Thanh niên làm giàu từ nuôi trùn quế

NGUYỄN QUỲNH 08/11/2021 10:15

(QNO) - Không nản chí sau thất bại nuôi thỏ, thanh niên Nguyễn Văn Thành (thôn 7B, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) chọn mô hình nuôi trùn quế để khởi nghiệp thêm lần nữa và bước đầu đem lại thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng.

Mô hình nuôi trùn quế của anh Thành rộng hơn 1.500m2, mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 480 triệu đồng từ bán thịt trùn và phân bón. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Trang trại nuôi trùn quế khép kín hơn 2.000m2 được anh Thành xây dựng bài bản với mái che bằng tôn, xung quanh tường gạch, mỗi ô nuôi được phân chia đều nhau với kích thước chiều ngang 2m, chiều dài 20m để thả nuôi trùn quế giống và trùn thịt.

Anh Thành kể, năm 2015 anh rời TP.Hồ Chí Minh quay về quê hương lập nghiệp. Tận dụng mảnh đất vườn nhà hơn 1ha, anh nuôi thỏ và nuôi thử nghiệm 20kg trùn quế. Thời gian đầu nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi tháng thu nhập 20 - 30 triệu đồng.

Trùn quế ngoi lên để ăn phế phẩm sinh học. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Thức ăn của trùn quế là phế phẩm sinh học. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Nuôi thỏ kéo dài đến năm 2019 thì dịch Covid-19 xuất hiện khiến thị trường tiêu thụ thỏ giống, thỏ thịt gặp nhiều khó khăn và số nợ lên tới 100 triệu đồng. Để cứu vãn vốn đầu tư, anh bán sạch thỏ nuôi, cộng với vốn tích lũy và vay mượn được tổng cộng 700 triệu đồng, anh bắt đầu chuyển hẳn sang nuôi trùn quế.

“Năm 2020 tôi có ra Hà Nội học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế, đồng thời tìm hiểu thêm qua sách báo. Nuôi trùn quế tỷ lệ hao hụt thấp, trùn ít bị bệnh. Để đảm bảo độ ẩm 60 - 70%, tôi cài đặt máy đo nhiệt độ cho tiện theo dõi. Sau 40 ngày từ khi thả nuôi, có thể xuất bán trùn cho các nhà vườn trồng lan, làm rau sạch, các hộ nuôi cá, gia súc, gia cầm” - anh Thành nói.

Anh Thành đang kiểm tra trùn sau gần 1 tháng thả nuôi. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Anh Thành kiểm tra trùn quế. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Để thu lợi nhuận cao hơn từ trùn quế, anh Thành phân loại sản phẩm một cách khoa học trước khi bán ra thị trường. Mỗi ký trùn thịt anh bán giá dao động 60 - 80 nghìn đồng, dịch trùn 100 nghìn đồng/lít; đầu tư máy móc sàn phân và đóng gói dạng phân viên, phân bột với mức giá 25 - 40 nghìn đồng/kg. Cứ mỗi tuần anh bắt đầu thu hoạch trùn và sản phẩm từ trùn. Hằng tháng lãi hơn 40 triệu đồng.

Để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, anh thuê 3 nhân công vừa sản xuất vừa tiếp thị. Năm 2020, dự án “Sản phẩm hữu cơ - giá thể đất trồng nông nghiệp sạch” của anh Thành được UBND tỉnh công nhận là ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh.

Sản phẩm phân hữu cơ trùn quế. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Sản phẩm phân hữu cơ trùn quế. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Tiếp nối thành công, anh Thành ấp ủ mở rộng trang trại nuôi trùn quế lên 5.000 - 10.000m2, liên kết với hội LHTN, nông dân của xã thành lập tổ hợp tác cung cấp và bao tiêu trùn quế, sản phẩm sản xuất từ phân trùn. Anh cũng đang xúc tiến thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng với 7 thành viên đến từ Tiên Phước, Tam Kỳ.

Ông Lê Trường Hiền - Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, trước đây xã hỗ trợ anh Thành nuôi thỏ nhưng do Covid-19 nên thất bại. Sau đó anh chuyển sang đầu tư nuôi trùn quế và bước đầu đem lại hiệu quả. “Xã sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn Thành về hồ sơ, thủ tục thành lập hợp tác xã; đồng thời quảng bá sản phẩm, nhân rộng mô hình nuôi trùn quế trong thời gian tới” - ông Hiền cho biết.

NGUYỄN QUỲNH