Chế biến nhiều sản phẩm từ trái nhàu

HUYỀN PHƯƠNG 20/07/2020 04:31

Từ một loại cây mọc bình thường ở các vùng quê, trái nhàu được chị Nguyễn Thu Dung (xã Tiên Ngọc, Tiên Phước) chế biến thành nhiều sản phẩm mang thương hiệu Adeva Noni cung ứng cho thị trường.

Chị Nguyễn Thu Dung với các sản phẩm từ trái nhàu. Ảnh: H.P
Chị Nguyễn Thu Dung với các sản phẩm từ trái nhàu. Ảnh: H.P

Khởi nghiệp... tình cờ

Chị Dung kể, mình khởi nghiệp rất... tình cờ. Năm 2016, khi còn làm kế toán cho một doanh nghiệp, chị phải liên hệ tìm các sản phẩm khởi nghiệp khắp cả nước nhập về cung cấp cho khách hàng. Các sản phẩm chị bán lúc đó đều hướng đến bảo vệ sức khỏe như xà phòng handmade, tinh dầu dừa, son handmade...

Trong một lần làm việc với khách hàng Hàn Quốc, chị Dung nhận thấy người Hàn Quốc hiểu rõ công dụng của trái nhàu, đặc biệt yêu thích các sản phẩm làm từ nhàu. Được khách đặt vấn đề cung ứng các sản phẩm này, chị bắt đầu tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất bột nhàu, trà túi lọc, nhàu khô... Năm 2018, chị ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm từ trái nhàu với 2 khách hàng lớn gồm 1 doanh nghiệp đến từ  Hàn Quốc và công ty dịch vụ hàng không mặt đất nhập hàng, trưng bày và bán trong các khu vực miễn thuế ở sân bay. Nhờ vậy, sản phẩm của chị tiếp cận thị trường rất nhanh.

Thời điểm này do chưa đủ nguồn lực, chị Dung phải liên kết nhập hàng với bên sản xuất cung ứng cho khách. Tuy nhiên, với các đơn hàng giá trị lớn phải chờ 10 - 15 ngày, khiến tiến độ giao hàng bị chậm trễ. Chị nảy ra ý tưởng tận dụng đất ở quê để trồng nhàu, vừa chủ động được nguồn hàng sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho sản phẩm.

“Người dân quê mình hầu như chưa hiểu rõ lợi ích trái nhàu nên mọi người ít quan tâm và dần phá bỏ. Vì vậy việc khôi phục trái nhàu sẽ giúp tạo nguồn nguyên liệu và sản xuất ra sản phẩm tinh chế, tạo sinh kế cho người dân. Đặc biệt, tôi muốn nâng cao giá trị kinh tế cho trái nhàu, mang đến sản phẩm tốt cho sức khỏe khách hàng trong và ngoài nước” - chị Dung chia sẻ.

Mở hướng đi mới

Ban đầu, ngoài thu mua trái nhàu từ các hộ dân khắp nơi trong tỉnh, chị Dung cũng tiến hành trồng nhàu tại quê chồng (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc). Nhờ khí hậu phù hợp nên việc tạo nguồn nguyên liệu không khó khăn, nhưng sản phẩm tinh chế gặp nhiều vấn đề. Sản phẩm đầu tiên chị được đặt hàng là trà nhàu túi lọc. Do chưa có kinh nghiệm cộng với cách làm thủ công phơi khô tự nhiên, nhiều lần chị đem sản phẩm đi kiểm nghiệm đều thất bại vì tỷ lệ nhiễm nấm mốc cao. Sản phẩm hướng đến chăm sóc sức khỏe, nên mọi quy trình đều phải đảm bảo chất lượng.

Năm 2018, chị Dung vay gần 1 tỷ đồng cùng số tiền tích lũy của gia đình, bắt tay xây dựng nhà máy sản xuất trái nhàu hiện đại đặt tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Đồng thời chị cũng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu quy trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Trái nhàu tươi sau khi thu hoạch được rửa sạch, chẻ lát cho vào máy sấy khô, chuyển qua nghiền thô, sau đó sử dụng máy đóng trà túi lọc ra thành phẩm. Thành công sản phẩm đầu tiên, chị Dung nhanh chóng nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm khác như nhàu khô, nước trái nhàu đóng chai, bột nhàu… Đến nay, gần 20 sản phẩm từ trái nhàu mang thương hiệu Adeva Noni đã được sản xuất, cung cấp ra thị trường.

Đầu năm 2019, doanh số thật sự bùng nổ khi các đơn đặt hàng từ sân bay liên tục gửi về với số lượng 500 - 1.000 sản phẩm, mỗi đơn hàng trị giá gần 100 triệu đồng. Sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh là thị trường tiêu thụ chủ lực do phục vụ đông khách Hàn Quốc.

Mọi việc đang tiến triển thuận lợi, thì dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch giảm làm ảnh hưởng trực tiếp doanh thu. Chị Dung nhận ra cách kinh doanh còn thiếu sót khi chỉ tập trung thị trường khách du lịch mà chưa đầu tư phát triển kênh phân phối nội địa, vì vậy chị chuyển hướng nghiên cứu và đẩy mạnh sản xuất dòng mỹ phẩm từ trái nhàu. Sản phẩm này được chị Dung ký gửi tại các quầy kệ một số siêu thị mini tại Đà Nẵng và giới thiệu qua kênh online. Kết quả phản hồi khá tích cực, doanh số từ những kênh phân phối này bắt đầu tăng trưởng.

Hiện tại, chị Dung lên kế hoạch xây dựng thêm nhà máy tại Quảng Nam để đưa dây chuyền sản xuất về gần nguồn nguyên liệu hơn. “Việc xây dựng thương hiệu với sản phẩm trái nhàu rất mới nên gặp nhiều khó khăn, nhưng với lợi ích trái nhàu mang lại, tôi tin rằng mọi sự nỗ lực của tôi để đưa sản phẩm Adeva Noni đến tay người tiêu dùng sẽ thành công, góp phần nâng cao giá trị trái nhàu, đồng thời tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế giúp thay đổi cuộc sống nhiều người dân quê” - chị  Dung nói.

HUYỀN PHƯƠNG