Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam: Nâng chất lượng tín dụng

TRỊNH DŨNG 27/09/2013 13:38

Hôm qua 26.9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với các thành viên Ban đại diện HĐQT tỉnh và các địa phương để nghe báo cáo kết quả hoạt động tín dụng 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2013. Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới Ngân hàng CSXH tỉnh cần kéo nợ quá hạn về 0,3%, giải ngân 100% vốn và tiếp tục nâng chất lượng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn vươn lên thoát nghèo của người dân.

Người nghèo cần vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: T.D
Người nghèo cần vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: T.D

Nợ quá hạn vẫn cao

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, trong vòng 9 tháng qua, chi nhánh đã cho vay hơn 450,5 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đạt hơn 2.968 tỷ đồng, đạt 96,47% kế hoạch dư nợ năm 2013. Tuy nhiên, 5 chương trình cho vay (gồm học sinh sinh viên, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn), thì dư nợ lại giảm so với đầu năm. Tăng trưởng dư nợ khá thuộc về Bắc Trà My, Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức và Phú Ninh. Theo ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam, sự kết hợp “hoàn hảo” giữa các ban, ngành, hội đoàn thể nhận ủy thác đã giúp nguồn vốn giải ngân kịp thời, nâng cao chất lượng tín dụng, thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, cần nhanh chóng tìm biện pháp xử lý nợ quá hạn, rà soát, phân loại nợ để xử lý, đưa nợ quá hạn về 0,3%. Nhất là phải giải ngân 100%  chương trình cho vay học sinh, sinh viên (50 tỷ đồng) và phát triển lâm nghiệp (39 tỷ đồng). Vấn đề lãi suất hiện thời không đủ hấp dẫn hay món vay quá ít, Ban đại diện Ngân hàng CSXH Quảng Nam sẽ đề xuất, kiến nghị lên Trung ương để điều chỉnh cho hợp lý với thực tiễn.

Theo một công bố khác, chất lượng tín dụng của ngân hàng này đã được gia tăng. Hầu hết đơn vị đều có nợ quá hạn giảm so với đầu năm (trừ Điện Bàn và Bắc Trà My). Số nợ quá hạn đến ngày 20.9 chỉ 10,263 tỷ đồng với tỷ lệ 0,35%. Hiện 47 xã không có nợ quá hạn và 8 đơn vị cấp huyện có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2% (Phước Sơn 0,04%, Tây Giang 0,05%, Hiệp Đức 0,07%, Đông Giang 0,07%, Quế Sơn 0,1%, Nam Trà My 0,11%, Tiên Phước 0,13%, Nông Sơn 0,17%). Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lam, mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện nhưng hiện vẫn còn 4 huyện, thành phố có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn bình quân toàn tỉnh là Tam Kỳ (0,72%), Điện Bàn (0,71%), Thăng Bình (0,64%), Núi Thành (0,6%). Toàn tỉnh có 51 xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5%, cá biệt có xã tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% (Điện Nam Trung 2,19%, Điện Dương 2,58%, Điện Ngọc 3,15%, Điện Thắng Nam 3,33%). Chất lượng tín dụng giữa các chương trình cũng không đồng đều. Nợ quá hạn cao (trên 2%) xảy ra ở chương trình cho vay xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm. Lý do là các chủ dự án cơ sở sản xuất kinh doanh vay theo chương trình này đã cố tình không chịu trả nợ khi đến hạn. Ngân hàng CSXH địa phương đã dùng khá nhiều biện pháp, kể cả khởi kiện nhưng gặp khó khăn khi thi hành án lại không thể giải chấp được tài sản. Ông Lam cho biết 3 tháng còn lại ngân hàng sẽ tìm nhiều biện pháp để đạt 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ, 100% kế hoạch huy động tiết kiệm, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu giảm nợ quá hạn về mức 0,3%, cương quyết xử lý dứt điểm 51 xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao.

Giải ngân 100% vốn năm 2013

Tại phiên họp trực tuyến của Ngân hàng CSXH Quảng Nam hôm 26.9, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói thành công của chương trình cho người nghèo vay vốn chính là quản lý sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đồng vốn đến người nghèo đã phát huy hiệu quả. Vấn đề này cần tiếp tục tăng cường bằng cách tuyên truyền vận động người dân sử dụng hiệu quả vốn vay kèm theo việc hướng dẫn làm ăn tốt để bảo toàn nguồn vốn. Ông Thẩm băn khoăn lãi suất “ưu đãi” này đã “bắt đầu” tương đồng với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và món vay quá ít ỏi (chỉ khoảng 20 triệu đồng/hộ) nên kém hấp dẫn người dân. “Nếu không điều chỉnh thì tính ưu việt của nguồn vốn sẽ không phát huy được tính nhân văn và khó đạt mục tiêu giảm nghèo đặt ra. Cần điều chỉnh món vay lên nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thoát nghèo và cần hướng dẫn, tư vấn người dân lập dự án kinh tế, sản xuất, kinh doanh khả thi thay vì để họ tự làm không đạt yêu cầu và ngân hàng bác bỏ không phê duyệt kế hoạch dự án” - ông Thẩm nói.

Ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng ngân hàng cho vay vốn không cần lợi nhuận nên cần ưu đãi thêm nữa. Ông An đề nghị trước khi cho vay, ngân hàng nên rà soát kỹ đối tượng vay. Dù là hộ nghèo hay cận nghèo đều phải thuộc diện có sức lao động thì mới có thể phát huy hiệu quả nguồn vốn. Nếu không thì đồng vốn bỏ ra sẽ không thể thu hồi được vì người nợ không có việc làm sẽ không có khả năng chi trả. Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói nhờ vào đồng vốn ưu đãi này, với khoảng 78% dân số quan hệ tín dụng, Phước Sơn đã giảm nghèo được khoảng 5%/năm. Kết quả này là nhờ vào việc tích cực tuyên truyền, giải thích rõ với người dân về việc phân bổ nguồn vốn trên cơ sở thống kê nhu cầu vốn và giải quyết kịp thời khi có vốn để người dân nhanh chóng tiếp cận. Tuy nhiên, với một vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, hộ cận nghèo thì ngân hàng cần sớm triển khai chương trình cho vay ưu đãi vốn cho người dân tộc thiểu số.

Đại diện của 4 huyện có nợ quá hạn tăng cao (từ 0,71% trở lên) như Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình đều cho rằng tình trạng nợ rơi vào chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Lý do chủ yếu là học sinh sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm nên không thể tìm được nguồn trả nợ. Một phần khác là do các doanh nghiệp giải quyết việc làm bị thua lỗ, dẫn đến không có khả năng trả nợ. Theo các đại biểu, nỗ lực lắm cũng chỉ kéo dư nợ quá hạn về khoảng 0,5%. Biện pháp cụ thể vẫn là chuyện rà soát dư nợ quá hạn để tìm cách xử lý. Đó là kiểm tra dứt điểm các địa phương, cá nhân, doanh nghiệp chây lỳ. Nếu không thể thu hồi nợ được thì biện pháp cuối cùng là chuyển hồ sơ qua các cơ quan chức năng. Ông Phạm Văn Quyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói dư nợ quá hạn học sinh sinh viên tại địa phương hiện khoảng 400 triệu đồng. Một thực tế đáng buồn là đào tạo một đường, doanh nghiệp cần người một nẻo nên sinh viên ra trường lơi bơi, không thể nào kiếm nổi việc làm. Thu nhập không có nên không thể trả nợ được. Ông Quyện cũng nói thêm rằng việc lãi suất 0,83%/năm cho vay hộ cận nghèo đã quá lỗi thời so với chuyển động của thị trường tín dụng hiện nay nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG