Huỳnh Viên Mãn nuôi chồn khởi nghiệp

BÙI HUÂN 21/04/2021 16:52

(QNO) - Tuổi đời mới 27, có nhiều cơ hội tìm việc xa quê như bạn bè nhưng anh Huỳnh Viên Mãn (thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) tìm cách lập nghiệp ngay trên quê hương với mô hình nuôi chồn hương.

Anh Huỳnh Viên Mãn chia sẻ kinh nghiệm làm chuồng chồn hương cho khách hàng. Ảnh: HUÂN BÙI
Anh Huỳnh Viên Mãn (phải) chia sẻ kinh nghiệm làm chuồng chồn hương cho khách hàng. Ảnh: HUÂN BÙI

Vượt qua thử thách ban đầu

Trước khi nuôi chồn, anh Mãn từng thử sức nuôi gà và cá trích, tuy nhiên không mấy khả quan lại thường xuyên xảy ra dịch bệnh nên anh từ bỏ. Đến năm 2016, tham khảo một số thông tin trên mạng xã hội về nuôi chồn hương, anh quyết định mua chồn về nuôi thử sau khi đã đăng ký giấy phép tại chi cục kiểm lâm địa phương.

: Một góc trang trại nuôi chồn. Ảnh: HUÂN BÙI
Một góc trang trại nuôi chồn. Ảnh: HUÂN BÙI

Ban đầu thử sức với mô hình nuôi chồn hương, do chưa hiểu tập tính của loài này nên lứa chồn đầu tiên không con nào sống được. Sau một thời gian, anh tự đúc kết kinh nghiệm và tìm cách làm chuồng phù hợp.

“Tôi dần hiểu được tập tính loài chồn là chúng vẫn giữ bản tính hoang dã, nếu nhốt chung thường cắn nhau đến chết. Vì vậy, phải thiết kế những ô chuồng nhỏ, nuôi mỗi con một ô, chuồng được đóng bằng cây và che lưới sắt” - anh Mãn nói.

Chồn hương con hơn 1 tháng tuổi đang được mẹ chúng chăm sóc. Ảnh: HUÂN BÙI
Chồn hương con hơn 1 tháng tuổi được mẹ chăm sóc. Ảnh: HUÂN BÙI

Theo anh Mãn, chồn dễ nuôi, dễ chăm sóc nên rất nhàn nhã, mỗi ngày chỉ dành thời gian một tiếng vào khoảng 19 giờ để cho chúng ăn. Thức ăn hằng ngày chủ yếu là cháo cá, cháo đầu gà…, ngoài ra cung cấp thêm chuối chín từ 2 - 3 bữa ăn/tuần để giúp chồn tăng trọng nhanh, thịt săn chắc, lông mượt và hình dáng đẹp.

Anh Mãn cho biết thêm, do thành ruột của chồn rất ngắn nên hay bị bệnh đường tiêu hóa, để phòng bệnh này thì trong quá trình nuôi phải cho chồn dùng thêm men tiêu hóa và thuốc xổ giun định kỳ 6 tháng/lần. Chúng là loại ưa sạch sẽ, không thích ẩm ướt nên cần phải dọn vệ sinh chuồng hằng ngày, đảm bảo chuồng luôn khô, thoáng.

Truyền cảm hứng lập nghiệp

Đến nay, anh Mãn đang nuôi 70 con chồn hương giống, trong đó 60 con chồn cái, 10 con chồn đực, ngoài ra còn có 30 chồn con. Bình quân mỗi chồn cái đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lần sinh 3 - 6 con. Khi sinh, chồn mẹ tự cho con bú, sau 60 ngày tuổi, người nuôi tách chồn con ra riêng và nuôi dưỡng để xuất bán con giống.

Anh Mãn đang cho chồn ăn. Ảnh: HUÂN BÙI
Anh Mãn cho chồn ăn. Ảnh: HUÂN BÙI

Giá bán bình quân một cặp chồn con khi tách mẹ (khoảng 60 ngày tuổi) là 7 triệu đồng, cặp chồn 2kg trở lên là 10 - 12 triệu đồng, cặp chồn trong độ tuổi phối giống 20 - 30 triệu đồng và chồn bán lấy thịt 1,4 - 1,7 triệu đồng/kg. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm anh Mãn đạt tổng doanh thu ổn định 300 triệu đồng/năm.

“Biết được mô hình nuôi chồn của anh Mãn trên mạng xã hội, tôi đến đây tìm hiểu và quyết định mua một cặp về nuôi thử, 3 tháng sau tôi sẽ lấy thêm vài cặp về nuôi” - anh Nguyễn Văn Bình (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết.

Một cặp chồn hương đang trong quá trình giao phối. Ảnh: HUÂN BÙI
Một cặp chồn hương đang trong quá trình giao phối. Ảnh: HUÂN BÙI

Nói về dự định sắp tới, anh Mãn tâm sự: “Tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình nuôi chồn hương với 200 - 300 con chồn giống sinh sản. Bên cạnh đó, tôi sẽ mở thêm trang trại chăn nuôi bò giống và heo rừng”.

Qua hơn 5 năm vững vàng với nghề nuôi chồn hương, chàng trai trẻ Huỳnh Viên Mãn đã truyền cảm hứng lập nghiệp tại quê hương cho hơn 100 thanh niên trên khắp đất nước thông qua diễn đàn Facebook “Chồn hương Đại Lộc”. Hy vọng ngày càng có thêm nhiều thanh niên khởi nghiệp từ nguồn cảm hứng mà anh Mãn khơi dậy, để Đại Lộc có thêm nhiều mô hình kinh tế vững chắc.

BÙI HUÂN