Cảnh giác mỹ phẩm “trôi nổi”
Thị trường mỹ phẩm đang tồn tại nhiều mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng với mẫu mã, bao bì giống hệt hàng thật… đang “bẫy” người tiêu dùng.
Thật giả lẫn lộn
Trong vai khách đi lựa chọn mỹ phẩm, chúng tôi dừng trước một quầy chuyên bán mỹ phẩm tại chợ Tam Kỳ. Người bán hàng bày la liệt những loại mỹ phẩm từ son Apo, Essance, Avon, Debon đến những dược - mỹ phẩm được cho là sản xuất trong nước. Son thì được gom vào một chiếc rổ nhựa để khách hàng dễ lựa chọn. Các loại phấn trang điểm, kem lót nền, kem dưỡng, nước hoa… thì mở ra khỏi hộp, xếp lẫn lộn. Sau một hồi lựa chọn, chúng tôi quyết định mua thỏi son hiệu Essance với giá 120 nghìn đồng. Mang thỏi son này đến cửa hàng mỹ phẩm của người quen nhờ “thẩm định” hộ, chúng tôi khá bất ngờ trước thông tin đây là mặt hàng nằm trong nhóm bị… làm giả nhiều nhất hiện nay. Có thể kể các thương hiệu bị “nhái” gồm: Lacvert Essance (Hàn Quốc), Maybilline (Mỹ); ngay cả dòng sản phẩm son môi Apo, Lipice (hãng Rohto – Mentholatum) vẫn có hàng nhái.
Lựa chọn mỹ phẩm tại chợ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.Ảnh: L.Q |
Nguy hiểm ở chỗ, những sản phẩm “nhái” giống hệt hàng thật từ bao bì, nhãn mác, nhãn phụ, màu sắc, hình dáng… mà người tiêu dùng thông thường rất khó phân định. Theo chị D., chủ cửa hiệu mỹ phẩm tại chợ Tam Kỳ, son Essance thật thường nặng hơn son giả, hình bầu hơn, màu son nhạt và dễ bị trôi màu. Thêm một dấu hiệu nhận biết nữa là cây son thật thường có mã số nhãn phụ là 3 số, gồm #213, #245, #420, #165; trong khi đó hàng giả mã nhãn phụ chỉ có 2 số là #02, #04, #08.
Những loại mỹ phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm giả nhiều, đây là thực tế trên thị trường và đa số người kinh doanh mỹ phẩm cũng thừa nhận như vậy. Thời điểm giáp tết, mỹ phẩm các loại cũng nằm trong nhóm “hàng đổ đống” được bày bán nhiều. Những thỏi son môi, phấn má, sơn móng tay đủ màu sắc, chủng loại được bày bán ngay trước cổng chợ. Chúng được xếp cùng những rá hàng “thập cẩm” khác như móc khóa, băng đĩa... Người mua cứ việc bới tung lên để lựa chọn và thử thoải mái. Loại nào cũng có giá chỉ từ 20 – 50 nghìn đồng. Kiểu bán mỹ phẩm như bán rau này cũng thường thấy ở các “shop vỉa hè” gần cổng trường đại học, khu công nghiệp. “Một thỏi son Lipice giá 60 nghìn đồng, phấn Revlon 10 nghìn đồng, mascara Essance 16 nghìn đồng... Nói chung là giá mềm nên bán khá chạy. Chỉ mất vài chục nghìn mà dùng cả năm, ai chẳng thích!”, một người bán hàng tại chợ Điện Ngọc (Điện Bàn) cho biết. Ở chợ này, hàng mỹ phẩm giá rẻ bán rất chạy do phần đông khách hàng là công nhân trẻ, túi tiền eo hẹp trong khi nhu cầu làm đẹp thì ai cũng có. Một nữ công nhân trẻ đang ngắm nghía thỏi son Kissme vừa mua với giá 7 nghìn đồng có vẻ rất mãn nguyện. Tất nhiên, đó là hàng nhái.
Vài điều cần biết khi mua mỹ phẩm Những thành phần gây dị ứng trong mỹ phẩm chính là hương liệu tạo mùi thơm, phẩm màu, tá dược, chất làm mềm da, chất bảo quản. Cách tốt nhất là thử bôi một chút mỹ phẩm định sử dụng vào vùng da dưới cánh tay, để từ 6-10 giờ. Nếu bị kích ứng da thì ngưng sử dụng. Tìm hiểu rõ nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm, kiểm tra sản phẩm bên trong, không có mùa hắc, chua, màu sản phẩm đều và tình trạng sản phẩm không bị chay nước, vón cục…, xem kỹ hạn sử dụng ghi trên sản phẩm. Nên tìm mua mỹ phẩm ở những cửa hiệu quen biết, có uy tín. |
Tại chợ Tam Kỳ, rất nhiều cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm xách tay với nhiều mức giá khác nhau. Những loại cửa hàng này thường kinh doanh một mặt hàng chủ lực, mỹ phẩm chỉ bày rất ít. Tuy nhiên, nếu khách hỏi đến thì loại nào cũng có, và thường được giới thiệu là hàng “xách tay” từ nước ngoài; mức giá chênh lệch khá cao so với mỹ phẩm “hàng chợ”. Chị T., chủ một shop giày dép tại chợ cũng quen thuộc trong giới buôn mỹ phẩm vì những mặt hàng “có tiếng” đều hiện diện tại cửa hàng chị. Có cửa hàng còn phân ra hàng loại 1 (hàng chính hãng hoặc liên doanh) và loại 2 (hàng lậu Trung Quốc không có tem nhập khẩu), nhưng tất cả đều mang những nhãn hiệu nổi tiếng như Dior, Nivea, Essance… Người tiêu dùng như rơi vào một ma trận, trong khi người bán nắm bắt tâm lý thích hàng xịn của khách nên độn giá lên rất cao, bất kể hàng thật hay giả. Nếu “may mắn”, bạn sẽ chọn được một sản phẩm của công ty liên doanh, còn không thì đụng phải hàng rởm.
Khó kiểm soát
Ngoài một số hãng có đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam như Debon, Tenamyd Canada, Ponds, Hazelin, Shisheido..., phần lớn mỹ phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đều không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, dễ gây dị ứng khi sử dụng. Được “mượn danh” nhiều nhất phải kể đến các thương hiệu nổi tiếng của Pháp như Lancôme, Ninaricci, Chanel, Christinan Dio, Elizabeth, Kalvin Klein…; kế đó là các hãng Debon (Hàn Quốc), Shisheido (Nhật Bản). Ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, hiện nay chưa có hiệp hội mỹ phẩm, việc đối chiếu sản phẩm từ doanh nghiệp cũng như hiệp hội chưa có. Vì thế, cán bộ quản lý thị trường muốn phân biệt hàng thật - hàng giả cũng chỉ dựa vào tem nhập khẩu, hóa đơn, nhãn phụ… Trong khi đó, người buôn mỹ phẩm thường chỉ viết hóa đơn tay.
Không chỉ có mỹ phẩm mới bị làm giả, trong năm 2011, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã xử lý 2 vụ về sản phẩm xà phòng Omo giả, kem đánh răng PS giả. “Năm 2012, chúng tôi đã mời Tập đoàn Unilever về tập huấn cho cán bộ quản lý thị trường về việc nhận biết sản phẩm thật, giả của tập đoàn. Riêng đối với mặt hàng mỹ phẩm, nếu có hiệp hội mỹ phẩm thì tốt hơn cho những người làm công tác quản lý thị trường như chúng tôi” - ông Cần cho biết. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh vừa bắt được lô hàng hơn 1.200kg mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ. Để biết được lô hàng này thật hay giả, chi cục đã phải phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy sản phẩm gửi đi kiểm nghiệm, hiện còn đang chờ kết quả để có hướng xử lý.
Gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về chất parabens có trong mỹ phẩm có thể gây ung thư vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới. Điều đáng lo ngại là hiện nay các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được quảng cáo là “hàng xách tay”. “Đối với mỹ phẩm có thành phần không rõ ràng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… đều nguy hiểm. Có nhiều chất còn tác hại hơn cả parabens, nếu sử dụng lâu ngày có thể gây bỏng da, teo da, bị ngứa và còn nhiều tác hại khác” - một bác sĩ khoa Da liễu (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết.
LÊ QUÂN - HOÀNG TÂN