Biến lông gà thành phân hữu cơ

PHAN VINH 14/10/2023 16:59

(QNO) - Từ lông gà vứt đi, qua tìm tòi, nghiên cứu phương pháp sản xuất, anh Nguyễn Hà Thiên (SN 1992, xã Duy Phước, Duy Xuyên) đã biến nó thành phân hữu cơ dạng viên nén. Dù mới đưa ra thị trường với sản lượng 30 - 50 tấn mỗi tháng nhưng sản phẩm của anh luôn trong tình trạng "cháy" hàng.

Xưởng sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà đã áp dụng quy trình khử mùi hôi. Ảnh: PHAN VINH
Xưởng sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà đã áp dụng quy trình khử mùi hôi. Ảnh: PHAN VINH

Từ phương pháp truyền thống

Anh Thiên kể, năm 2021, anh được một thương lái ở Cần Thơ yêu cầu thu gom lông gà để xuất khẩu qua Trung Quốc với giá cao. Công việc thuận lợi được một thời gian ngắn thì đối tác bắt đầu ép giá. Ôm hàng trong kho, không thể bán được vì lỗ, anh Thiên đã liên hệ các trại trồng quất ở Hội An để cung cấp lông gà làm phân bón.

"Lúc mình thu gom lông gà, các chủ trại quất, mai, rau sạch cũng hay hỏi mua. Sau này khi đứng hàng, mình bắt đầu tìm hiểu sâu về công dụng này của lông gà. Từ đó, phát hiện lông gà tuy cung cấp nhiều đạm cho cây nhưng có nhiều khuyết điểm như có vi khuẩn, mọt gà, mùi hôi và có tính nóng không tốt cho gốc" - anh Thiên nói.

[VIDEO] - Anh Thiên chia sẻ lý do đến với việc sản xuất phân bón hữu cơ từ lồng gà:

Để khắc phục những hạn chế đó, anh Thiên thử sấy khô lông gà rồi cho nghiền thành bột nhưng thất bại. Lông gà khi sấy ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra khí biogas mà vẫn còn độ ẩm.

Không bỏ cuộc, anh lại thử áp dụng phương pháp truyền thống của ông bà là ủ lông gà với tro, trấu, men vi sinh và cám gạo. Lần này, anh thành công khử được các vi khuẩn có hại và tạo ra nhiều vi sinh có lợi cho rễ cây và đất. Tuy nhiên, cũng giống như ông bà ủ phân chuồng, mùi hôi là điều gây trở ngại nhất cho anh Thiên trong quá trình sản xuất.

Đo độ ẩm tạo môi trường sống cho vi sinh có lợi. Ảnh: PHAN VINH
Đo độ ẩm tạo môi trường sống cho vi sinh có lợi. Ảnh: PHAN VINH

Lúc bấy giờ, anh tìm trên mạng cách khử mùi hôi và may mắn được biết Tiến sĩ Tạ Ngọc Ly - Khoa Hóa (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), người đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà.

Từ đây, anh nắm được cách khử mùi hôi do một loại vi sinh gây ra trong thành phần phân của mình bằng than hoạt tính và các hợp chất hữu cơ khác. Mùi hôi đặc trưng của lông gà trong phân hữu cơ giảm chỉ còn 20% và bốc mùi hết trong khoảng từ 3 - 5 giờ đồng hồ sau khi tiếp xúc với không khí. Sản phẩm được đưa đi kiểm định và đạt chuẩn chất lượng phân hữu cơ.

Đến sản phẩm phục vụ thị trường

Hiện tại xưởng sản xuất của Nguyễn Hà Thiên nằm trong vùng đất được quy hoạch thành lập cụm công nghiệp của xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Anh đầu tư máy móc theo quy trình khép kín từ nguyên liệu thô tới thành phẩm với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Anh Thiên đã đầu tư máy móc cho xưởng hơn 1,5 tỷ đồng. Ảnh: PHAN VINH
Anh Thiên đã đầu tư máy móc cho xưởng với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Ảnh: PHAN VINH

Mỗi ngày, từ khoảng 30 lò mổ gà tại TP.Đà Nẵng và Quảng Nam, Thiên thu mua trung bình 1,7 tấn lông. Với quy mô sản xuất từ 30 - 50 tấn phân hữu cơ từ lông gà dạng viên nén, mỗi tháng mang doanh thu về cho anh hơn 200 đồng. Sản phẩm của Nguyễn Hà Thiên hiện cung cấp thường xuyên cho các trang trại quất, mai và rau sạch trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

[VIDEO] - Anh Thiên chia sẻ về những lợi ích của phân hữu cơ từ lông gà:

Vừa qua, chị Lê Thanh Nga - chủ trang trại Lò Gạch Cũ (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ lông gà của anh Thiên trên một luống rau và so sánh với một luống rau khác sử dụng phân chuồng truyền thống. Kết quả cho thấy, luống rau được sử dụng phân lông gà cho tỷ lệ nảy mầm nhanh, rau mướt hơn, đặc biệt, đất cũng tơi xốp hơn so với luống còn lại.

"Từ thực tế này, vụ mùa trồng lúa tím than năm 2024, trang trại mình sẽ sử dụng phân hữu cơ từ lông gà của anh Nguyễn Hà Thiên trên diện tích 2ha. Trước đây, mình dùng phân chuồng, cứ mỗi mùa phải đi thu mua, tự bỏ công ra ủ khá tốn công. Nên giờ có phân tiện lợi hơn, tốt cả cho cây lẫn đất thì không có lý do gì mình không dùng" - chị Nga nói.

Sản phẩm phân hữu cơ từ lông gà mang về doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng cho anh Thiên. Ảnh: PHAN VINH
Sản phẩm phân hữu cơ từ lông gà mang về doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng cho anh Thiên. Ảnh: PHAN VINH
"Với hướng đi, tận dụng lông gà, một phế phẩm bỏ đi của nhiều lò mổ để làm phân hữu cơ tốt cho cây và đất, mình tin sản phẩm này rất có tiềm năng trong thời gian tới. Mình sẽ cải thiện thêm quy trình sấy cách nhiệt để đảm bảo cung ứng ra thị trường khối lượng sản phẩm nhiều hơn nữa bởi hiện tại, phân hữu cơ lông gà cứ sản xuất ra là hết" - Nguyễn Hà Thiên chia sẻ.
Theo anh Thiên, trữ lượng lông gà phế phẩm từ các lò mổ rất lớn. Tuy nhiên, lông gà rất khó phân hủy tự nhiên do chất keratin từ lông gà vốn là protein có cấu trúc dạng sợi, độ bền cơ học cao. Do đó, nếu chỉ chôn xuống đất mà không có phương pháp xử lý hợp lý thì lâu dần sẽ tạo ra môi trường vi khuẩn độc hại và bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường.

PHAN VINH