Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn: Giải quyết cơ bản những bất cập
Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp (LĐHA) nông thôn cho ngành Điện lực quản lý được Chính phủ chỉ đạo thực hiện đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Chuyển biến tích cực
Trước khi có chủ trương của Chính phủ về bàn giao LĐHA nông thôn cho ngành Điện lực quản lý, trên địa bàn Quảng Nam tồn tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý với nhiều mô hình sản xuất kinh doanh. Trong đó, Công ty Điện lực Quảng Nam bán tổng cho 154 tổ chức và bán điện trực tiếp ở nông thôn cho hơn 75.500 hộ dân, chiếm tỷ lệ 23,1% tổng số hộ; Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Nam tham gia bán điện trên 109 xã, trực tiếp cấp điện cho 85.800 hộ dân (chiếm tỷ lệ 26,2%) và 153 tổ chức kinh doanh điện gồm các hợp tác xã, ban quản lý điện xã… cấp điện cho 119 xã với hơn 166.000 hộ dân (chiếm tỷ lệ 50,7%).
Công ty Điện lực Quảng Nam đầu tư mở rộng phụ tải lên vùng cao. Ảnh: Đ.H |
Phần lớn LĐHA ở vùng nông thôn do các hợp tác xã, ban quản lý điện xã và các tổ chức kinh doanh điện quản lý đã được đầu tư và đưa vào sử dụng hàng chục năm trước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, hệ thống LĐHA nông thôn do địa phương và người dân tự đầu tư xây dựng không tuân thủ các quy trình và kỹ thuật hiện hành; sử dụng nhiều loại trụ cột tự đúc hoặc bằng tre, gỗ; sử dụng dây dẫn tiết diện nhỏ nhưng không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Hệ thống công tơ đo đếm hầu hết không hoạt động chính xác. Với nhiều mô hình quản lý nên phương án quản lý sản xuất kinh doanh cũng khác nhau, giá bán điện không đúng theo giá quy định của Nhà nước đã nảy sinh nhiều vi phạm, tiêu cực trong kinh doanh điện năng. Các hộ dân phải mua giá cao và ở một số nơi, người dân phải gánh chịu thêm nhiều chi phí bất hợp lý. Đặc biệt, chất lượng điện thường không đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh, nhất là các phụ tải cuối đường dây do đường dây nhỏ và quá dài so với bán kính cho phép. Tai nạn điện trong dân thường xuyên xảy ra. Công tác quản lý vận hành, ghi chỉ số công tơ, thu tiền, kiểm tra đều do các ban quản lý điện xã thực hiện. Trong khi đó, chi phí dịch vụ lắp đặt công tơ cao, tùy tiện và không đảm bảo kỹ thuật an toàn cũng như pháp lệnh đo lường. Tỷ lệ tổn thất điện năng ở nhiều địa phương lên đến 30 - 35%.
Hiện nay, ngành điện tận dụng tối đa nguồn vốn vay từ nhiều tổ chức để cải tạo LĐHA sau tiếp nhận. Trong 3 năm (2012 – 2014), được EVNCPC quan tâm hỗ trợ, Công ty Điện lực Quảng Nam triển khai dự án ADB và KEW trên địa bàn tỉnh với hơn 190 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp 32km đường dây trung áp, 450km đường dây hạ áp, 30 TBA phụ tải với khoảng 47 nghìn công tơ. Qua đó, toàn tỉnh hiện có 450/1.900km LĐHA đã bàn giao cho ngành điện được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Tiếp theo là dự án ADB với 6,8 triệu USD cũng đang triển khai… |
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành chức năng tiến hành khảo sát tình hình để xây dựng quy chế quản lý LĐHA nông thôn, giao ngành điện tiến hành tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp, quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân ở vùng nông thôn. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, sau 4 năm thực hiện chủ trương này, toàn tỉnh đã có 124/154 tổ chức đã bàn giao LĐHA nông thôn cho Công ty Điện lực Quảng Nam quản lý, cấp điện cho 173 xã. Theo đó, ngành Điện lực đã tiếp nhận 509,29km đường dây trung áp, 1.898km hạ áp và 428 TBA với dung lượng 48.156kVA, trực tiếp cấp điện cho 159 nghìn khách hàng. Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Quảng Nam đã từng bước lập lại trật tự kinh doanh điện nông thôn, giảm tối đa phiền hà và thiệt hại cho khách hàng, điện nông thôn đã được chấn chỉnh một bước cơ bản. Chất lượng điện tốt hơn; đo đếm điện công bằng, chính xác hơn; thời gian mất điện giảm; đặc biệt là người dân được hưởng lợi về giá bán điện theo quy định và không phải chịu các chi phí đóng góp, sửa chữa lưới điện nhưng lại được hưởng chế độ phục vụ, dịch vụ cải thiện tốt hơn. Đại đa số người dân ở vùng nông thôn đồng tình, ủng hộ chủ trương này.
Tiếp tục bù lỗ
Khó khăn, trở ngại lớn nhất hiện nay là tài sản LĐHA bàn giao với khối lượng rất lớn nhưng đang bị xuống cấp nặng, cần phải có nguồn vốn đầu tư không nhỏ để nâng cao chất lượng cung cấp điện. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết: “Tỷ lệ tổn thất LĐHA ở nông thôn trước khi tiếp nhận lên đến 30 - 35%. Sau khi tiếp nhận, việc đầu tiên là công ty chỉ đạo các điện lực trực thuộc phải thay thế toàn bộ các công tơ điện cũ để đảm bảo công bằng trong mua bán điện và khắc phục các điểm xung yếu theo hiện trạng”. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận, công ty đã đầu tư hơn 89,5 tỷ đồng thay thế hệ thống công tơ và sửa chữa từng bước những nơi lưới điện hư hỏng, mất an toàn. Tổn thất điện năng hạ áp các TBA đã xuống còn bình quân dưới 12%.
Sau khi ngành điện tiếp nhận, LĐHA nông thôn được cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên. |
Giải quyết những bất cập Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, phần lớn LĐHA nông thôn ở Quảng Nam được xây dựng trước đây do nguồn vốn hạn chế, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn theo quy định hiện hành. Có nơi điện áp cuối nguồn xuống dưới 150V, tổn thất điện năng của LĐHA nông thôn cao. Theo đề án, ngành điện tiếp nhận LĐHA để bán điện trực tiếp tới khách hàng sẽ giải quyết cơ bản những bất cập lâu nay trong quản lý và bán điện ở nông thôn của các tổ chức, cá nhân ngoài EVN. Sau khi ngành điện tiếp nhận, LĐHA sẽ được cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp chặt chẽ sẽ nâng cao chất lượng điện, giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng, giúp hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn; đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. |
Trong tổng giá trị còn lại LĐHA tiếp nhận ở Quảng Nam, ngành điện phải hoàn trả 133 tỷ đồng và 6,8 triệu USD. Đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã chuyển trả 16 tỷ đồng và 807 nghìn USD cho chủ đầu tư dự án OPEC 1, OPEC 2. Vốn hợp tác xã và vốn góp của dân đã được hoàn trả 9 tỷ đồng. Được phép của UBND tỉnh, công ty đã thực hiện bù trừ đối với các chủ tài sản còn nợ tiền điện để triệt để thu nợ, trước mắt với 22 chủ tài sản khoảng 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải tạo nguồn vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng (theo đề án đã được UBND tỉnh thống nhất) để sửa chữa, nâng cấp và mở rộng lưới điện với hơn một nửa đã xuống cấp. Đây là khoản kinh phí quá lớn, vượt quá khả năng sinh lợi từ việc kinh doanh điện ở Quảng Nam, vì vậy phải có cơ chế và thực hiện từng bước theo lộ trình, kế hoạch đầu tư dài hạn của EVNCPC. Ông Vinh cho biết thêm: “Vấn đề khó khăn nhất sau tiếp nhận LĐHA nông thôn là vốn đầu tư. Nếu có đủ vốn để đầu tư nâng cấp lưới điện thì đảm bảo ngành điện sẽ đưa ngay tỷ lệ tổn thất xuống mức cho phép và đáp ứng các yêu cầu. Nhưng nếu không vay được các nguồn vốn ưu đãi thì vốn vay thương mại khó kham nổi. Để thực hiện cần phải có thời gian, lộ trình đầu tư, vì thế không thể một sớm một chiều huy động được nguồn vốn lớn như vậy”. Trong khi đó, sản lượng điện năng tiêu thụ ở khu vực nông thôn chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh, giá bán bình quân ở nông thôn đạt 1.058 đồng/kWh, thấp hơn giá bán bình quân toàn công ty 96 đồng/kWh, và thấp hơn mức giá thành đến 184 đồng/kWh. Ngoài ra, công ty còn phải bán điện theo giá hỗ trợ 993 đồng/kWh cho khoảng 50 nghìn hộ nghèo mua điện dưới 50kWh/tháng. Như vậy, ngành điện đang và còn tiếp tục kinh doanh trong cơ chế bù lỗ cho điện nông thôn trên địa bàn…
Đặng Hùng