Hụt thu ngân sách

12/12/2012 01:32

Lần đầu tiên sau nhiều năm, nguồn thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh không đạt kế hoạch và thấp hơn năm trước. Điều này đã được dự báo sớm do những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài.

alt
Hàng hóa quá cảnh qua cảng sụt giảm. Ảnh: T.D

Năm 2012, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được Trung ương giao 7.700 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 8.400 tỷ đồng. Trong đó, 4.800 tỷ đồng thu nội địa (có cả thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất nộp một lần), 3.100 tỷ đồng thu xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc hôm qua 11.12, tổng thu nội địa của tỉnh chỉ khoảng 3.650 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt 31% so với dự toán (1.100/3.100 tỷ đồng). Hụt thu nội địa khoảng 1.150 tỷ đồng so với kế hoạch; trong đó 900 tỷ đồng thuế các loại và 250 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Một thống kê khác cho thấy, tất cả địa phương tại Quảng Nam đều có số thu nội địa chỉ xấp xỉ dự toán. Riêng phần thu ngân sách tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Lý do hụt thu được giải thích là do thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, chính sách cho vay đầu tư bất động sản đã bị hạn chế khi cả năm chỉ có 1,5% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này; còn các dự án khai thác quỹ đất tại các địa phương đã hoàn thành, nhưng nhu cầu người mua giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án. Nguồn thu xuất khẩu vượt 25% so với chỉ tiêu kế hoạch; nhưng nhập khẩu lại giảm hơn 28%, do sản xuất khó khăn, các doanh nghiệp không có nhu cầu nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu đầu vào .

Dự báo được khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa chấm dứt, nên tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh đề xuất chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 hơn 6.700 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 4.478 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu 1.100 tỷ đồng) thấp hơn kế hoạch năm 2012.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, số tăng thu liên tục của doanh nghiệp (DN) nhà nước trung ương mấy năm qua là nhờ có năng lực mới tăng thêm, các dự án đầu tư thủy điện thu hút được các DN nhà nước trung ương tham gia xây dựng nên kết quả thu từ hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai tương đối cao. DN khai thác khoáng sản có thị trường tiêu thụ ổn định nên sản xuất kinh doanh phát triển. Nhưng năm 2012 không tăng thêm năng lực mới, số thu từ hoạt động xây dựng vãng lai giảm nên số thuế thu được đã không như ý muốn. Còn đối với DN nhà nước địa phương thì số thu chủ yếu từ yến sào và các DN cổ phần hóa. Nhưng yến sào không bán được và kết quả sản xuất kinh doanh của DN đều trong tình trạng khó khăn nên không đóng góp nhiều cho nguồn thu ngân sách. Điều dễ thấy rằng, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, năm 2012, do khó khăn chung của nền kinh tế đã tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất kinh doanh của DN. Dự toán thu khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh 2.631 tỷ đồng, lại chủ yếu tập trung vào số thu từ ô tô Trường Hải - Kia là 1.884 tỷ đồng. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.583 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Bá Tùng thông tin, năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của Ô tô Trường Hải gặp nhiều khó khăn, nhất là với sản phẩm ô tô du lịch, nên nguồn đóng góp ngân sách thấp xa so với dự toán. Gần như vài năm trở lại đây, nguồn thu ngân sách nhà nước của Quảng Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ ô tô du lịch của Ô tô Trường Hải khi chiếm đến 42% tỷ trọng trong tổng thu nội địa, nên khi DN này bị sụt giảm giá trị sản xuất, đã kéo theo sự sụt giảm đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, theo Nghị quyết 13 của Chính phủ về việc thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp một số khoản thu ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường... cũng đã làm hụt thu đáng kể nguồn ngân sách nhà nước.

Đầu năm 2012, các cơ quan tài chính đã khẳng định nguồn thu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay do chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt và đầu tư công bị cắt giảm. Nguồn thu chính từ phát triển sản xuất sẽ tăng chậm lại, nguồn tăng thu từ thị trường tài chính tiền tệ cũng bị siết, kéo theo sự hạn chế nguồn thu trên thị trường bất động sản và hàng tiêu dùng “cao cấp” “xa xỉ”. Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam Đinh Văn Minh nói “sức khỏe” của DN ngày càng sụt giảm thì khả năng không hoàn thành dự toán thu thuế đã được báo trước. Cơ quan thuế đã linh hoạt động viên, chia sẻ với DN trong mọi tình huống, nhưng DN không sản xuất hay tiêu thụ được thì lấy đâu ra doanh thu hay lãi nên có nợ cũng không biết tìm đâu mà trả! Hụt thu thì cũng đành phải chấp nhận.

TRỊNH DŨNG