“Mỳ Quảng cô Huệ”: Hương vị quê nhà

CHÂU NỮ 01/06/2021 06:20

“Mỳ Quảng là nghề gia truyền của nhà tôi hơn 30 năm nay. Mẹ tôi chọn nghề tráng mỳ để mưu sinh và nuôi con ăn học. Tôi nối nghiệp mẹ nhưng có nhiều cải tiến, đa dạng sản phẩm so với thời làm thủ công trước đây” - bà Phan Thị Huệ (chủ cơ sở mỳ Quảng cô Huệ) mở đầu câu chuyện về hành trình giữ nghề tráng mỳ của mình.

Mỳ Quảng tươi cô Huệ tại Techfesh Quảng Nam lần thứ 2 năm 2021. Ảnh: T.T
Mỳ Quảng tươi cô Huệ tại Techfesh Quảng Nam lần thứ 2 năm 2021. Ảnh: T.T

Mỳ Quảng cô Huệ

Những năm 1990, mẹ bà Phan Thị Huệ (khối phố Phương Hòa Tây, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) mưu sinh và nuôi con ăn học bằng nghề tráng mỳ và bán dạo quanh làng. Ngày cao điểm làm cả trăm ký mỳ hoàn toàn bằng thủ công, thi thoảng mới xay bột bằng máy. Là chị cả, khi học hết lớp 7, bà Huệ ở nhà phụ mẹ tráng mỳ lo cho các em ăn học.

Lúc đầu chỉ tráng mỳ bằng chiếc nồi nhỏ kê trên mấy cục gạch, rồi xây được cái lò tráng đun củi, sau chuyển sang tráng mỳ bằng công nghệ trên dây chuyền máy móc hiện đại.

Hiện nay mỗi ngày bà Huệ đưa ra thị trường gần 500kg mỳ mang thương hiệu “mỳ Quảng cô Huệ”, nhiều nhất là cung cấp cho hệ thống mỳ Giao Thủy (Tam Kỳ) và các quán mỳ lâu năm khác.

Doanh thu bình quân khoảng 200 triệu đồng/tháng. Chuyện giữ nghề tráng mỳ Quảng là hành trình dài với không ít lo toan nhọc nhằn của bà Huệ, từ việc mang từng cân mỳ đi chào hàng khắp các quán, thức khuya dậy sớm đến tìm vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc...

Sau khi được mẹ chuyển giao toàn bộ “công nghệ” cùng những bí quyết gia truyền để cho sợi mỳ mềm, dẻo, dai mà không dùng chất phụ gia, bà Huệ tiếp tục nghiên cứu đa dạng sản phẩm với mỳ Quảng tươi nhiều màu (trắng, xanh, đỏ, tím, vàng) từ rau củ (gấc, củ dền, bồ ngót, nghệ, lá cẩm…); mỳ Quảng khô, mỳ Quảng tươi ăn liền - những sản phẩm phù hợp để mang đi xa...

Hiện cơ sở của bà Huệ giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, làm việc từ 2 giờ sáng đến 7 giờ sáng, thu nhập 150 nghìn đồng/người/ngày.

Được chính quyền các cấp, hội phụ nữ, đặc biệt là khách hàng hỗ trợ, dần dà bà xây dựng thương hiệu “mỳ Quảng cô Huệ”. Giờ đây, “mỳ Quảng cô Huệ” đã nổi tiếng và ngày càng được biết đến nhiều hơn qua các các sự kiện, diễn đàn như: Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2; ngày hội trưng bày sản phẩm QNB và OCOP tại TP.Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, dù giá nguyên liệu có biến động, cơ sở sản xuất “mỳ Quảng cô Huệ” vẫn bình dị, khiêm tốn ở một góc hẻm tại khối phố Phương Hòa Tây, phường Hòa Thuận và vẫn bán với giá 12 nghìn đồng/kg, rẻ hơn 1 nghìn đồng/kg so với giá thị trường.

Khởi nghiệp ở tuổi U50

Trong sản xuất mỳ Quảng, chọn nguyên liệu là khâu quan trọng nhất để cho ra sản phẩm ngon, đạt chất lượng. Bà Huệ cho biết: “Kinh nghiệm mẹ tôi truyền lại là gạo tráng mỳ phải là gạo mùa không dùng thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác; không dùng chất bảo quản trong chế biến; pha chế tỷ lệ nước - gạo hợp lý...”.

Để có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, nhằm đưa sản phẩm đi xa hơn và tạo niềm tin cho khách hàng, bà Huệ đưa sản phẩm kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả, mọi chỉ tiêu của sản phẩm “mỳ Quảng tươi cô Huệ” đều đạt. Trong đó, hạn sử dụng là vấn đề khó nhất nhưng “mỳ Quảng tươi cô Huệ” qua kiểm nghiệm được xác định có hạn dùng lên tới 4 ngày, dù không có chất bảo quản.

Bà Huệ đưa sản phẩm thử nghiệm “mỳ Quảng tươi ăn liền” (một tô mỳ tươi có đủ nhưn các loại, rau sống, nước mắm, ớt, có hạn sử dụng 4 ngày) tham gia các sự kiện, ngày hội và được khách hàng đón nhận.

Năm 2021, bà quyết định tham gia khởi nghiệp với sản phẩm “Mỳ Quảng ăn liền cô Huệ”. Khó khăn rất nhiều, nhưng bà Huệ gặp thuận lợi khi được một người em giới thiệu tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp TP.Tam Kỳ và của tỉnh. Nhờ vậy, bà học hỏi được từ những người khởi nghiệp đi trước cách xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiếp thị và nâng tầm sản phẩm.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp ở tuổi U50, bà Huệ cho biết, mong muốn phát triển bền vững thương hiệu “Mỳ Quảng ăn liền cô Huệ” dựa trên truyền thống, kinh nghiệm sản xuất mỳ tươi nhiều năm của gia đình, kết hợp áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và đưa ra thị trường sản phẩm có mẫu mã đẹp, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn sử dụng dài, khả năng lưu thông rộng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Sản phẩm này tiện lợi khi đưa đi xa, đi tàu xe và nhất là khách hàng không cần phải chế biến cầu kỳ mà vẫn có được tô mỳ đậm hương vị Quảng Nam.

Bà Huệ nói, trong khoảng 1 - 2 năm đầu của hành trình khởi nghiệp, bà sản xuất theo mô hình hộ kinh doanh, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Song song với mua nguyên liệu từ các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.

Từ năm thứ 3 trở đi sẽ sản xuất tập trung, đảm bảo ổn định và chất lượng nguồn cung nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất và chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang công ty TNHH một thành viên, có khu nhà xưởng sản xuất tại một trong các khu hoặc cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Tam Kỳ và mở rộng thị trường hơn nữa.

CHÂU NỮ