Cơ sở thêu Faifoo Hội An: "Thủy chung" với sản phẩm nội địa
Sản xuất mặt hàng thêu nội địa là mục đích hoạt động của cơ sở thêu Faifoo (số 9, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh An, TP.Hội An). Đây cũng là “bí quyết” giúp cơ sở đứng vững trên thị trường liên tục gần 20 năm qua.
Công nhân cơ sở thêu Faifoo đang hoàn thành sản phẩm. |
Trong những ngày Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 11 vừa qua, nhiều du khách đã đến tham quan, tìm hiểu cơ sở thêu Faifoo. Theo ban tổ chức, việc sản xuất các mặt hàng thêu nội địa là lý do quan trọng nhất để cơ sở này trở thành địa điểm trình diễn nghề thêu Hội An. Với khuynh hướng tạo mặt hàng nội địa, nhiều năm nay, bằng kiến thức và năng khiếu bẩm sinh, ông Trần Quang Thành (chủ cơ sở thêu Faifoo) đã tự thiết kế, sáng tạo những mẫu mã mới để đưa vào sản xuất. Quan trọng hơn, để có lực lượng thợ thêu đáp ứng yêu cầu tạo sản phẩm thêu đặc trưng của phố Hội, ngay từ khi có ý tưởng thành lập cơ sở, ông Thành đã cất công tìm kiếm, quy tụ 3 bậc thợ thêu “tiền bối” giỏi nghề, có nhiều kinh nghiệm ở Hội An để đào tạo miễn phí cho người lao động. Nhờ vậy, ông đã có được những thợ thêu lành nghề, trở thành lực lượng lao động chính tại cơ sở.
Từ khi thành lập và hoạt động đến nay, gần 20 năm qua, cơ sở của ông vẫn Thành “thủy chung” với sản phẩm chính là mặt hàng thêu khăn bàn ăn. Cũng có thời điểm, cơ sở còn thêu một số loại vỏ gối. Bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của ông đã làm nên những sản phẩm mang dáng dấp riêng của nghề thêu phố Hội. Ông cho biết: “Những bản vẽ do mình sáng tác không nhái lại, không giống của ai hết. Sau khi thâm nhập thực tế, tôi về phác họa được mẫu nào thì thiết kế cái đó, rồi giao cho tổ kỹ thuật phối màu, sau đó hoàn chỉnh bản vẽ, đưa vào sản xuất. Đối tượng khách hàng của tôi từ hạ lưu đến thượng lưu đều mua được. Giá cả phù hợp với nhiều đối tượng trên thị trường. Từ ngày mở cửa đến giờ, công nhân luôn làm việc 12 tháng /năm chứ không khi nào phải nghỉ, đảm bảo thu nhập”.
Theo ông Thành, để có sản phẩm thêu nội địa được khách hàng tin cậy, ưa chuộng, ngoài việc sản xuất tại chỗ, loại vật liệu ban đầu cũng phải đạt yêu cầu cao. Loại vải cotton chọn thêu phải có nguồn gốc tự nhiên, được đặt ở công ty dệt chất lượng cao, mật độ sợi đều, không lỗi chỗ dày, chỗ mỏng. Đặc biệt, sản phẩm còn phải sử dụng chỉ thêu loại tốt, không loang phai màu khi giặt tẩy hoặc ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt lớn, ánh sáng gay gắt hoặc nước sôi, thức ăn nóng. Từ nhiều năm nay, cơ sở thêu Faifoo tập trung sản xuất tại 2 địa điểm là số 9, đường Nguyễn Thị Minh Khai và khối phố Ngọc Thành (phường Cẩm Phô). Mặt hàng chủ lực là khăn bàn ăn. Thông thường mỗi bộ có một khăn đại dài 3m, rộng 1,6m và 12 khăn nhỏ cho từng thành viên sử dụng, tổng giá thành cho mỗi bộ khoảng trên 800 ngàn đồng. Điều đặc biệt chủ cơ sở này không tham vọng nhận làm các hợp đồng quá lớn hoặc thỏa thuận cung cấp mặt hàng cho các nhà buôn ở các tỉnh thành, mà luôn giữ cho mình một góc riêng – Hội An. Ông cho biết, thời gian qua có nhiều cửa hàng ở phía Nam và phía Bắc đặt hàng mua về bán lại nhưng cơ sở không bán, vì nếu đem về Hà Nội hoặc Sài Gòn bán thì sản phẩm đâu còn của riêng Hội An. Nhờ vậy mà khách rất thích sản phẩm, chỉ đến Hội An họ mới tìm sản phẩm này. “Có nhiều khách hàng sử dụng khăn bàn của cơ sở, sau vài ba năm trở lại Hội An, họ đưa lại hình ảnh sản phẩm khăn bàn đã mua trước đây để đặt làm lại. Có du khách điện thoại qua đặt hàng yêu cầu chuyển qua đường hàng không. Có khách khi vào cơ sở thì mua ngay trên khung thêu. Sản phầm này tôi nghĩ họ thích do người Hội An làm ra” – ông Thành nói. Với cách tạo ra sản phẩm thêu đặc trưng bằng chính những bản thiết kế của mình, tên tuổi các bộ sản phẩm của cơ sở thêu Faifoo đã được nhiều người biết đến. Năm 2008, Thị trưởng Pari (Pháp) khi đến thăm Hội An đã đặt mua ngay khi sản phẩm còn trên khung thêu bộ khăn Hồ điệp và bộ Công về làm quà cho người thân.
Theo Phòng Kinh tế TP.Hội An, nghề thêu Hội An đã có từ lâu. Dù rất ít tài liệu ghi chép nhưng nhiều người cho rằng tại Hội An nghề này đã phát triển mạnh ở thời kỳ bao cấp trong mô hình kinh tế hợp tác xã. Sau này, dọc đường Trần Phú cũng có một số cơ sở thêu, bán các mặt hàng tranh thêu “Đám cưới chuột”, “Tùng hạc”, “Chùa bà Mụ”, “Hổ ly sơn”. Đến nay, số người theo học và làm nghề thêu cũng ít dần. Thế nhưng cơ sở thêu Faifoo vẫn thủy chung với mặt hàng nội địa, góp phần giữ hồn nghề thêu phố cổ, dùng yếu tố bản địa đặc trưng của quê hương Hội An để tạo niềm tin trong khách hàng, giữ vững vị thế trên thị trường địa phương.
LÊ HIỀN