Nghịch lý từ làng dệt Mã Châu
Làng dệt Mã Châu rơi vào cảnh điêu đứng là chuyện không mới, nhưng điều khiến nhiều người quan tâm là sản phẩm tơ tằm truyền thống cung không đủ cầu.
|
Sản phẩm lụa truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao nhưng đang thiếu nguyên liệu và thợ lành nghề. |
Bán tháo máy dệt
Dọc theo các cung đường làng dệt Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước (
Từ những khung cửi gỗ với khổ lụa nhỏ, người dân mua máy sắt, máy kiếm hàng chục triệu đồng đầu tư sản xuất, phát triển theo hướng dệt công nghiệp hiện đại. Thế nhưng rất nhiều người đã phải bán tháo máy để chuyển sang nghề khác. Anh Thái Thành, trú tổ 10 đã bán toàn bộ máy móc và đành đi làm thợ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Dù rất muốn giữ lại nghề của cha ông nhưng chi phí sản xuất quá cao, đầu ra lại eo hẹp không thể thu lãi khiến chúng tôi phải giải thể toàn bộ máy móc để tìm nghề khác sinh sống” - anh Thành nói. Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Lương Công Tình đã bán tháo 6 bộ máy dệt để đi làm công nhân, còn vợ đi nấu ăn thuê để có tiền cho con cái ăn học.
Cũng theo ông Minh, khó khăn lớn nhất khiến các hộ làm nghề dệt điêu đứng hoặc sản xuất cầm chừng là nguồn vốn lưu động không đáp ứng do sản phẩm nghẹt ở đầu ra, giá điện, nhân công tăng lên. Bên cạnh chất lượng sản phẩm kém không thể cạnh tranh được với những mặt hàng khác thì sự liên kết giữa các cơ sở dệt là không có. Thực tế những sản phẩm xuất ra tiêu thụ ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh bị ép giá hoặc trả hàng trở về. Tình cảnh trên khiến người theo nghề dệt than trời, đẩy họ vào cảnh phá sản, nợ ngân hàng; những người làm thuê thì mất việc làm. Tại cơ sở dệt Trần Túc ở khối phố Hòa Mỹ, năm 2.000 ông Túc đã vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để đầu tư mở rộng xưởng dệt. Đến khoảng năm 2011, do sản phẩm không tiêu thụ được, lãi suất ngân hàng lại quá cao, doanh thu không thể bù lỗ ông đành phải bán xưởng dệt để trả nợ. Cơ sở dệt Mười Tấn trước kia có gần chục công nhân làm việc nhưng bây giờ chỉ còn lại 4 người. Anh Lương Công Lại, một công nhân tại xưởng cho biết: “Chúng tôi làm ăn theo sản phẩm nhưng hàng hóa lại không bán được. Nếu trước kia trung bình lương 2,5 triệu/tháng thì hiện nay chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu chúng tôi bỏ nghề thì không biết lấy gì để sống”.
Dệt tơ lụa truyền thống giảm sút
Theo ông Trần Hữu Phương - Chủ nhiệm Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu, thời kỳ cực thịnh hợp tác xã có đến 300 xã viên làm nghề dệt thì nay chỉ còn 16 người theo nghề này. Hiện duy nhất hợp tác xã tơ lụa này còn giữ được dệt tơ tằm nguyên thủy nhưng năng suất không cao. Còn những xã viên khi có vốn đã tách riêng sản xuất dệt sợi tổng hợp theo hướng hiện đại. Nếu như các cơ sở dệt bằng sợi tổng hợp thừa nguồn lao động thì tại đây lại thiếu hẳn lượng lao động thạo nghề. Ông Phương cho biết: “Dệt tơ lụa chỉ thao tác bằng thủ công đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt từ sợi tơ đến hoàn thiện sản phẩm. Do vậy, lao động lành nghề hiện nay rất ít, người biết làm thì đã ở độ tuổi từ 50 trở lên”.
Dệt tơ tằm yêu cầu lao động phải chịu đựng vất vả, kiên nhẫn nhưng đa số lớp trẻ hiện không mặn mà. Còn lao động thông thường làm việc tại các cơ sở dệt sợi tổng hợp lại không thể làm ra loại vải lụa từ tơ tằm truyền thống. Hơn nữa nguồn vốn không thể đáp ứng, nguyên liệu tơ tằm phải nhập từ các tỉnh Lâm Đồng, Thái Bình, Hà Nam với giá thành cao từ 5 đến 6 triệu đồng/kg tơ. Thiếu vốn, các “đầu nậu” lại ép giá thành nguyên liệu lên cao làm cơ sở phải thường xuyên hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, hợp tác xã vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để đảm bảo giữ làng nghề phát triển. Được biết vải lụa có giá trị cao từ 120 đến 180 ngàn đồng/m trong khi giá vải từ sợi tổng hợp chỉ từ 16 đến 20 ngàn đồng/m. Tuy giá thành tơ lụa cao nhưng khi tiêu thụ tại các điểm Hội An, Hà Nội, Đà Nẵng… lại thiếu hẳn nguồn hàng bởi sức mua lớn.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch thị trấn Nam Phước cho biết: “Nhiều năm nay, làng dệt Mã Châu rơi vào tình thế khó khăn, một số cơ sở hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hẳn. Sản lượng vải từ 32 đến 35 triệu m2/năm trong giai đoạn phát triển thì 6 tháng đầu năm 2013 sản lượng chỉ đạt 11,7 triệu m2. Trong năm 2011, chính quyền huyện đã hỗ trợ 10 tấn gạo để giúp người dân làng dệt ổn định cuộc sống phát triển làng nghề. Chúng tôi cũng đã động viên người dân, tạo điều kiện về vốn vay để làng dệt Mã Châu có thể vượt qua khó khăn này”.
DUY THÁI