Dấn thân vào nông nghiệp xanh

HUYỀN PHƯƠNG 29/06/2020 12:54

Đam mê sáng tạo, khao khát dấn thân, chàng trai trẻ Huỳnh Đức Anh Thi (SN 1993, thôn Phước Lộc, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) đã quyết định khởi nghiệp từ những sản phẩm nông nghiệp xanh ngay trên chính quê hương mình.

Huỳnh Đức Anh Thi với mô hình trồng rau thủy canh và hoa lan của mình. Ảnh: H.P
Huỳnh Đức Anh Thi với mô hình trồng rau thủy canh và hoa lan của mình. Ảnh: H.P

Khởi nghiệp từ hoa lan

Nhìn cách Thi say mê ngồi tỉa lá, chăm chút cho những luống hoa, không ai nghĩ anh từng là cử nhân kinh tế đã có công việc và thu nhập ổn định. Tốt nghiệp đại học, anh Thi làm sale nhiều ngành hàng để có thêm trải nghiệm và tìm hiểu thị trường. Đầu năm 2019, thấy thị trường trồng và kinh doanh hoa lan đang nở rộ, anh nhập thử hoa lan Moraka từ Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) về phân phối. Trung bình mỗi tháng Thi lấy 400 bó bỏ mối cho các shop hoa ở Tam Kỳ, trừ chi phí vận chuyển và hao hụt, anh thu về gần 10 triệu đồng.

Dù nhu cầu sử dụng hoa lan lớn nhưng nguồn hoa không ổn định, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Anh Thi bắt đầu suy nghĩ cần phải tận dụng đất sẵn có của gia đình, đầu tư trang thiết bị hiện đại,  kỹ thuật chăm sóc để trồng lan cung cấp cho thị trường. Khi đem ý tưởng trao đổi, Thi bị người thân phản đối quyết liệt, dẫn chứng là rất nhiều mô hình trồng lan Moraka ở Quảng Nam đã thất bại. Tuy nhiên, bản lĩnh và tư duy của chàng trai kinh tế giúp anh không chùn bước trước khó khăn.

“Tôi không xem những thất bại của mô hình khác là áp lực cho bản thân, mà phải nhìn nhận để có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ hơn trước khi bắt đầu, tìm cách cải tiến mô hình để mang lại hiệu quả kinh tế” - Thi nói.

Tháng 9.2019, Thi ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cây giống và bao tiêu đầu ra với một nhà vườn trồng lan lớn ở Đà Nẵng. Bước đầu, anh thử nghiệm trồng 1.500 cây, xây dựng nhà màn công nghệ cao, trang bị các loại máy móc, hệ thống cắt nắng, phun tưới tự động... Thời điểm xuống giống, mưa liên tục làm cây bị nhiễm nấm và chậm phát triển. Thi vẫn lạc quan cho rằng mình may mắn, khởi đầu trong điều kiện khó khăn nhất để hiểu sự phát triển của cây, từ đó khắc phục kịp thời.

Sau 3 tháng, lứa lan đầu phát triển ổn định, anh trồng thêm 1.500 cây, đồng thời chọn những cây phát triển khỏe để cho ra hoa, những cây chậm lớn anh ngắt nụ nuôi thân cây, trồng gối vụ, nhờ đó luôn đảm bảo có hoa thường xuyên để cung cấp cho các cửa hàng. Đến nay, sản phẩm hoa lan Mokara thương hiệu AT Happy Farm đã đủ chất lượng bán ra thị trường, dự kiến trong 6 tháng đến mỗi tuần anh sẽ thu hoạch 50 bó, doanh thu 16 - 20 triệu đồng/tháng.

Liên kết để phát triển

Khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường hoa cũng bị ảnh hưởng, dù hoa vẫn có đầu ra nhưng Thi chuẩn bị phương án dự phòng nếu dịch kéo dài. Anh quyết định vay vốn xây vườn rau sạch. Anh cho rằng ý thức của người tiêu dùng đang ngày được nâng cao, thị trường rộng mở và nhu cầu thực phẩm luôn cấp thiết.

Tháng 3.2020, anh Thi bắt đầu xây dựng mô hình trồng rau thủy canh diện tích 300m2 bên cạnh vườn lan, Để đảm bảo rau sinh trưởng tốt, anh đầu tư hệ thống nhà màng hạn chế sâu bọ, mưa nhân tạo, quạt gió nhằm hạn chế  sức nóng mùa hè. Lứa rau đầu tiên, Thi xuất được 1 tạ cải shiro, cải thìa bẹ dún, cải shika thu về 3,5 triệu đồng. Đến nay, mỗi tháng vườn cung cấp được 4 - 6 tạ rau, mang về nguồn thu nhập ổn định. Anh đang từng bước hoàn thiện mô hình và mở rộng công suất cho vườn rau.

Theo anh Thi, các vườn rau sạch nhỏ lẻ ở Quảng Nam chưa có sự kết nối thị trường cũng như chưa đủ nguồn ổn định để cung cấp, đầu ra còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Do vậy, đa số cửa hàng rau sạch địa phương bán rau nhập từ Đà Lạt thay vì sử dụng nguồn rau sẵn có tại Quảng Nam dù chi phí và thời gian vận chuyển tiết kiệm hơn.

Tìm thấy khoảng trống thị trường, Thi mạnh dạn liên kết ba nông trại sạch trên địa bàn, ký kết hợp đồng cung ứng. Theo đó, mỗi trại rau cùng phân khúc sẽ tập trung trồng các loại rau khác nhau và triển khai hỗ trợ bán chéo sản phẩm cho nhau để mở rộng thị trường. Điều này tạo ra nguồn hàng ổn định, không bị cạnh tranh về giá và sản phẩm rau luôn đảm bảo đầu ra với giá bán ổn định, tăng hiệu quả về mặt kinh tế.

“Tôi mong muốn người dân cùng liên kết để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Cách làm này nếu thành công và được nhân rộng sẽ tạo thành một môi trường nông nghiệp bền vững cho địa phương” - Thi chia sẻ.

Vẫn biết mỗi bước đi trên chặng đường phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng Huỳnh Đức Anh Thi đã dám nghĩ, dám làm, mang tư duy, cách nhìn của người trẻ để từng bước khẳng định mình, làm giàu chính đáng, thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân quê hương.

HUYỀN PHƯƠNG