Kiểm toán năng lượng doanh nghiệp: Lợi cả đôi đường
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả (NLTK&HQ) đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) ở Quảng Nam vẫn còn chưa “mặn mà” hưởng ứng. Do thiếu thông tin, DN chưa nhìn thấy lợi ích của kiểm toán năng lượng (KTNL), vẫn chỉ nghĩ đơn giản là hoạt động kiểm tra hằng năm của ngành chức năng.
Nhiều doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc kiểm toán năng lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: T.LỘ |
Giảm chi phí
KTNL là hoạt động nhằm đánh giá thực trạng hoạt động hệ thống năng lượng của DN, từ đó xác định những khâu sử dụng năng lượng lãng phí hoặc chưa hiệu quả để đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ, những năm qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng & sản xuất sạch hơn Quảng Nam đã hỗ trợ cho hàng chục cơ sở sản xuất, DN của tỉnh lập báo cáo KTNL. Từ việc hỗ trợ mô hình tiết kiệm năng lượng, nhiều DN như Công ty CP Kính nổi Chu Lai, Công ty CP Gạch Phương Nam, Công ty TNHH May Thúy Trang... đã đầu tư thiết bị công nghệ mới tiết kiệm điện năng, cải thiện nhà xưởng, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các DN tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Phạm Bá Huyên, hiện nay nếu chưa tính đến những giải pháp cần đầu tư có chi phí lớn, mà bằng những giải pháp quản lý tốt, biết cách kiểm soát quá trình sản xuất cũng như trang bị những kiến thức về KTNL cơ bản cho một số cán bộ chủ chốt ở DN cũng đã có thể tiết kiệm từ 5 - 10% năng lượng tiêu thụ. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu đầu tư bài bản, hóa đơn năng lượng của DN có thể giảm tới 30%. Hiệu quả này có thể coi là “phao cứu sinh” trong thời buổi kinh tế đang gặp khó khăn. |
KTNL trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp rất cần thiết. Ở một số DN, giảm tiêu hao điện được xem là "phao cứu sinh", góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Công ty CP May Trường Giang là đơn vị điển hình trong tiết kiệm điện. Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt - Giám đốc công ty cho biết: "Với DN chuyên may gia công cho nước ngoài, việc KTNL nhằm giảm chi phí từ tiết kiệm điện góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh của DN trên thị trường". Để tiết kiệm chi phí, công ty đã lập báo cáo KTNL để rà soát lại toàn bộ hệ thống điện tại các phân xưởng may, qua đó thay các bóng đèn điện có công suất lớn bằng hệ thống bóng đèn có công suất nhỏ hơn (bóng compact) nhưng vẫn đảm bảo cường độ sáng để làm việc; lắp mới các loại máy may hiện đại, vừa nâng cao chất lượng lại tiết kiệm điện; tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết; lắp đặt các thiết bị làm mát tự nhiên tại các nhà xưởng… Bằng những giải pháp hữu hiệu này, hàng tháng công ty đã tiết kiệm được khoảng 1/3 điện năng tiêu thụ.
Vẫn còn mới
Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ tạo lợi ích nhiều mặt nhưng các DN ở Quảng Nam vẫn chưa thực sự quan tâm. Hiện nay, nhiều DN vẫn còn tận dụng các dây chuyền sản xuất cũ, tiêu hao nhiều nguyên liệu, làm tăng chi phí sản xuất và e ngại KTNL vì sợ phải công khai quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật máy móc, sợ lộ bí mật công nghệ sản xuất… Theo ông Phạm Bá Huyên - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng & sản xuất sạch hơn Quảng Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm (sử dụng điện có công suất lớn) buộc phải KTNL với chu kỳ 3 năm/lần để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời có biện pháp khắc phục các yếu kém nhằm sử dụng năng lượng có hiệu quả. Do vậy, dù có muốn hay không, các DN tiêu hao nhiều năng lượng buộc phải kiểm toán, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Đến nay, Luật Sử dụng NLTK&HQ đã có hiệu lực được gần 3 năm nhưng nhìn chung, việc áp dụng hiện chỉ mới khởi động ở giai đoạn đầu. Do thiếu thông tin, nhiều DN chưa nhìn thấy lợi ích của KTNL, vẫn chỉ nghĩ đơn giản là hoạt động kiểm tra hằng năm của ngành chức năng. Mới đây, Sở Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các DN sử dụng năng lượng trọng điểm theo Luật Sử dụng NLTK&HQ và Quyết định số 1294/QĐ-TTg ngày 1.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều DN chưa tổ chức thực hiện tốt một số quy định của luật, chưa lập báo cáo KTNL. Nhiều DN đã được kiểm tra, nhắc nhở cần phải có giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một động thái nào để khắc phục buộc đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.
TRUNG LỘ