Dán nhãn năng lượng cho thiết bị điện: Bảo vệ người tiêu dùng

CHIÊU THỤC ANH 24/07/2013 08:05

Thị trường điện máy, điện gia dụng kể từ ngày 1.7 có sự thay đổi khi một số thiết bị tiêu thụ điện thuộc nhóm thiết bị gia dụng và văn phòng bắt buộc phải thực hiện dán nhãn năng lượng (DNNL) trước khi đưa ra thị trường. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương.

Theo quy định, các thiết bị điện phải đăng ký dán nhãn năng lượng. Ảnh: THỤC ANH
Theo quy định, các thiết bị điện phải đăng ký dán nhãn năng lượng. Ảnh: THỤC ANH

P.V: Người tiêu dùng sẽ nhận diện nhãn năng lượng như thế nào, thưa ông?

Dán nhãn năng lượng cho sản phẩm thiết bị tiêu thụ điện, xăng, dầu… là hoạt động nhằm ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp. Đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Đây là bước đi cụ thể nhằm thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ tháng 1.2011.

Hiện có hai loại nhãn năng lượng được dán trên sản phẩm, gồm “nhãn năng lượng xác nhận” và “nhãn năng lượng so sánh”. Nhãn năng lượng xác nhận được dán cho các phương tiện, thiết bị có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ. “Nhãn năng lượng so sánh” cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn. Mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng tương ứng số sao in trên nhãn, từ 1 - 5 sao. Nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất.

Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg ngày 14.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12.9.2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện thiết bị phải DNNL, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện đã nêu rõ. Từ ngày 1.7.2013, thực hiện việc DNNL theo hình thức bắt buộc đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp. Theo đó, nhóm thiết bị gia dụng gồm đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện và quạt điện; nhóm thiết bị công nghiệp gồm máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện.

Từ ngày 1.1.2014, DNNL bắt buộc đối với các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy thu hình. Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải (ô tô dưới 7 chỗ ngồi) sẽ khuyến khích thực hiện dán nhãn và sẽ bắt buộc từ tháng 1.2015.

Mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) sẽ do Bộ Công Thương xác định qua việc đánh giá kết quả thử nghiệm chỉ tiêu hiệu suất năng lượng của sản phẩm, và được thể hiện trong giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cấp cho doanh nghiệp.

P.V: Nhãn năng lượng có phải là tín hiệu giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng?

Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tiêu thụ năng lượng có hiệu suất thấp mà người tiêu dùng không thể nhận biết nếu như sản phẩm không được DNNL. Nhãn năng lượng sẽ cung cấp thông tin về năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng và một số thông tin khác nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị có hiệu suất cao; buộc các đơn vị nhập khẩu thiết bị phải lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đang lưu thông trên thị trường.

Dán nhãn năng lượng trên sản phẩm thiết bị tiêu hao năng lượng đã được rất nhiều quốc gia áp dụng, có lợi cho người tiêu dùng và nhà sản xuất, cung ứng thiết bị sử dụng điện, xăng dầu…, nhưng trước hết, người tiêu dùng phải ý thức được sự lựa chọn thông minh của mình – hãy là người tiêu dùng thông thái hiểu biết về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

P.V: Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các thiết bị tiêu thụ năng lượng bắt buộc DNNL mà không thực hiện đăng ký kiểm định DNNL sẽ bị xử phạt như thế nào?

Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24.8.2011 xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, quy định mức phạt về DNNL. Theo đó, sẽ phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số lượng, chủng loại phương tiện thiết bị DNNL được sản xuất, nhập khẩu; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện DNNL cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn, mức cao nhất là 50 triệu đồng cho trường hợp tái phạm và các giải pháp khắc phục.

Về chức năng quản lý nhà nước, ngành sẽ thực hiện công tác tuyên truyền về việc DNNL và tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra các sản phẩm gia dụng về việc DNNL trên địa bàn nhằm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình DNNL và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH