây là định hướng tốt, phù hợp với Hội An, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cả người dân trực tiếp đầu tư, hưởng lợi”.

Việc khởi động lại công tác quản lý và khai thác, sử dụng các bãi tắm biển; cảng du lịch Cửa Đại đưa vào hoạt động ổn định và nhất là chủ trương, định hướng phát triển du lịch Cù Lao Chàm của thành phố đã tác động mạnh mẽ đến môi trường đầu tư tại đây. Du khách đến tham quan Cù Lao Chàm tăng đột biến với trên 165 nghìn lượt trong 9 tháng qua, tăng trên 60 nghìn lượt so với cả năm 2012; bình quân mỗi ngày Cù Lao Chàm đón đến 2.500 lượt khách. Tại đây đã có khá nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái biển đảo. Chỉ thống kê sơ bộ số lượng các doanh nghiệp hoạt động lữ hành tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm sẽ thấy tốc độ đầu tư phát triển ở đây là khá nhanh, thậm chí là bùng phát. Cuối năm 2012, chỉ có 7 đơn vị, đến nay đã có 40 công ty lữ hành, trên 15 đơn vị phục vụ dịch vụ ăn uống và trên 50 cơ sở lưu trú theo mô hình homestay. “Đầu tư tại Cù Lao Chàm rất khả quan, tương lai, sự đóng góp từ du lịch Cù Lao Chàm là khá lớn đối với thành phố” - ông Trần Hưng, Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội, doanh nghiệp trực tiếp khai thác dịch vụ tại Cù Lao Chàm nói.

Cần cơ chế phù hợp

Tại phường Cửa Đại, với 3km chiều dài bãi biển, hiện có 6 dự án hạ tầng du lịch đã hoạt động và đang xây dựng với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu USD. Chỉ mới đưa vào hoạt động, Khu du lịch 5 sao Sunrise Hội An Beach Resort nằm trên đường Âu Cơ - biển Cửa Đại với 222 phòng nghỉ và biệt thự hướng ra phía biển do kiến trúc sư nổi tiếng người Anh David Hobkinson of NOOR thiết kế đã tạo ấn tượng mạnh với chất lượng dịch vụ và chăm lo nguồn nhân lực. Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Liên đoàn Hội An cho biết: “Hơn một năm qua, Sunrise đã tạo việc làm cho 313 lao động. Lương khá cao so với mặt bằng chung là điều đáng quan tâm nhất”.

Nhiều dự án du lịch cộng đồng được đầu tư. Ảnh: Q.HẢI
Nhiều dự án du lịch cộng đồng được đầu tư. Ảnh: Q.HẢI

Thực tế, không loại trừ một số dự án đầu tư hạ tầng du lịch nằm trong trường hợp “mua đi bán lại”, hay đã “treo” quá lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư chuyên ngành, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy, bức tranh du lịch của Hội An nói chung đang có những mảng màu sáng bởi làn sóng đầu tư mới, phù hợp với thực tế và mang tính cộng đồng cao. Tuy vậy, theo ông Trần Hưng: “Các ngân hàng cần đối xử công bằng trong việc giải ngân cho các dự án của khối doanh nghiệp trực tiếp khai thác du lịch tại Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, lượng khách đến Hội An ngày càng đông nhưng năng lực lưu trú tại Hội An chưa đảm bảo, dịch vụ vui chơi giải trí quá thiếu. Khách ra Đà Nẵng hết!”.

Theo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của UBND thành phố, dù công tác huy động vốn thời gian qua còn khó khăn, có sự cạnh tranh đầu vào giữa các ngân hàng thương mại, song nhìn chung, hoạt động của các ngân hàng tại Hội An vẫn giữ được ổn định, phương pháp phục vụ cải tiến đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, trong đó có đầu tư phát triển du lịch. Ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc Ngân hàng Công thương Hội An cho biết, hiện nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển “đang thừa”: “Tại Hội An, tôi đang thấy làn sóng mới về đầu tư du lịch. Mong tỉnh và thành phố tiếp tục có thêm chủ trương, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”. Cùng nhận định này, tuy nhiên ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Có tín hiệu mới trong đầu tư du lịch tại Hội An nhưng chưa thật sự khởi sắc do còn nhiều vướng mắc”.

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI