Rà soát toàn bộ cửa hàng xăng dầu
Không đảm bảo quy chuẩn, vi phạm hàng loạt các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)… nhưng nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục hoạt động...
Cửa hàng kinh doanh xăng dầu 475 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ vi phạm nhiều quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. |
Bất cập
Cửa hàng kinh doanh xăng dầu 475 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ (thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Nam là cây xăng tồn tại từ hàng chục năm nay, nằm ngay giữa lòng khu dân cư như một “quả bom” nổ chậm. (Báo Quảng Nam đã có bài phản ánh). Điều đáng nói là mặc dù cơ quan chức năng, cụ thể là Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh (PC66) đã có văn bản không thống nhất cho gia hạn di dời nhưng đến nay cây xăng này vẫn hoạt động bình thường, bất chấp sự lo ngại của nhiều người dân sinh sống ở khu vực. Ông Nguyễn Vũ Cứ (trú số nhà 479 Phan Châu Trinh, cách vị trí cây xăng đóng chân chỉ chưa đầy chục mét), cho biết: “Cây xăng này tồn tại hàng chục năm nay, nằm ngay giữa khu dân cư. Bồn chứa xăng được đặt âm dưới vỉa hè, chứa hàng ngàn lít xăng, miệng bồn lộ cách nhà tôi chỉ vài mét. Dân ở quanh đây lúc nào cũng nơm nớp lo, cơ sở vật chất quá cũ kỹ, ai đảm bảo tính mạng và tài sản cho chúng tôi. Chúng tôi đã kiến nghị hàng chục lần, báo chí cũng đã nêu nhưng gần một năm từ khi báo chí phản ánh, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường mà không thấy sự can thiệp của cơ quan chức năng nào”.
Hiện rất nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy chuẩn an toàn, nằm trong diện bắt buộc di dời ra khỏi khu dân cư như cây xăng thị trấn Trà My nằm ngay cạnh chợ Bắc Trà My, một số cây xăng ở Quế Sơn, Núi Thành... Theo Quy hoạch phát triển ngành thương mại Quảng Nam do UBND tỉnh ban hành, đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên toàn tỉnh có 295 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có 15 cửa hàng thuộc diện phải di dời, 65 cửa hàng phải cải tạo lại để đảm bảo các quy chuẩn về an toàn. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, việc di dời, cải tạo của các cây xăng trong danh mục này hiện tại vẫn còn nhiều bất cập. Mạng lưới cây xăng chủ yếu tập trung dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở đồng bằng, ven biển, trong khi tại khu vực miền núi, hệ thống bán lẻ xăng dầu quá ít. Nhiều địa phương như Đông Giang (3 cửa hàng), Tây Giang (1 cửa hàng), Bắc Trà My (1 cửa hàng), mật độ cửa hàng xăng dầu quá thấp chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển chung của vùng. Tình trạng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ, việc kiểm định chất lượng cũng như định lượng còn bất cập, khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn là tình trạng phổ biến tại nhiều vùng, nhất là địa bàn các huyện miền núi…
Sẽ thanh tra toàn bộ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số cửa hàng xăng dầu cũ, thuộc loại cửa hàng cấp 3 được xây dựng cách đây vài chục năm đã xuống cấp theo thời gian và không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, nhất là ở các địa bàn miền núi, Sở Công Thương đã xem xét cho gia hạn di dời với một số cây xăng này trong thời gian tìm địa điểm mới để xây dựng. Ông Lâm cũng cho biết thêm, trong tháng 8 đến, Sở Công Thương sẽ phối hợp với PC66 tiến hành thẩm tra, rà soát lại toàn bộ các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, từ đó sẽ có những cảnh báo, khuyến nghị yêu cầu cải tạo để đảm bảo quy chuẩn hoặc cho lộ trình di dời đối với những cây xăng không đảm bảo an toàn. “Vì từ tháng 8, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu của Bộ Công Thương mới có hiệu lực nên phải chờ đến đó mới tiến hành thẩm tra, rà soát lại toàn bộ cửa hàng xăng dầu để có căn cứ xử lý” - ông Lâm nói.
Điều đáng nói là hiện việc giám sát các cây xăng vi phạm gặp nhiều khó khăn, quá trình xử lý cũng vướng phải một số bất cập. Trường hợp cây xăng của DNTN Tuấn Tâm (thôn Tiên Xuân 1, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) là một ví dụ. Năm 2012, Sở Công Thương cân nhắc rút giấy phép tạm thời đối với DNTN Tuấn Tâm (thôn Tiên Xuân 1, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) do vi phạm về chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, sau đó ít lâu doanh nghiệp này giải thể và chuyển giao cho một công ty khác tiếp quản, cây xăng lại tiếp tục được hoạt động. “Trường hợp này rất khó xử lý vì trên thực tế, sở phạt và tước giấy phép của doanh nghiệp; doanh nghiệp này giải thể và chuyển giao cho doanh nghiệp khác thì không thể cấm cây xăng hoạt động do vi phạm của doanh nghiệp cũ” - ông Lâm lý giải.
Theo Thượng tá Trần Công Tiết - Phó Trưởng phòng PC66, hiện toàn tỉnh có tổng cộng 150 cây xăng dầu thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Đa số các cây xăng mới xây dựng tuân thủ các quy chuẩn về an toàn PCCC. Tuy nhiên vẫn còn một số cây xăng được xây dựng từ rất lâu nên còn tồn tại một số bất cập. Thượng tá Trần Công Tiết nói: “Trước mắt chúng tôi hướng dẫn khắc phục một số tiêu chuẩn về chuyên môn để đảm bảo an toàn, còn về lâu dài thì các cây xăng này buộc phải di dời theo quy hoạch xăng dầu trên toàn tỉnh”.
PHƯƠNG GIANG