Khởi nghiệp với túi xách vải
Bằng sự sáng tạo và cần mẫn, chị Nguyễn Thị Tâm (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh) đã tìm cho mình hướng khởi nghiệp phù hợp.
Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi nhưng thu nhập cứ đều đều chẳng thể dư dả, trong khi nhà lại neo người nên chị Tâm quyết định quay về quê hương lập nghiệp. Vốn có tay nghề trong lĩnh vực may mặc, chị mở cơ sở nhận may gia công cho các công ty trong vùng.
Đầu năm 2017, với số vốn 100 triệu đồng, chị Tâm cải tạo một phần nhà để làm xưởng sản xuất và đầu tư 7 chiếc máy may. Qua hơn một năm hoạt động, nhận thấy việc may gia công không mang lại hiệu quả cao, chị nghĩ đến việc tự may những sản phẩm theo nhu cầu thị trường. “Tôi mạnh dạn tìm hiểu và đến các chợ đặt vấn đề may túi xách vải thời trang theo xu hướng hiện nay để bỏ sỉ cho các đầu mối” - chị Tâm nói.
Ban đầu khi chuyển từ may quần áo sang túi xách chị Tâm gặp không ít khó khăn như tìm nguồn nguyên liệu, thiết bị và kỹ thuật; trong đó công đoạn in họa tiết, tạo thẩm mỹ cho chiếc túi là khó nhất. Theo chị Tâm, trước đây, để có họa tiết in ấn theo yêu cầu khách hàng, chị phải gửi mẫu đi các cơ sở in, chi phí cao khiến việc sản xuất không mang lại lợi nhuận.
Trước thực tế đó, chồng chị Tâm - anh Nguyễn Thanh Đức tìm hiểu qua mạng và ra Hà Nội học kỹ thuật in ấn. Trong thời gian ngắn, vợ chồng chị Tâm đã cho ra những sản phẩm đẹp và bắt mắt theo thị hiếu của người dùng. Hiện nay, ngoài các mẫu in tự thiết kế, cơ sở còn nhận in theo đơn đặt hàng. “Việc làm chủ kỹ thuật in mang lại lợi thế lớn trong việc tạo ra những sản phẩm độc quyền, ấn tượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng” - anh Đức nói.
Túi xách, ba lô gọi là túi “tò te”, được may từ loại vải bố dù 600D chống thấm, hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên, cạnh đó là các khách hàng như công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh… Loại túi xách này có ưu điểm nhẹ, bền và giá rẻ. Sản phẩm của cơ sở chị Tâm đã có mặt ở khắp các chợ Quảng Nam và khu vực Quảng Ngãi. Nhờ sử dụng mạng xã hội, chị Tâm kết nối thêm nhiều đầu mối ở các tỉnh khác, đặc biệt là Hà Nội, mỗi tháng lượng tiêu thụ ở thị trường này hơn 1.000 sản phẩm.
“Sản xuất túi xách vải phụ thuộc nhiều vào thị trường, trung bình mỗi tháng cơ sở có thể xuất xưởng gần 10.000 sản phẩm các loại để bán ra thị trường. Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 xảy ra thì cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã chuyển sang may khẩu trang để hỗ trợ địa phương và phát cho người dân để cùng chống dịch” - chị Tâm chia sẻ.
Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, cơ sở của chị Tâm còn giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên trong xã. Theo hình thức gia công tại nhà, các chị em được chị Tâm hỗ trợ máy may để chủ động thời gian, may và hoàn thiện các sản phẩm. Trung bình mỗi tháng mỗi chị em nhận được mức lương 4 - 6 triệu đồng.
Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh - Nguyễn Trung Thạch cho biết, mô hình sản xuất của chị Tâm rất mới trên địa bàn huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Tâm cũng là đoàn viên năng nổ trong hoạt động phong trào tại địa phương, nhất là các hoạt động an sinh xã hội. Tổ chức đoàn đang làm hồ sơ, tạo điều kiện cho chị Tâm vay vốn và mở rộng quy mô sản xuất.