Chuyện chàng kỹ sư nuôi gà ác
(QNO) - Cháy bỏng ngọn lửa khởi nghiệp, chàng kỹ sư chăn nuôi Lê Ngọc Phước (thôn Đại Quý, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) đã bỏ việc để hồi hương gầy dựng mô hình nuôi gà ác lấy trứng.
Ngày Lê Ngọc Phước đưa ra quyết định về lại quê hương Phú Ninh lập nghiệp nhiều người bảo Phước... không bình thường vì bỏ công việc ổn định của một kỹ sư với mứclương nhiều người mơ ước. Nhưng những tháng ngày làm việc tại công ty thức ăn chăn nuôi, được tiếp xúc nhiều mô hình khởi nghiệp hay, thành công thôi thúc trong con người thanh niên này rực cháy lửa khởi nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi.
Bỏ đất Sài Gòn phồn hoa về miền trung du Tam Lộc, hành trang Phước mang theo chỉ có ý chí mạnh mẽ cùng đôi bàn tay trắng và xác định chặng đường sắp tới là những vất vả, gian nan.
"Ban đầu, tôi vẫn loay hoay chọn loại gia cầm chính để chăn nuôi và không có vốn đầu tư nên chỉ dám khởi sự bằng mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp nhằm tích cóp tạo nguồn lực tài chính. Sau đó, trong một chuyến đi miền Tây, thấy người dân nuôi gà ác rất là nhiều mà thấy ở quê mình chưa có ai làm thì nghĩ ngay đến việc nuôi gà ác lấy trứng cung cấp cho thị trường Quảng Nam" - Lê Ngọc Phước nói.
Những năm đầu lập trang trại, Lê Ngọc Phước gặp khó khăn vì chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm trứng. Thêm chuyện chưa đủ tiềm lực tài chính để xây dựng chuồng trại, chưa thể tự động hóa quy trình sản xuất khiến chi phí đầu vào vẫn khá cao. Đồng thời, dịch Covid-19 ập xuống mấy năm liền khiến Phước chồng chất lao đao khi thị trường tiêu thụ sụt giảm buộc phải chăn nuôi cầm chừng…
[VIDEO] - Trang trại nuôi gà ác lấy trứng của Lê Ngọc Phước:
Không từ bỏ ước mơ đã dày công nung nấu, chàng thanh niên giàu nghị lực cùng vợ bôn ba từ Quảng Nam tới Đà Nẵng để tìm nguồn tiêu thụ. Và Phước nhạy bén liên kết sản xuất với một số doanh nghiệp lớn hơn, ký kết hợp tác với các công ty ngành chăn nuôi để được chia sẻ kinh nghiệm trong khẩu phần thức ăn, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho giống gà ác đẻ trứng… Đồng thời, chàng trai này đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô, hiện đại.
"May mắn khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và một số công ty đối tác cung cấp nguồn thức ăn, hỗ trợ vật tư làm chuồng trại nên tôi dần mở rộng quy mô" - Lê Ngọc Phước cho biết.
Bền gan vượt qua những trắc trở, hiện trang trại gà ác sản xuất 1.400 trứng/ngày giúp Phước có thu nhập khoảng 700 ngàn đồng. Để tiếp tục đưa sản phẩm của mình vươn tầm, trong năm 2022, Phước đã làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao và cuối năm rồi niềm vui đã đến với chàng trai giàu nghị lực.
Những ngày năm mới Quý Mão, nhìn lại chặng đường khó khăn đã đi qua, chàng trai này tâm sự: “Có được chứng nhận 3 sao không chỉ là thành quả của nỗ lực của bản thân mà đó là điều kiện để thương hiệu trứng gà ác Ngọc Diệp thêm nhiều khách hàng mới. Mong rằng mọi việc thuận lợi hơn trong năm mới".