Trồng rau thủy canh ở vùng cát Bình Minh
(QNO) - Vợ chồng anh Trương Phi Sơn và chị Bùi Thị Kim Hiền (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) đầu tư mô hình trồng rau thủy canh và sản phẩm dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Trước đây, anh Sơn làm cho một công ty xuất nhập khẩu, còn chị Hiền là giáo viên. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc ít đi, thu nhập giảm sút nên hai vợ chồng suy tính tìm kiếm con đường khởi nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Chị Hiền chia sẻ, xã Bình Minh là vùng ven biển có khí hậu khắc nghiệt, đất cát nóng, khô cằn nên trồng trọt rất khó. Toàn bộ nguồn nông sản đều phụ thuộc vào các địa phương lân cận. Và với xu thế nông sản sạch đang là sự lựa chọn hàng đầu của thị trường nên hai vợ chồng quyết tâm đầu tư trồng rau thủy canh ngay trên mảnh đất gia đình.
“Chúng tôi đều là tay ngang làm nông nghiệp nên chưa biết xuất phát điểm từ đâu. Vốn kiến thức ít ỏi tích lũy từ việc trồng giàn rau thủy canh quy mô hộ gia đình là không đủ. Chính vì thế, chúng tôi tìm hiểu trên mạng, học tập từ những mô hình thành công trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu phương án ứng phó với khí hậu khắc nghiệt của địa phương” - chị Hiền kể.
Sau khi nắm vững phương pháp kỹ thuật và chọn được đơn vị cung ứng thiết bị, nguồn giống tin cậy, vợ chồng chị mới bắt tay vào đầu tư mô hình trồng rau thủy canh quy mô 500m2 với kinh phí hơn 500 triệu đồng vào cuối năm 2020. Cùng với đó là đăng ký thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Friendly Farm để nông sản dễ tiếp cận thị trường.
Hệ thống nhà màng của HTX Nông nghiệp sạch Friendly Farm được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, nguồn dinh dưỡng được kiểm soát thường xuyên nên chất lượng rau luôn đảm bảo. Nhờ đó, những giàn rau thu hoạch đầu năm 2021 đều xanh tốt, không sâu bệnh và được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, khi bước sang mùa nắng nóng, nhiều loại rau không hấp thụ dinh dưỡng, khô héo do nhiệt độ trong nhà màng tăng cao.
Anh Sơn cho biết, ngay khi phát hiện mô hình nhà màng có một số vấn đề, vợ chồng đã đầu tư hệ thống quạt gió giúp lưu thông không khí; thay thế giá thể xốp bằng xơ dừa giúp giữ ẩm, tăng mức hấp thụ dinh dưỡng của rau; đầu tư hệ thống phun sương ngoài nhà màng thay vì phun trên lá giúp rau không bị khô héo, phát sinh nấm mốc do nước đọng.
“Đồng bộ giải pháp trên giúp nhiệt độ bên trong nhà lưới giảm từ 6 - 8 độ C, các loại rau có thể phát triển bình thường trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C. Đặc biệt, chúng tôi còn sử dụng chế phẩm sinh học từ ớt, tỏi phun trên lá giúp rau xanh tốt, chống sâu bệnh hiệu quả” - anh Sơn chia sẻ.
Hiện cải thìa, cải ngọt, cải bó xôi và các loại xà lách batavia, thủy tinh, muir là sản phẩm chủ lực của HTX. Vợ chồng anh Sơn cũng đang nghiên cứu các phương pháp trồng gối vụ để ổn định đầu ra, đáp ứng nhu cầu thị trường địa phương và các khu vực Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng; thử nghiệm trồng các loại dưa leo baby, dưa lưới tạo nguồn nông sản đa dạng cho HTX.
Anh Sơn mong được sự hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ HTX truy xuất nguồn gốc và đăng ký chứng nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời tạo điều kiện cho HTX thuê đất dài hạn để mở rộng sản xuất trong tương lai.