Kết toán ngân sách năm 2012: Lạc quan trong khó khăn!
Tính đến 16 giờ 30 ngày 27.12.2012, tổng thu, chi ngân sách nhà nước hay tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đều chưa thể đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những con số này vẫn được đánh giá là khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế cả nước.
Từ những con số
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến chiều 27.12.2012, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 5.268 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, bằng 87% so năm trước. Trong đó, thu cân đối ngân sách nhà nước khoảng 4.989 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, bằng 87% so với năm 2011. Riêng thu ngân sách trung ương chỉ đạt 1.110 tỷ đồng, đạt 35%, bằng 54% so với năm ngoái và thu ngân sách địa phương 4.158 tỷ đồng, đạt 78,5% dự toán và bằng 95% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu cho vay ngân sách nhà nước là 95 tỷ đồng, đạt gấp 4,75 lần dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 13.066 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước.
Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đình đốn sản xuất đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.Ảnh: T.D |
Đáng chú ý là bội chi ngân sách vẫn không nhiều so với nhu cầu đầu tư phát triển trong năm qua, lượng bội chi chỉ vượt 22% so với năm 2011, thấp hơn nhiều với tỷ lệ 36% của năm 2011 so với năm 2010. Tuy nhiên, con số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả trung ương và địa phương đều giảm mạnh. Thu ngân sách trung ương chỉ mới đạt ở con số 35% so với dự toán và thu thuế xuất nhập khẩu cũng chỉ 36% dự toán. Đây là điều đã được dự báo trước tình trạng doanh nghiệp bị đình đốn sản xuất và lượng hàng tồn kho quá lớn.
Trong một diễn trình khác, không như những lo lắng rằng trước hàng loạt dự án giải ngân thấp đến mức có dự án bằng không khi thời hạn kết toán ngân sách đã gần kề, đã được thay bằng những con số lạc quan hơn. Tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đã có tín hiệu lạc quan, dù tỷ lệ thấp hơn năm trước. Tỷ lệ giải ngân đã đạt 84% với 5.498/6.563 tỷ đồng kế hoạch và các cấp ngân sách đều đạt trên 81%. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2012 cấp phát khoảng 4.465/5.318 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch và kế hoạch vốn ứng trước khoảng 1.033/1.245 tỷ đồng, đạt 83%. Tỷ lệ giải ngân cao nhất thuộc về ngân sách trung ương (đạt 103%, 408/394 tỷ đồng), nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt 93% với 1.062/1.143 tỷ đồng), vốn trái phiếu chính phủ khoảng 81% với 778/964 tỷ đồng, bao gồm tỷ lệ giải ngân đến 89% dự án trung ương quản lý và 81% dự án địa phương quản lý. Ngoài ra, dù nguồn vốn chương trình mục tiêu chỉ đạt tốc độ giải ngân khoảng 76% (378/498 tỷ đồng) vẫn được xem là khả quan khi nguồn vốn này phân bổ chậm. Một điều đặc biệt được nhìn thấy là tình hình tạm ứng tồn ngân năm 2012 đã 0%, dư nợ cuối năm 0%, trong khi con số trả nợ trong năm đã có được 246 tỷ đồng. Song, vấn đề tạm ứng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn với tổng nợ (không kể kinh phí ứng trước) đã là 1.475 tỷ đồng, chiếm đến 11% tổng chi ngân sách, trong đó nợ tạm ứng chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010 trở về trước khoảng 257 tỷ đồng chưa thể thu hồi, quyết toán hay hoàn ứng được cũng là điều mà cơ quan quản lý chưa thể yên tâm.
Cần quyết liệt hơn
Theo nhận định của các cơ quan quản lý và cơ quan cấp phát thì tỷ lệ cấp phát không đạt con số 100% như dự toán nhưng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước, doanh nghiệp đều hết sức khó khăn thì tốc độ này khả quan. Thành công đầu tiên phải kể tới chính nhờ sự phân cấp mạnh cơ chế quản lý vốn đầu tư. Các chủ đầu tư chủ động triển khai, thực hiện dự án. Cấp thẩm quyền giao dự toán sớm; chỉ đạo quyết liệt trong điều hành kế hoạch vốn đầu tư; tận dụng triệt để, hiệu quả sử dụng nguồn vốn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành trong quản lý vốn đầu tư. Theo ông Hoàng Ngọc Thành, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, khởi đầu từ nỗ lực của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, cơ quan tài chính đã xây dựng được một môi trường giao dịch thông thoáng, nâng cao chất lượng, an toàn trong kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư hoặc đã vượt qua khó khăn bước đầu trong việc triển khai hệ thống thông tin quản lý tài chính TABMIS. Kho bạc Nhà nước đã cùng các chủ đầu tư gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ tồn tại, xử lý những tồn đọng; phối hợp phân tích nguyên nhân, giải quyết khó khăn, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp và nhanh chóng tham mưu các cấp thẩm quyền trong việc điều chuyển vốn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2012.
Mặc dù chưa đến mức phải lo ngại nhưng vẫn chưa thể lạc quan cho dù tốc độ giải ngân đã được cải thiện dần, nhất là luôn tồn tại nghịch lý không thể xài hết vốn. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai thì những biện giải “vốn rất cũ” của các chủ đầu tư hay các ban quản lý dự án đều là kế hoạch vốn thông báo chậm. Một lý do khác được nhắc tới nhiều nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng chậm hoặc chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành và tạm ứng kéo dài dẫn tới nợ tạm ứng lưu cữu nhiều năm trong kho bạc… vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo.
Một sự thật thường được chính quyền, cơ quan quản lý công bố và lên tiếng trước rất nhiều cuộc họp rằng chính thái độ chủ quan từ các chủ đầu tư hay ban quản lý dự án đã khiến tốc độ giải ngân bị chậm. Đầu năm thư thả, chỉ chờ tới cuối năm mới lập thủ tục gửi kho bạc giải ngân nên dẫn tới “hệ quả” không thể tiêu hết vốn! Đó là điều có thực nhưng không thể giải quyết được trong rất nhiều năm, thậm chí càng ngày càng gia tăng, đến nỗi Quảng Nam đã từng phải chịu không ít vốn bị trung ương thu hồi khi nhu cầu đầu tư vẫn luôn trong tình trạng đói vốn. Để cải thiện tình trạng này có lẽ nên áp dụng những chế tài như “tính lãi” trên số vốn đã được cấp nhưng không thanh toán số lượng khi đến hạn hoặc quy trách nhiệm cụ thể, thậm chí kỷ luật chủ đầu tư khi không hoàn thành nhiệm vụ và để mất vốn, thay vì liên tục mở những cuộc họp bàn, khuyến cáo… mà không thể đưa ra những biện pháp cụ thể.
Trịnh Dũng