Thị trường hàng hóa phục vụ tết: Vẫn chưa sôi động

CHIÊU THỤC ANH 23/01/2013 07:07

Còn hơn nửa tháng là đến Tết Quý Tỵ nhưng thị trường hàng hóa vẫn chưa mấy sôi động. Người dân vẫn còn dè sẻn, chưa dám mua sắm như các năm, còn người bán thì mệt mỏi vì lo ngại vừa thiếu hàng vừa tồn hàng...

  • Nâng mức dự trữ tiền mặt phục vụ Tết Quý Tỵ
  • Kiểm soát chặt thị trường hàng hóa
  • Tập trung lo tết - Bài 1: Chuẩn bị hàng hóa
  • Tập trung lo tết - Bài 2: Đưa "tết" lên non
  • Tập trung lo tết - Bài 3: Để nhà nhà có tết
  • Tập trung lo tết - Bài 4: Làng nghề chộn rộn
Các cơ sở tạp hóa vắng bóng người mua.
Các cơ sở tạp hóa vắng bóng người mua.

“Còn trông nhiều bề”

Chưa năm nào thị trường hàng Tết Nguyên đán lại rơi vào tình trạng ế ẩm và vắng khách như năm nay. Những năm trước, vào đầu tháng 11 âm lịch là cán bộ công nhân viên, người có thu nhập ổn định và nhân dân sống ở khu vực thành thị đã bắt đầu rục rịch mua sắm. Chương trình mua sắm có thể kéo dài suốt hai tháng cho đến khi Tết Nguyên đán thực sự gõ cửa. Ở nông thôn và những người có kinh tế eo hẹp, dù muộn màng hơn nhưng cũng bắt đầu mua sắm tết vào đầu tháng chạp. Thế nhưng năm nay, dù tết đã về trước cửa nhưng cả người mua lẫn người bán đều “buồn hiu”, trông đợi vào những ngày cận kề tết để xem tình hình có khả quan hơn hay không. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (nhân viên Ngân hàng Sacombank - Phòng giao dịch huyện Núi Thành) nói: “Mọi năm, quần áo, giày dép cho cả nhà đã được mình lựa chọn, mua sắm từ đầu tháng 12 dương lịch. Bởi lúc ấy, hàng thường về nhiều, mẫu mã đẹp, người đi mua sắm còn ít nên không mất công chen lấn, tha hồ lựa chọn. Năm nay, kinh tế khó khăn, lương thưởng bị cắt giảm nhiều nên mình phải cân nhắc, tính  toán các khoản cần chi trong dịp tết nên phải dè sẻn từng chút một, chưa dám mua sắm chi nhiều”.

Kinh tế khó khăn nên người dân đã không còn mạnh tay chi tiền nhân dịp tết đến xuân về. Đa số người tiêu dùng đều tính toán, cân nhắc chi li từng khoản chi tiêu để cân đối nguồn thu nhập của gia đình. “Mọi năm đi chợ mua sắm, thấy có bày bán mặt hàng gì hay, hấp dẫn mình không ngại ngần móc ví ra mua. Nhưng năm nay thì khác, cái nào thực sự cần mình mới quyết định mua” - chị Xuân Loan (nhân viên bảo hiểm AIA) chia sẻ.

Đối với người dân ở khu vực nông thôn, có con cái đi làm ăn xa càng ít trông đợi vào những khoản tiền mà các lao động đem về để mua sắm dịp tết. Bà Nguyễn Thị Phước (thôn 5, xã Tiên An, Tiên Phước) dạo vòng quanh chợ Tam Kỳ nhưng trên tay cũng chưa xách mang gì. Bà Phước nói: “Tui có hai đứa con đi làm ăn xa trong TP.Hồ Chí Minh. Mọi năm, thời điểm này nó đã gửi tiền về cho mẹ mua sắm vật dụng trong nhà trước như quần áo, tủ lạnh, bếp ga, nồi cơm điện... Năm nay, chưa thấy nó gửi, nghe nói có thể không về tết vì lương thưởng bị cắt, nợ nhiều quá”. Kinh tế khó khăn đã tác động đến mọi thành phần, đối tượng trong xã hội. Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng đều có tâm lý trông đợi nên thị trường tết kém sôi động.

Không dám trữ hàng

Tháng chạp được xem là tháng ăn nên làm ra nhất của năm đối với những tiểu thương buôn bán hàng thiết yếu nhưng nay họ lại rơi vào tình cảnh kinh doanh eo sèo. Chợ Tam Kỳ dời lên địa điểm mới, có diện tích lớn, tiểu thương buôn bán nhiều so với chợ cũ nhưng không khí buôn bán không náo nhiệt và ồn ào như các năm trước. Chị Nguyễn Thị Thảo (chủ ki ốt số 56, kinh doanh mặt hàng quần áo), than vãn: “Chưa năm nào ế như năm nay. Khách hàng đi chợ và mua sắm ít hơn những năm trước”. Dự tính trước là buôn bán tết năm nay khó khăn nên đa số người bán đều không dám trữ hàng tết nhiều như các năm. Tuy nhiên, không ai ngờ đã đến giữa tháng chạp nhưng sức mua vẫn kém xa so với dự tính. Thời điểm này năm trước, các chủ cửa hàng quần áo lấy mỗi loại quần jean cả chục dây (đơn vị tính từ size nhỏ nhất đến size lớn nhất - PV), năm nay mỗi loại chỉ dám lấy một dây hoặc từng cái lẻ, bán hết tới đâu thì lấy hàng tới đó. Với mặt hàng bánh kẹo, vốn được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Âm lịch cũng cùng chịu chung số phận. Chị Kim Loan (chủ ki ốt bánh kẹo chợ Tam Kỳ), nói: “Buôn bán khó khăn quá em ơi. Hàng hóa ê hề trên sạp nhưng em thấy đó, không thấy bóng người khách; trong khi mình vay vốn  từ ngân hàng. Ngâm hàng, ế ẩm thì lấy đâu trả tiền ngân hàng”.

Một lý do cũng không kém quan trọng khiến người bán hàng tết mệt mỏi là tình trạng giá cả dao động. Nguyên nhân không phải từ người bán mà từ nhà cung cấp, các đại lý phân phối. Theo bà Nguyễn Thị Lễ - chủ tiệm tạp hóa nhỏ trong hẻm trên đường Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ), năm ngoái, bà vừa nhập 3.000 thùng bia Larue để chuẩn bị bán tết thì nhà cung cấp tung chương trình khuyến mãi mua 30 thùng tặng 1. Lo ngại bị lặp lại tình huống dở khóc dở cười trên, năm nay bà chưa dám nhập hàng thì giá bia hiện tại đã tăng từ 168 nghìn đồng lên 175 nghìn đồng/thùng nhưng đại lý cũng không chịu bỏ hàng. “Lo ngại sức mua kém và giống tình huống năm ngoái nên năm nay không dám lấy nhưng bây giờ lại rơi vào tình trạng mệt mỏi vì không có hàng bán. Với kiểu phân phối và kinh doanh hàng như hiện nay thì giá hàng hóa lên cao trong dịp tết là do các nhà sản xuất, cung cấp hàng chứ không phải từ người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi” - bà Lễ nói.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH