Cơ sở trượt patin ế khách
Rộ lên một thời gian ngắn, các sân trượt patin đã dần thưa vắng khách… Nhiều sân được đầu tư bài bản với nguồn đầu tư lớn cũng đã lần lượt đóng cửa vì thua lỗ.
|
Sân trượt patin đã được người dân tận dụng phơi nông sản. Ảnh: H.A |
Cơ sở trượt patin của chị Lê Thị Oanh (khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) mấy tháng gần đây không có khách. Chị Oanh nói: “Ban đầu thấy người ta đầu tư sân patin đông khách, tôi cũng kinh doanh, tích cóp, vay mượn 300 triệu đồng làm sân, mua giày trượt, mua trang thiết bị bảo hộ đầy đủ. Nhưng chỉ sau 1 tháng khai trương là đóng cửa miết tới giờ. Sân bỏ không, lâu lâu cho mấy đứa trẻ trong xóm đá banh cho vui thôi”. Gia đình anh Nguyễn Nho Phong (Nhị Dinh 3, Điện Phước, Điện Bàn) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng với tiền sổ tiết kiệm, đầu tư hơn 250 triệu đồng cho sân patin. Ban đầu kinh doanh rất tốt, nhiều bạn trẻ hào hứng tới đây nhưng sau chừng 2 tháng, số lượng khách giảm dần rồi chẳng thấy khách nào. Tiền thu lại chẳng được bao, coi như lỗ to rồi” - anh Phong kể.
Bộ VH-TT&DL có Thông tư 16/2012/BVH-TT-DL hướng dẫn, quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động kinh doanh patin. Thông tư quy định rõ về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, nhân viên chuyên môn. Các cơ sở hoạt động phải có giấy phép kinh doanh, phải có diện tích từ 300m2 trở lên, mật độ tập luyện tối thiểu là 5m2/người… |
Patin là môn thể thao giải trí tương đối mạo hiểm nhưng lại rất thu hút giới trẻ, nhất là các em thiếu niên. Điểm hấp dẫn của patin có lẽ nằm ở tính “mạo hiểm”. Phong trào patin ban đầu khá sôi động, nhiều phụ huynh cũng đồng ý cho con tham gia sân chơi này. Anh Phan Nam (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) chia sẻ: “Khi chơi patin, cháu và các bạn tránh được những cám dỗ của gameonline. Các sân chơi đầu tư đúng chuẩn, các cháu có người hướng dẫn kỹ thuật an toàn thì cũng là một môn thể thao lành mạnh và bổ ích, tôi đồng ý cho con trẻ tham gia, có thể rèn luyện sức khỏe, tạo môi trường vui chơi, hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa”. Trong khi đó, không ít phụ huynh phản ứng gay gắt vì cho rằng chơi patin rất nguy hiểm. Theo chị Nguyễn Thị Nga (Điện Phước, Điện Bàn): “Tôi không đồng tình cho con tôi chơi môn thể thao này vì rất nguy hiểm. Nền trơn, giày thì trượt nhanh, các cháu lại trong độ tuổi mới lớn rất hiếu động, đùa giỡn lôi kéo nhau dễ xảy ra tai nạn, nhẹ thì xay xát nặng thì gãy tay, chân ảnh hưởng lớn đến việc học hành”.
Khi patin thịnh hành, giá vé vào sân chơi là 20 - 25 ngàn đồng/giờ, nhiều cơ sở còn “cháy” vé. Thấy lợi nhuận lớn, hàng loạt sân patin ra đời. Theo đó, các chủ kinh doanh loại hình này cũng nói rằng doanh thu cũng sụt giảm đáng kể. Bây giờ có sân giảm giá để cạnh tranh còn 5 ngàn đồng/giờ nhưng nhiều sân vẫn vắng khách. Sân trượt patin của chị Lê Thị Oanh được tận dụng phơi lúa, cho bọn trẻ trong xóm chơi đá bóng. Trong khi đó, cơ sở của anh Lê Nho Phong hay nhiều cơ sở khác tại Điện Bàn và Duy Xuyên cũng rơi vào cảnh tương tự. Một số ít hộ kinh doanh may mắn thu hồi lại được chút vốn liếng, như trường hợp anh Trần Quý (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) cho biết: “Tôi may mắn thu hồi lại được vốn do có sẵn mặt bằng sân chơi vốn là cơ sở dạy võ lúc trước, chỉ việc tân trang và mua sắm thêm giày trượt, đồ bảo hộ thôi. Nhiều người làm theo mô hình của tôi đều bị thua lỗ, trắng tay”.
HỒNG ANH - NHẬT DUY