Xoay xở khi giá điện tăng

CHIÊU THỤC ANH 05/08/2013 08:14

Giá điện tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, đã khiến nhiều doanh nghiệp càng thêm khó. Trong bối cảnh đó, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tự xoay xở để tồn tại và phát triển.

  • Giá điện tăng 5% từ 1.8
Giá điện tăng gây sức ép đối với nhiều doanh nghiệp.
Giá điện tăng gây sức ép đối với nhiều doanh nghiệp.

Thêm khó khăn

Người dân thêm khó khăn khi giá điện tăng 5% đúng vào thời điểm giá nhiều loại nhu yếu phẩm, nhiên vật liệu như xăng dầu, gas, sữa, hàng tiêu dùng cũng đang tăng giá. Chị Nguyễn Thị Diễm (đường Dã Tượng, khu phố mới Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) than thở: “Giá điện tăng chắc chắn nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo trong khi lương hai vợ chồng mỗi tháng chưa đầy 10 triệu đồng và sắp tới còn phải lo tiền nhập học cho hai con. Tôi thấy mệt mỏi vì phải thu xếp tài chính trong gia đình”. Cùng như chị Diễm, bà Nguyễn Thị Dược (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết, mỗi tháng mọi khoản chi trong gia đình chỉ trông chờ vào 3 triệu đồng tiền lương hưu của chồng. “Hiện nay, hai vợ chồng chỉ dám bật ti vi xem chương trình thời sự buổi tối, đèn và quạt cũng rất hạn chế.” - bà Dược nói. Một số chủ quán cà phê ở TP.Tam Kỳ và khu vực lân cận cho biết, họ cũng đang “quán triệt” với nhân viên việc tiết kiệm điện, bật quạt và đèn khi thực sự có nhu cầu.

Mỗi tháng Công ty May Phước Kỳ Nam (Tam Kỳ) phải chi trả hơn 200 triệu đồng tiền điện. Nay giá điện điều chỉnh tăng 5%, riêng tiền điện tăng trực tiếp đã hơn 10 triệu đồng. Với 2.100 nhân viên ở hai xưởng sản xuất (TP.Tam Kỳ và huyện Duy Xuyên), khi xăng, gas, điện đều tăng giá buộc doanh nghiệp phải tính cơ chế tăng lương tương ứng để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. “Thêm nữa, đối với doanh nghiệp may mặc, giày da thì đầu năm đã đối mặt với việc tăng giá nguyên liệu vải thêm khoảng 10%. Cứ thêm mỗi thứ vài phần trăm là doanh nghiệp chúng tôi ngấm đòn” - ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Công ty May Phước Kỳ Nam chia sẻ. Tương tự, Công ty May mặc Sportteam Corporation (Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ) đang chi trả gần trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Với việc tăng giá điện 5%, số tiền chi trả cho khoản điện cũng là một con số không nhỏ.

Đây là thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số hàng tồn kho tháng 7 tuy có giảm, nhưng ở một số ngành, lượng hàng tồn kho vẫn còn khá lớn. Điện là một khoản chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá thành của nhiều ngành sản xuất như thép, phân bón, may mặc, vật liệu xây dựng… Do đó, chắc chắn đợt điều chỉnh giá điện lần này sẽ thêm phần khó khăn cho các doanh nghiệp. Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tính toán tác động đến đời sống người dân, từng hộ gia đình khi tăng giá điện như: các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50kwh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100kwh/tháng chỉ tăng 6.800 đồng/tháng, 150kwh/tháng chỉ tăng 10.650 đồng/tháng…, song giá điện tăng lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ, vì điện là chi phí đầu vào của rất nhiều ngành, dịch vụ và còn tác động gián tiếp, nhiều vòng đến đời sống sinh hoạt.

Tìm cách ứng phó

Những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, khách sạn cũng đang đối mặt với nhiều nỗi lo khi chi phí đầu vào tăng lên. Giá điện tăng nhưng không thể tăng giá sản phẩm vì sức mua trên thị trường đang giảm mạnh. Điều này vô hình trung sẽ tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong bài toán tồn tại của mình. Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo tăng giá điện, ngay lập tức nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương án tiết kiệm năng lượng. Ông Nguyễn Văn Trí – Phó Giám đốc Công ty May mặc Sportteam Corporation cho biết, công ty vừa thông báo trong toàn đơn vị một số phương án nhằm tiết kiệm điện. Ví như hạn chế dùng máy móc không cần thiết, tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Công ty May Phước Kỳ Nam cũng có một số “chiêu” tiết kiệm điện tương đối hiệu quả. Doanh nghiệp này vừa đưa vào sử dụng khu hành chính và thiết kế mẫu hoàn toàn không cần sử dụng ánh đèn vào ban ngày. Bởi, khu nhà được lắp rất nhiều cửa sổ bằng kính, nhân viên có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên để làm việc. “Công ty vừa tính toán lại giờ làm việc, hạn chế hoặc không làm việc vào giờ cao điểm. Thứ ba là thay đổi công nghệ, thay vì máy móc vận hành bằng điện thì chuyển sang dùng khí đốt có thể tiết kiệm 30 – 40% chi phí” - ông Nguyễn Văn Hạnh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Trí, qua các phương tiện thông tin đại chúng, doanh nghiệp cũng nghe loáng thoáng giá điện sẽ tăng nhưng cũng không nghĩ lại nhanh đến vậy. “Những năm trước đây, trước khi điện tăng giá, Công ty Điện lực Quảng Nam, Sở Công Thương thường tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp để biết việc tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất kinh doanh. Nhưng từ năm 2012 trở lại đây thì gần như doanh nghiệp chỉ biết đến khi mọi sự đã rồi, hoàn toàn không có thông báo gì. Chúng tôi chỉ biết qua các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Trí nói. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, việc tăng giá điện từ lâu đã được Nhà nước thông báo sẽ tăng theo lộ trình, chứ không phải tăng đột ngột. Trả lời câu hỏi liệu việc tăng giá điện trong thời điểm này có hợp lý hay không khi nhiều mặt hàng đang lên giá, khiến bài toán kinh tế của doanh nghiệp và người dân gặp khó, ông Thử nói: “Việc tăng giá được Nhà nước tính toán, cân đối ở nhiều khía cạnh, trên nhiều bình diện và mang tầm vĩ mô”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH