Giá bất động sản "chạm đáy"

TRẦN HỮU 14/08/2013 08:30

Năm 2013, dù Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu “giải cứu” được thị trường bất động sản (BĐS) vốn “đóng băng” suốt thời gian dài. Ở Quảng Nam, nhiều nơi giá BĐS xuống “chạm đáy” song giao dịch trên thị trường vẫn hết sức im ắng.

Các khu dân cư dù được đầu tư bài bản nhưng giao dịch bất động sản  vẫn chưa sôi động trở lại.Ảnh: H.PHÚC
Các khu dân cư dù được đầu tư bài bản nhưng giao dịch bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.Ảnh: H.PHÚC

“Nguội lạnh” kéo dài

Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bản tỉnh gần như không mở rộng, khai thác thêm quỹ đất. Đất đai “tung” ra thị trường chủ yếu tồn đọng từ các năm trước, nhưng sức mua của người dân cũng rất hạn chế. Tại đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ, 2 năm trở lại đây giao dịch BĐS diễn ra chậm. Thời điểm gần về cuối năm, các khu phố Trường Xuân, phố mới Tân Thạnh, khu phố chợ An Sơn, đường gom Nguyễn Hoàng - Phú Ninh, khu dân cư đường Nam Quảng Nam… đã triển khai rao bán nền đất bằng nhiều hình thức quảng bá khác nhau. Giá đất tại khu phố Trường Xuân được xem là “mềm” nhất nhì ở đô thị Tam Kỳ, nhưng người mua tỏ ra khá “thờ ơ” dù nơi đây hạ tầng điện – đường – trường – trạm đã xây dựng hoàn thiện. Để “giải cứu” thị trường BĐS ở khu vực này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ - chủ đầu tư dự án vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh giảm giá xuống còn 2,5 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư dọc tuyến đường có mặt cắt 27m khu phố Trường Xuân, để kích cầu sức mua của người dân. Tương tự, giá sàn ở khu phố mới Tân Thạnh, đường gom Nguyễn Hoàng – Phú Ninh vẫn giữ nguyên như thời điểm năm 2012, thậm chí có vị trí bán không được, chủ đầu tư đang tính toán hạ giá. Ông Trần Đình Đức – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ cho rằng, thị trường BĐS ở Tam Kỳ nguội lạnh kéo dài, giá đang ở  ngưỡng “chạm đáy”.

Theo quan sát của chúng tôi, các điểm khai thác quỹ đất mở rộng khu dân cư trên địa bàn TP.Tam Kỳ cơ bản hoàn tất các hạng mục hạ tầng, nền đất có người sở hữu, song ở đây diện tích xây nhà ở chỉ lấp đầy một phần rất nhỏ. Vì thế, thường thấy cảnh nhiều khu dân cư bỏ hoang đất, thiếu sức sống. Ở khu phố mới Tân Thạnh và khu Văn Thánh khá khang trang, hiện đại về hạ tầng, giá đất lại không chênh lệch với thời điểm năm ngoái, nhưng thị trường vẫn im ắng. Hàng chục nền rao bán liên tục vẫn không lôi kéo được khách hàng. Theo kế hoạch, năm 2013, khu dân cư đường An Hà – Quảng Phú (giá sàn rẻ nhất TP.Tam Kỳ: 1,73 triệu đồng/m2) tung ra thị trường hơn 100 nền. Từ đầu năm đến nay, dự án chỉ giao dịch hơn 60 nền. Theo ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng tỉnh (chủ đầu tư dự án khu dân cư An Hà – Quảng Phú), với tổng chi phí của suất đầu tư lớn, giá đất 1,73 triệu đồng/m2 là quá thấp. Chủ dự án cũng khẳng định, sẽ không điều chỉnh giá đất xuống thấp hơn nữa, ngược lại sẽ chờ cơ hội tăng giá vào thời điểm thuận lợi, khi đô thị Tam Kỳ dịch chuyển về vùng đông rõ nét hơn.

“Chạm đáy”

Thị trường BĐS không chỉ “đóng băng” ở TP.Tam Kỳ mà còn phổ biến ở các địa phương phía bắc của tỉnh. Nhắm vào người có thu nhập trung bình, Công ty CP Đất Xanh miền Trung vừa bán đất nền khu đô thị Ngân Câu – Ngân Giang (thuộc xã Điện Ngọc, Điện Bàn) với quy mô rộng 9,3ha. Khu đô thị này là điểm đầu của hành lang kinh tế Đông – Tây nối giữa phố cổ Hội An – Đà Nẵng. Thời gian đầu, dự án bán ra thị trường khoảng 110 nền, mỗi nền đất có diện tích từ 76-100m2, với mức giá trên dưới 200 triệu đồng/nền. Chủ dự án cho biết, nằm ở vị trí đắc địa dọc trục ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc, khu đô thị Ngân Câu – Ngân Giang sẽ hấp dẫn những người thực sự có nhu cầu về nhà ở. Với giá sàn như hiện nay, theo tính toán của chủ đầu tư rất có thể là thấp nhất trong thị trường BĐS ở Quảng Nam trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiều chủ đầu tư BĐS nhận định, giá sàn hiện tại đã hạ xuống “đáy”, khó sinh lời trong lĩnh vực kinh doanh đất đai.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết, trước đây các dự án khi phân nền đất thường bố trí với diện tích lớn theo kiểu nhà vườn, biệt thự phù hợp với đối tượng thu nhập cao, thì thời gian gần đây chủ đầu tư đã chia nhỏ lại diện tích, phù hợp với túi tiền của người có thu nhập trung bình. Theo lý giải của một số chủ đầu tư BĐS, tại các khu công nghiệp, đô thị lớn ở Quảng Nam, nhà ở xã hội là mô hình còn mới mẻ, chưa triển khai, việc phân lô diện tích nhỏ đã phần nào đáp ứng nhu cầu bức thiết chỗ ở của người dân đô thị, đồng thời cũng là giải pháp linh hoạt “hâm nóng” thị trường BĐS trở lại.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU